Trao giải cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023

11:01 - 25/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 25/10, Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 được tổ chức tại Hà Nội. Cuộc thi do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tổ chức.

Trao giải cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao giải Nhất cho tác phẩm “Loạt bài 4 kỳ: Tăng quyền lợi, đảm bảo an sinh cho lao động nữ” - Tác giả Phạm Thị Kim Thanh(Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).

Các tác phẩm tham dự cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 đạt chất lượng cao, đa dạng thể loại

Chủ đề của cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 nhấn mạnh vấn đề bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ, đặc biệt là bảo đảm việc làm, nâng cao chất lượng dịch vụ công, nhà ở cho người lao động…

“Ban Tổ chức hy vọng những vấn đề được phản ánh, những giải pháp gợi mở đã giúp cơ quan chính quyền hoạch định, điều chỉnh các chính sách an sinh xã hội phù hợp vì sự tiến bộ, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ" - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Tạ Việt Anh nhấn mạnh.

Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 được phát động vào ngày 20/3 và kết thúc thời gian nhận bài ngày 30/9. Sau 6 tháng phát động cuộc thi, Ban Tổ chức nhận được 536 tác phẩm dự thi của các nhà báo, phóng viên cơ quan báo, đài trung ương và các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, có nhiều bài dự thi của các tác giả đến từ Trường Đại học Văn hóa, Trường Đại học Lao động Xã hội, Đại học Huế,… Năm nay, số lượng tác phẩm dự thi, tăng vượt bậc so với mùa đầu tiên (tăng hơn 200 bài dự thi), 6 sự kiện đồng hành gồm tọa đàm và đi thực tế.

Trao giải cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 - Ảnh 2.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Ngọc Tú

Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 không chỉ là tổ chức phát động, thu bài, chấm bài như nhiều cuộc thi thông thường khác, mà còn mở ra chuỗi hoạt động từ tọa đàm, đi thực tế tại các khu công nghiệp để tìm hiểu đời sống của lao động nữ. Qua đó, giúp các cơ quan báo chí có cái nhìn mang hơi thở đời sống, tổng quan hơn về nội dung mà Ban Tổ chức đề ra tại cuộc thi.

Đánh giá của Ban giám khảo cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023, các tác phẩm dự thi đạt chất lượng cao và đa dạng thể loại thực hiện như bài viết, phóng sự truyền hình, video, eMegazine, phóng sự phát thanh… 33 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo được các tác giả đầu tư về thời gian, công sức và trí tuệ để thực hiện. Các tác phẩm khai thác đa dạng góc độ, khía cạnh khác nhau của bức tranh lao động việc làm, an sinh xã hội.

Điểm nổi bật của cuộc thi năm nay là có nhiều loạt bài dài kỳ; trong đó có đặt vấn đề, nêu thực trạng và đề xuất các giải pháp xử lý. Đơn cử là loạt 4 bài “Tăng quyền lợi, đảm bảo an sinh cho lao động nữ” của tác giả Trần Thị Kim Thanh đến từ Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam; chùm phóng sự phát thanh “Giải bài toán việc làm bền vững cho người lao động” của nhóm tác giả Khổng Thị Phương Thoa, Lê Thị Hằng, Nguyễn Thị Kim Thanh đến từ Đài Tiếng nói Việt Nam; loạt 3 bài “Tìm lời giải tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nữ lao động di cư” của tác giả Trần Oanh - Thịnh An đến từ Báo Kinh tế & Đô thị.

Bên cạnh đó còn có những tác phẩm mang tính phát hiện vấn đề, biểu dương nhân vật như tấm gương chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm vừa là tác giả bài viết và cũng là nhân vật trong bài viết gửi dự thi. Ngọc Tâm là cô gái mắc bệnh xương thủy tinh trong hình hài đứa trẻ nặng vẻn vẹn 15kg, hai chân bị liệt không đi lại được… đã kể nhiều câu chuyện về nghị lực vươn lên trong cuộc sống và viết lên các dự án giúp đỡ phụ nữ, trẻ em khuyết tật khác. Đó là mô hình giáo dục chăm sóc và giúp đỡ trẻ tự kỷ của chị Đào Thanh Hoàn có con bị bệnh rối loạn phổ tự kỷ đã tạo việc làm chăm sóc cho trẻ tự kỷ, mang lại những giá trị đích thực.

Danh sách giải thưởng cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng" năm 2023

Ban Tổ chức trao giải cho 18 tác giả/nhóm tác giả, gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba, 10 giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban Tổ chức trao thưởng phụ cho 1 tập thể tích cực tham gia cuộc thi và 15 giải các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo.

Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 lên tới 195.000.0000 đồng, tăng cả về số lượng và giá trị giải thưởng so với hai mùa thi trước. Dưới đây là danh sách giải thưởng cuộc thi:

1 giải Nhất (30.000.000 đồng/giải): Tác phẩm “Loạt bài 4 kỳ: Tăng quyền lợi, đảm bảo an sinh cho lao động nữ” - Tác giả Phạm Thị Kim Thanh (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).

Trao giải cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 - Ảnh 3.

