Tranh cãi về đáp án đề tiếng Anh thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Trung Nguyên
09:55 - 01/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đã kết thúc với môn thi cuối cùng là môn tiếng Anh. Riêng môn tiếng Anh, tranh cãi và bàn luận xoay quanh đáp án đề thi vẫn diễn ra sôi nổi.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ảnh: Thiên Ân

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ảnh: Thiên Ân

Trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố bộ đề thi minh hoạ để học sinh có thể dễ dàng ôn tập và môn tiếng Anh cũng không phải ngoại lệ.

Theo đánh giá chung, đề thi môn tiếng Anh năm nay bám khá sát với đề minh hoạ và vừa sức với học sinh. Tuy nhiên, trong 50 câu của đề thi lại xuất hiện một câu với nội dung đang gây tranh cãi trong dư luận. Câu này là câu 50 - mã đề 409. 

Đó chính là câu "tìm lỗi sai" với nội dung như sau: "Their pioneering (A) research showed that the learning motivation of the two groups of learners was quite distinctive (B) from each other, and the comparative (C) group whose learning motivation was stronger performed better than the control (D) group". 

Thấy gì từ câu hỏi tranh cãi trong đề thi tiếng Anh tốt nghiệp trung học phổ thông? - Ảnh 2.

Câu 50 trong mã đề thi 409.

Tranh cãi nổ ra khi nhiều người cho rằng đáp án (B) distinctive là lựa chọn chính xác (tức là từ "distinctive" bị dùng sai). Nhưng cũng có rất nhiều người cho rằng đáp án (C) comparative mới là lựa chọn đúng (tức là từ "comparative" bị dùng sai). Mỗi bên đều có lí lẽ riêng của mình và đều đưa ra phương án bảo vệ hợp lý.

Khi đưa câu hỏi và đáp án này cho các giáo viên bản ngữ tại các cơ sở dạy tiếng Anh, họ cũng không dám chắc đáp án (B) hay (C) mới là đáp án đúng. 

Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đáp án chính thức, có thể thấy một vấn đề qua việc tranh cãi đáp án này là đào tạo tiếng Anh trong chương trình trung học phổ thông hiện nay và việc ra đề thi không ăn khớp với nhau.

Chương trình giáo dục môn tiếng Anh trung học phổ thông đang hướng tới việc hội nhập và phát triển toàn diễn kỹ năng – tức là đề cao tính ứng dụng của tiếng Anh vào thực tế. 

Với lứa tuổi học sinh, việc ứng dụng tiếng Anh vào thực tế của học sinh chỉ đơn giản là có thể giao tiếp tốt, đọc hiểu hay viết được những văn bản phù hợp với lứa tuổi.

Quay trở lại với câu hỏi trên, rất nhiều từ vựng được sử dụng trong câu không phù hợp với trình độ của các em, chỉ có học sinh nào học chuyên về luyện thi IELTS mới có thể biết.

Thêm nữa, cách dùng từ cũng bị làm phức tạp hơn bởi vì trong câu này chắc hẳn nhiều người sẽ không lựa chọn từ "distinctive" hay "distinct" ở đây. Thay vào đó họ sẽ lựa chọn từ "different" – một từ phù hợp với đa số học sinh và phù hợp với ngữ cảnh cụ thể.

Ngoài ra, cấu trúc câu trong câu hỏi này cũng được làm phức tạp hơn. Có thể ngụ ý của người ra đề là yêu cầu thí sinh phải "vận dụng cao" đối với câu hỏi này. Thế nhưng, đây vẫn là điều quá sức với các học sinh theo như dư luận đánh giá. 

Vậy nên, để thay đổi cách học của học sinh trung học phổ thông và đạt được mục tiêu giảng dạy mới đối với môn tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thay đổi cách ra đề và thay dạng đề thi. 

Có thể bớt đi những câu đánh đố như câu hỏi trên, thay vào đó thêm những câu tự luận như dịch câu văn hay viết một đoạn văn, sẽ phát huy được năng lực của học sinh trong môn học, thúc đẩy việc học tiếng Anh tốt hơn.