Trăn trở và lo sợ khi học sinh đi xe máy phân khối lớn

Ly Hương
15:30 - 04/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Cục Cảnh sát Giao thông vừa có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành tập trung tuyên truyền và xử lý nghiêm chuyên đề: Học sinh vi phạm Luật An toàn giao thông, đi xe máy khi chưa đủ điều kiện, xử lý hành chính và cả hình sự khi có hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trăn trở và lo sợ khi học sinh đi xe máy phân khối lớn

Hình ảnh học sinh đi xe máy, cùng nhiều hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ thường thấy. Minh hoạ: VNN

Ám ảnh những vụ tai nạn kinh hoàng

Thầy giáo Phan Anh, giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên.

Cùng với đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3 phải có giấy phép lái xe hạng A1.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của thầy giáo Phan Anh, học sinh lớp 10, 11, 12 ở địa phương này đi xe gắn máy trên 50 cm3 chiếm số lượng dao động khoảng 60-70%. Các em gửi xe gắn máy ở bãi giữ xe ngay trong trường học hoặc trong khu vực dân cư lân cận.

Trong số này, rất nhiều học sinh lớp 10 chưa đủ 16 tuổi và các em lớp 11, 12 chưa đủ 18 tuổi – nghĩa là chưa đủ tuổi học giấy phép lái xe gắn máy hạng A1. Hàng ngày các em vẫn thản nhiên đến trường bằng xe gắn máy trên 50 cm3 mặc dù biết đây là hành vi sai luật.

Thầy giáo Phan Anh cho biết, đã có 2 em học sinh địa bàn này đi xe gắn máy bị tai nạn giao thông tử vong khi đang học lớp 10. Một giáo viên chủ nhiệm bị trầm cảm sau cái chết đầy ám ảnh của em học sinh, phải nghỉ dạy không lương một thời gian dài để điều trị bệnh.

Gần đây, nhiều vụ học sinh bị tai nạn giao thông trên đường đi học vì nhiều lí do khác nhau. Có em thì chạy ẩu do tâm lí lứa tuổi bốc đồng, có em thì chạy nhanh vì sợ trễ học, một số em chạy dàn hàng hai, hàng 3 trên đường gây bực bội cho người tham gia giao thông.

Quy trách nhiệm cho phụ huynh có thoả đáng?

Thầy giáo Phan Anh trải lòng, hầu như ngày nào thầy giáo cũng tận mắt thấy nhiều em học sinh đi xe gắn máy phân khối lớn bị cảnh sát giao thông xử phạt trên nhiều tuyến đường ở các quận huyện như Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh.

"Tôi vừa giận vừa thương các em học sinh. Bởi lẽ, các em đã được học luật giao thông ở trường nhưng vẫn cố tình vi phạm. Nhưng tôi cũng chạnh lòng khi thấy các em tỏ ra sợ hãi khi bị lập biên bản, phải gọi điện thoại cho ba mẹ đến xử lí, rồi đi học trễ giờ bị thầy cô la rầy.

Ba mẹ các em cũng có những nỗi khổ riêng vì không thể đưa đón con em suốt 3 năm trung học phổ thông. Còn mua xe gắn máy dưới 50 cm3 thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện, vì giá một chiếc xe mới lên đến hàng chục triệu đồng.

Năm nào nhà trường cũng tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh nội dung về Luật An toàn giao thông, nghiêm cấm học sinh đi xe máy không đúng quy định. Trong khi, hầu hết các nhà trường đều giữ xe gắn máy cho các em vì đây là nhu cầu có thật của học sinh, phụ huynh và cũng là nguồn thu quá lớn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, học sinh chạy xe phân khối lớn thì phải quy trách nhiệm cho phụ huynh. Thực ra, học sinh bị cảnh sát giao thông xử phạt thì phụ huynh cũng phải chịu trách nhiệm liên đới và nộp phạt hành chính lên tới 2.000.000 đồng.

Thế nhưng, đặc thù của những đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh thì không phải lúc nào cũng luật hoá, hành chính hoá là xong, ví như học sinh đi máy phân khối lớn. Cần có những giải pháp căn cơ hơn là xử phạt hành chính hay hạ hạnh kiểm của những học sinh vi phạm", thầy giáo Phan Anh nhìn nhận và nêu quan điểm.

Theo dự thảo Thông tư về giáo dục an toàn giao thông trong trường học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để xin ý kiến, đó là nhà trường sẽ dạy nội dung thực hành kỹ năng lái xe bằng thiết bị thực tế hoặc mô phỏng.

Học sinh phổ thông được học các nội dung này ít nhất 2 buổi/năm. Các nhà trường có thể lồng ghép, tích hợp vào các môn học chính khóa, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, câu lạc bộ... Những nội dung này cần được sớm được thông qua và triển khai đồng loạt trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cần nghiên cứu sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho học sinh từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 hoặc xe máy điện. Học sinh đủ 16 tuổi đã phát triển khá hoàn chỉnh về thể chất, trí tuệ, tinh thần thì phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trước pháp luật.