Ban Tổ chức trao giải Nhì cho tác phẩm “Loạt bài 3 kỳ: Giải bài toán việc làm bền vững cho người lao động” - Tác giả Lê Thị Hằng, Nguyễn Thị Kim Thanh, Khổng Thị Phương Thoa (Đài Tiếng nói Việt Nam) và tác phẩm “Loạt bài 3 kỳ: Tìm lời giải tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nữ lao động di cư” - Tác giả Trần Oanh, Thịnh An (Báo Kinh tế và Đô thị).

2 giải Nhì (20.000.000 đồng/giải):

- Tác phẩm "Loạt bài 3 kỳ: Giải bài toán việc làm bền vững cho người lao động" - Tác giả Lê Thị Hằng, Nguyễn Thị Kim Thanh, Khổng Thị Phương Thoa (Đài Tiếng nói Việt Nam).

- Tác phẩm "Loạt bài 3 kỳ: Tìm lời giải tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nữ lao động di cư" - Tác giả Trần Oanh, Thịnh An (Báo Kinh tế và Đô thị).

Trao giải cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 - Ảnh 4.

Ban Tổ chức trao giải Ba cho các tác giả.

5 giải Ba (10.000.000 đồng/giải):

- Tác phẩm "Loạt bài 5 kỳ: ""Bắt mạch", "bốc thuốc" vực dậy thị trường lao động" - Tác giả Lê Hoa, Nguyễn Vy (Báo Dân trí).

- Tác phẩm "Người phụ nữ hiện thực hóa ước mơ hướng nghiệp và tạo việc làm cho trẻ khuyết tật" - Tác giả Lê Thị Mận, Nguyễn Duy Anh (Báo Kinh tế và Đô thị).

- Tác phẩm "Nghề làm "không có giờ"" - Tác giả Nguyễn Thị Hồng Nhung (Tạp chí Lao động và Công đoàn).

- Tác phẩm "Hành trình không trọn vẹn" - Tác giả Trần Duy Phương, Đỗ Minh Khôi (Tạp chí Lao động và Công đoàn).

- Tác phẩm "Loạt bài 2 kỳ: Mở lối cho người khuyết tật" - Tác giả Trương Quang Hiệp (Báo Quảng Trị).

Ban Tổ chức trao 10 giải Khuyến khích cho các tác giả.

10 giải Khuyến khích (5.000.000 đồng/giải):

- Tác phẩm "Loạt bài 3 kỳ: Để người lao động tiếp cận nhà ở xã hội" - Tác giả Lê Huy Thảo (Tạp chí Xây dựng).

- Tác phẩm "20 năm ươm mầm hạnh phúc ở nhà trẻ em núi Ba Vì" - Tác giả Nguyễn Trọng Tùng (Báo Kinh tế và Đô thị).

- Tác phẩm "Loạt bài 3 kỳ: Công nhân lớn tuổi mất việc" - Tác giả Lê Thị Tuyết (Báo VnExpress).

- Tác phẩm "Loạt bài 3 kỳ: Nhà ở xã hội: Giấc mơ của người lao động" - Tác giả Lan Hương (Báo Đại Đoàn kết).

- Tác phẩm "Chỉ 13% số công nhân, lao động Hà Nội được tiếp cận nhà ở xã hội" - Tác giả Xuân Dần, Song Hiền, Hoàng Hương, Hoàng Minh, Đỗ Hà (Truyền hình Quốc hội Việt Nam).

- Tác phẩm "Nhịp sống Hà Nội: Thuê trọ ở Hà Nội" - Tác giả Nguyễn Thu - Đình Quyến - Duy Khôi (Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội).

- Tác phẩm "Bản lĩnh nữ trưởng công an xã" - Tác giả H Xĭu HMŏk, Vũ Thị Hương Lý (Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên).

- Tác phẩm "Một điểm tựa giúp người khuyết tật tự tin trong cuộc sống" - Tác giả Nguyễn Công Phương (Huyện Hoài Đức, Hà Nội).

- Tác phẩm "Tuyến bài về tiền lương" - Tác giả Nguyễn Văn Sơn, Lê Hoa (Báo Dân trí).

- Chùm tác phẩm "Bước chân không mỏi" - Tác giả Trần Thị Vân, Phạm Minh Khôi.

Trao giải cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 - Ảnh 6.

Ban Tổ chức trao giải thưởng phụ cho tập thể tích cực tham gia cuộc thi.

1 giải Tập thể (10.000.000 đồng/giải): 

- Báo Quảng Trị.

Khen thưởng 15 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo (1.000.000 đồng/tác phẩm).

Năm 2023 là năm thứ ba cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” được tổ chức. Qua mỗi năm, chủ đề của cuộc thi có sự mở rộng và phù hợp với tính tiễn đời sống.

Cuộc thi đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19, có chủ đề tập trung vào nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị, tổ chức và người dân trong việc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cuộc thi cũng đề cập đến quyền được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục cho phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số; cải thiện việc tiếp cận vaccine miễn phí cho tất cả mọi người.

Cuộc thi lần thứ hai được mở rộng ở các nội dung đảm bảo mức lương đủ sống, tiếp cận đầy đủ chính sách an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội cho lao động nữ; đảm bảo quyền được có nhà ở an toàn, giá rẻ cho người lao động; đảm bảo người lao động làm việc trong môi trường an toàn, hợp vệ sinh…

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị