Trao giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021 và giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI

PV
16:34 - 01/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2021 đã được trao cho 33 tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI được trao cho 36 tác phẩm của các tác giả.

Tối 31/7, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam; Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI.

Tham dự có Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các đơn vị và các cá nhân được trao giải thưởng.

Trao giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021 và giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài trao giải Môi trường Việt Nam và chụp ảnh lưu niệm với các đơn vị đạt giải. Ảnh: Bộ Tài Nguyên và Môi trường

Giải thưởng Môi trường Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Giải thưởng Môi trường Việt Nam, là giải thưởng cao quý nhất về môi trường, được tổ chức xét tặng hai năm một lần, nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã có những đóng góp to lớn về công sức, trí tuệ, cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Giải thưởng Môi trường Việt Nam còn là nơi ươm mầm cho những giải pháp chính sách, mô hình sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Qua các kỳ xét tặng, hàng trăm tổ chức, cá nhân và cộng đồng đã được Giải thưởng vinh danh và tiếp tục có những thành tích xuất sắc, đóng góp thường xuyên, liên tục trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Nhiều sáng kiến đạt giải đã được áp dụng vào thực tế góp phần giảm thiểu, cải thiện chất lượng môi trường, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững trên mọi phương diện, mọi ngành nghề của đất nước.

Giải thưởng Môi trường Việt Nam được phát động kể từ năm 2019, là Giải thưởng được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của nhiều tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Giải thưởng Môi trường Việt Nam đã khẳng định được tầm ảnh hưởng trong đời sống xã hội đất nước và ngày càng thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân là nhà quản lý, nhà khoa học, tầng lớp nhân dân Trung ương đến địa phương, từ thành thị, nông thôn đến miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, với mọi lứa tuổi, thành phần nghề nghiệp.

Ban tổ chức Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021, đã tiếp nhận tổng số 234 hồ sơ đăng ký tham gia của 158 tổ chức, 72 cá nhân và 4 cộng đồng. Giải thưởng cũng ghi nhận sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, đa dạng về lứa tuổi, từ nhà quản lý, nhà khoa học đến nông dân, phụ nữ, học sinh, sinh viên. Trong đó, giới trẻ chiếm khá nhiều giải, điều này mang đến hy vọng về việc thay đổi nhận thức, thiết lập lối sống xanh, hy vọng về tương lai môi trường xanh.

Nội dung và hình thức thể hiện trong các hồ sơ tham gia chia thành 6 nhóm, gồm: Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; Giáo dục, đào tạo, truyền thông; tham vấn, tư vấn, phản biện, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường; Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học; Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dựa trên các quy định, tiêu chí Hội đồng và Ban cố vấn xét tặng giải thưởng đã thống nhất và đề xuất 33 tổ chức, cá nhân, cộng đồng (bao gồm: 20 tổ chức, 10 cá nhân, 3 cộng đồng) có đủ các tiêu chí, điều kiện đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021.

Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2021

Giải thưởng Môi trường Việt Nam đối với Cá nhân

1. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Học sinh Nguyễn Nguyệt Linh, Lớp 7G2, Trường Marie Curie, Thành phố Hà Nội

3. Học sinh Nguyễn Hà My, Lớp 12B2, Trường THPT Hòn Gai, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

4. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Thịnh, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

5. Ông Trầm Minh Thuần, Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh

6. Tiến sĩ Lê Xuân Sinh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

7. Bà Nguyễn Xuân Tuyền, Đảng ủy thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

8. Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phòng Văn hóa, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam

9. Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

10. Ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Công ty Cổ phần Thiết kế và Phát triển Công nghệ xây dựng Span, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Giải thưởng Môi trường Việt Nam đối với Cộng đồng

1. Câu lạc bộ Thực hành sống xanh (Geen Living Club), quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh

2. Ban Quản lý Cộng đồng Tiểu khu đồng quản lý Bảo tồn biển thôn Bãi Hương xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

3. Câu lạc bộ "Phụ nữ bảo vệ môi trường", khu phố Hiệp Thắng, phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương

Giải thưởng Môi trường Việt Nam đối với Tổ chức

1. Cơ quan Quản lý nhà nước: 3 tổ chức

- Chi cục Bảo vệ Môi trường Thành phố Đà Nẵng.

- Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng

- Phòng Quản lý Môi trường, Cục Y tế, Bộ Công an

2. Các tổ chức Chính trị - Xã hội: 3 tổ chức

- Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Bến Tre

- Ban thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

- Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Nghệ An

3. Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn: 4 tổ chức

- Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An

- Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cát Tiên

- Vườn Quốc gia Vũ Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh

- Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

4. Các Trường, Viện, Trung tâm: 7 tổ chức

- Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Văn Lang, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

- Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

- Trường Tiểu học Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang

- Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Khuyến, Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định

- Khoa Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên

- Đoàn Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

- Viện Môi trường Nông nghiệp, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

5. Doanh nghiệp: 3 tổ chức

- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.

- Trang trại Bò sữa Vinamilk Đà Lạt, Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bò sữa Việt Nam

- Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Du lịch và Công nghệ Nuôi trồng Thuỷ sản, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Giải Báo chí tài nguyên và môi trường

Giải Báo chí tài nguyên và môi trường được tổ chức định kỳ hai năm một lần nhằm động viên, tôn vinh, khen thưởng tác giả, tác phẩm báo chí phản ánh, tuyên truyền đề tài, chủ đề, nội dung về tài nguyên và môi trường có chất lượng và sức lan tỏa cao, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Giải thưởng cũng là một cơ hội để tuyên truyền, cổ vũ các tấm gương, các điển hình tiên tiến, mô hình, sáng kiến, giải pháp, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về tài nguyên và môi trường; quá trình hình thành, đổi mới, hội nhập, phát triển và vị trí, vai trò, đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường thời gian qua.

Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI tiếp nhận các tác phẩm trong 2 năm 2020 – 2022, là thời điểm có nhiều biến động, thử thách đối với giới báo chí cả nước. Các đợt bùng phát dịch COVID-19 lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguồn chất liệu cho báo chí khan hiếm, điều kiện tác nghiệp của nhà báo gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Các tác phẩm báo chí dự thi lần này đều mang tính thời sự cao, tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, phản ánh toàn diện, khách quan, trung thực về những vấn đề trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền những mô hình, hình ảnh tích cực trong xã hội về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đặc biệt, năm 2022 là năm đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhiều tác phẩm gửi về tham dự giải có nội dung tập trung tuyên truyền các tấm gương, các điển hình tiên tiến, mô hình, sáng kiến, giải pháp, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về tài nguyên và môi trường; quá trình hình thành, đổi mới, hội nhập, phát triển và vị trí, vai trò, đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường thời gian qua, chiếm 32,3% tổng số các tác phẩm tham dự.

Ban tổ chức Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI đã nhận được gần 400 tác phẩm của 361 tác giả, nhóm tác giả tham gia ở bốn loại hình báo chí gồm: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình của trên 100 đơn vị cơ quan Báo chí trung ương và địa phương. 

Dựa trên các tiêu chí, 36 tác phẩm đã chọn và trao giải thưởng. Loại hình có 1 giải A, 3 giải B và 5 giải C; Báo điện tử có 1 giải A, 3 giải B và 5 giải C; phát thanh có 1 giải A, 3 giải B và 5 giải C; Truyền hình: 1 giải A, 3 giải B và 5 giải C. Ban tổ chức cũng trao giải tập thể cho Báo Bắc Giang (có nhiều tác phẩm dự thi nhất).

giai bao chi 2.jpg

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Giải A Giải thưởng báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI và chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu đạt giải. Ảnh: Bộ Tài Nguyên và Môi trường

Giải Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI 

Loại hình báo in

Giải A: Tác phẩm: Loạt bài "Lật mặt các địa ngục thú rừng – 2021". Tác giả: Nguyễn Đức Minh, Báo Nông thôn Ngày nay.

Giải B: Gồm 3 tác phẩm

1. Tác phẩm: Loạt bài "Họa phân lô bán nền". Nhóm tác giả: Đặng Tiến Long - Trần Quang Thế - Nguyễn Tài Đại - Đặng Tuân - Đào Đức Bảo, Báo Tuổi trẻ.

2. Tác phẩm: Loạt bài "Phát triển điện mặt trời - thừa hệ lụy, thiếu kiểm soát: Nỗi lo xử lý môi trường". Nhóm tác giả: Ngô Văn Cường - Nguyễn Đức Thành - Nguyễn Thị Hà - Nguyễn Thanh Tuấn, Báo Lao động.

3. Tác phẩm: Loạt bài "Nan giải bài toán giữ rừng Tây Nguyên". Nhóm tác giả: Bình Định - Tiến Dũng - Anh Sơn - Lê Hiếu, Báo Quân đội nhân dân.

Giải C: Gồm 5 tác phẩm

1. Tác phẩm: Loạt bài "Chúng tôi yêu thành phố". Nhóm tác giả: Đặng Thị Tuyết Hiền - Trần Tấn An, Báo Vĩnh Long.

2. Tác phẩm: "Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn". Nhóm tác giả: Vương Trung Tuyến - Nguyễn Đào Phương - Phan Thị Thanh Qúy - Đặng Đức Giang - Trần Văn Hảo, Báo Nhân dân.

3. Tác phẩm: Loạt bài "Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững - Từ góc độ cơ quan dân cử địa phương". Nhóm tác giả: Vũ Thị Nhung - Nguyễn Thị Hải Yến - Vũ Thị Quỳnh Lan, Báo Đại biểu Nhân dân.

4. Tác phẩm: Loạt bài "Miền Trung làm gì để ứng phó thiên tai?". Nhóm tác giả: Lê Hoàng Hiệp - Hứa Văn Hả, Báo Đà Nẵng.

5. Tác phẩm: Loạt bài "Báo động ô nhiễm tiếng ồn". Nhóm tác giả: Phùng Nguyên - Quý Trân - Nguyễn Thị Anh Đào - Thiên Thanh, Báo Nhân dân.

Loại hình phát thanh

Giải A: Tác phẩm: Loạt bài "EPR: Trách nhiệm và thách thức". Tác giả: Nguyễn Trần Anh Thu, Ban Văn hóa - Xã hội, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Giải B: Gồm 2 tác phẩm

1. Tác phẩm: Loạt bài "Khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai". Tác giả: Vũ Tài Dũng, Ban thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam.

2. Tác phẩm: Loạt bài "Ai bảo kê đường dây rác "lậu" vào TP.HCM?". Nhóm tác giả: Đào Thị Hồng Lĩnh - Phan Hoài Nhơn - Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Thịnh - Lê Tấn Khoa, Kênh VOV giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Giải C: Gồm 4 tác phẩm

1. Tác phẩm: Loạt bài "Chủ động để thích ứng". Nhóm tác giả: Lê Minh Thi - Nguyễn Thế Trung, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Hồng Ngự, Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Tháp.

2. Tác phẩm: "Để dòng nước trong xanh lại về Bắc Hưng Hải". Nhóm tác giả: Hùng Xướng - Ngọc Oanh - Đăng Mạnh - Thu Thuỷ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hưng Yên.

3. Tác phẩm: "Rác… Yêu thương". Nhóm tác giả: Nguyễn Giang Nam - Nguyễn Thị Thu Hà - Lương Thị Thu Phượng - Dương Thị Huyền - Nguyễn Đức Bích, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang.

4. Tác phẩm: Loạt bài "Chương trình: Chợ phiên startup khởi nghiệp thông minh - Chủ đề: Startup và môi trường". Tác giả: Vũ Thị Kim Ngân, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Loại hình truyền hình

Giải A: Tác phẩm: "Tọa đàm: COP26 - Hành trình hiện thực Việt Nam xanh". Tác giả: Phạm Ngọc Tình - Nguyễn Anh Thư - Lưu Hoàng Tuấn - Đỗ Thu Giang - Cao Cự Linh, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam.

Giải B: Gồm 3 tác phẩm

1. Tác phẩm: "Thị trường tín chỉ Carbon - Kinh nghiệm quốc tế và chính sách cho Việt Nam". Nhóm tác giả: Kim Thanh - Hiền Trang - Kim Thoa - Song Hiền - Văn Thắng, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

2. Tác phẩm: "Nơi sống chung với rác thải nhựa". Nhóm tác giả: Phạm Thị Hồng Thanh - Phan Thành Phương, Trung tâm Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam.

3. Tác phẩm: "Khát vọng Chông Tà Già". Nhóm tác giả: Hương Giang - Kim Thoa - Sơn Hiếu - Thu Hiền, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An.

Giải C: Gồm 5 tác phẩm

1. Tác phẩm: "Mắt rừng". Tác giả: Trương Thị Hợp, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Tĩnh.

2. Tác phẩm: Loạt bài "3 năm thực hiện Nghị quyết "Thuận thiên" tại Đồng bằng sông Cửu Long". Nhóm tác giả: Nguyễn Phú Huân - Nguyễn Thị Liến - Chu Mạnh Hùng - Nguyễn Quốc Mạnh - Trần Văn Vương, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

3. Tác phẩm: "Hướng tới xử lý chất thải rắn bền vững". Nhóm tác giả: Hoàng Anh Đức - Quỳnh Trang - Quốc Hà, Truyền hình Nhân dân, Báo Nhân dân.

4. Tác phẩm: "Hoa trên đá". Nhóm tác giả: Lương Thanh Trâm - Phan Thị Mai Hương - Nguyễn Văn Bảo - Phạm Văn Giang - Nguyễn Thị Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Hải Phòng.

5. Tác phẩm: "Những món đồ chơi của bác bảo vệ". Nhóm tác giả: Lê Quốc Khởi - Trần Bá Trọng Phước - Hồ Hoàng Hải Yến - Ngô Kim Long, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Sóc Trăng.

Loại hình báo điện tử

Giải A: Tác phẩm: Loạt bài "Phát triển kinh tế biển xanh: "Chìa khóa" đưa đất nước thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển". Tác giả: Đỗ Thị Bích Liên, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giải B: Gồm 3 tác phẩm

1. Tác phẩm: Loạt bài "Đột kích các tổng kho hành quyết chim trời". Tác giả: Đỗ Doãn Hoàng, Báo Điện tử Dân Việt.

2. Tác phẩm: Loạt bài "Về núi bãi thải than ở tỉnh Quảng Ninh". Nhóm tác giả: Nguyễn Gia Chính - Đặng Văn Cương, Báo Điện tử Vnexpress.

3. Tác phẩm: Loạt bài "Từ COP26: Hành trình Việt Nam thành trung tâm sản xuất xanh của thế giới". Nhóm tác giả: Nguyễn Kiên Trung - Lương Bằng, Báo Điện tử VietNamnet.

Giải C: Gồm 5 tác phẩm

1. Tác phẩm: Loạt bài "Thiên tai ngày càng khốc liệt, dị thường, làm gì để chung sống hòa thuận với thiên nhiên?". Nhóm tác giả: Văn Ngân - Nguyễn Hùng, Báo Điện tử VOV.

2. Tác phẩm: Toạ đàm "Đồng bằng sông Cửu Long: Thuận thiên bền vững vượt đại dịch". Nhóm tác giả: Đặng Thu Cúc - Nguyễn Đình Hải - Văn Minh Ngọc - Đỗ Văn Cường - Hoàng Mai Trinh, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

3. Tác phẩm: Loạt bài "Sạt lở núi: SOS". Nhóm tác giả: Bùi Công Kiên - Nguyễn Tiến Hùng, Báo Nghệ An.

4. Tác phẩm: Loạt bài "Giải cứu chim trời Cát Bà, bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới". Tác giả: Võ Mạnh Hùng, Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam).

5. Tác phẩm: Loạt bài "Thực hiện Chỉ thị 19 của BTV Tỉnh ủy Bắc Giang về quản lý đất đai". Nhóm tác giả: Trịnh Lan - Hải Minh, Báo Bắc Giang.

Giải tập thể

Báo Bắc Giang

Nguồn: Tổng hợp