Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong nhiệm vụ phục hồi kinh tế năm 2023?

Tô Nam
06:00 - 03/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới “room” tín dụng năm 2022 lên 15%, dù bình luận thế nào thì ít nhất đây cũng là động thái tạo đà cho việc “phanh” và giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Lãi suất tăng là tổng hòa của rất nhiều yếu tố mà cốt lõi nằm ở chính sách thắt chặt về tiền tệ. Ảnh minh họa: IT

Lãi suất tăng là tổng hòa của rất nhiều yếu tố mà cốt lõi nằm ở chính sách thắt chặt về tiền tệ. Ảnh minh họa: IT

Dù Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng năm 2022 lên 15% - 16% nhưng mức tăng thực tế chỉ đạt 12,87%. Giới chuyên môn cho rằng, quyết định nới "room" vào thời điểm khi chỉ còn hơn 3 tuần là kết thúc năm 2022 chỉ là "liệu pháp tâm lý". Tuy thế, xét ở góc độ khác, đây lại là động thái tạo đà tốt cho việc "phanh" và giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tích cực cho phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, đến ngày 21/12/2022 tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021 (đến thời điểm 29/11, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,2%). Như vậy, trong 3 tuần, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 0,67 %, tương đương tăng khoảng 70 ngàn tỷ đồng. Tức là việc mở thêm "room" tín dụng vào 3 tuần cuối năm 2022 chỉ còn là một "giải pháp tâm lý" cho thị trường! 

Việc Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 thêm 1,5 đến 2% trong 3 tuần cuối năm có thể giúp cho các tổ chức tín dụng tăng thêm khoảng 240 ngàn tỷ đồng nguồn vốn vay cho khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng ưu tiên theo định hướng.

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng thấp hơn so với mục tiêu 14% (đề ra từ đầu năm 2022) và định hướng 15% đến 16% (sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới "room" vào ngày 6/12/2022) là bởi 3 lý do: Năng lực của các doanh nghiệp sau đại dịch vẫn chưa hồi phục hoàn toàn; Năm 2022, nhất là từ tháng 8 đến nay, mặt bằng lãi suất cao do chính sách bảo vệ tỷ giá và kiểm soát lạm phát khiến doanh nghiệp vẫn đắn đo khi vay; Việc kiểm soát rủi ro vẫn được các ngân hàng áp dụng chuẩn mực khắt khe nên việc tiếp cận tín dụng không dễ dàng, nhất là khu vực bất động sản. Và dù Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng nhưng mức tăng trưởng tín dụng thực tế không đạt ngưỡng mong muốn; việc hấp thụ hết dòng vốn vay 240 ngàn tỷ đồng từ việc nới "room" tín dụng của các doanh nghiệp trong thời gian chỉ 3 tuần là bất khả thi.

Hầu như suốt cả năm 2022, với chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, bao gồm cả việc chống sự hình thành bong bóng bất động sản đang được thổi căng, đã khiến thanh khoản các ngân hàng gặp trục trặc và thị trường bất động sản suy giảm. 

Sau nữa, chính sách thắt chặt tiền tệ để bảo vệ tỷ giá khi đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh làm cho Ngân hàng Nhà nước không thể duy trì kìm giữ tỷ giá và trong một thời gian ngắn đồng tiền Việt Nam đã mất giá tới 9% so với đô la Mỹ. Sự mất giá này tác động nặng nề lên thị trường tài chính và buộc Ngân hàng Nhà nước phải mạnh tay hơn trong việc thắt chặt tiền tệ. 

Trước các vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…, Chính phủ phải cương quyết xử lý các sai phạm nên không tránh khỏi tác động tới tâm lý trên các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, hoạt động của các ngân hàng… Tâm lý đó làm cho thanh khoản các ngân hàng sụt giảm mạnh, còn mặt bằng lãi suất lại bị đây lên cao.

Lãi suất tăng là tổng hòa của rất nhiều yếu tố mà cốt lõi nằm ở chính sách thắt chặt về tiền tệ, tỷ giá và trái phiếu doanh nghiệp. Việc thực hiện đồng thời các chính sách này đã làm cho thị trường tiền tệ "nóng" quá mức, đẩy các ngân hàng vào "cuộc đua lãi suất" mà kết cục là lãi suất huy động tăng cao, trong khi lạm phát được Chính phủ kiểm soát tốt, làm cho lãi suất thực bị đẩy lên rất cao.

Lãi suất huy động 12 tháng bình quân toàn hệ thống ngân hàng ở mức trên 10%/năm (nhiều ngân hàng thương mại cổ phần lên đến 11%/năm). Nếu so với mức lạm phát trung bình chưa đến 4% trong năm 2022 và sẽ tiếp tục duy trì ở mức 4,5% trong năm 2023, thì lãi suất thực đã quanh mốc 6%/năm. Đây là mức lãi suất thực quá cao, khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó hấp thụ vốn vay.

Ngân hàng Nhà nước từng phải chịu áp lực rất lớn về kìm giữ "room" tín dụng khi đồng thời vừa phải ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hầu như suốt cả năm 2022. Áp lực này sẽ tiếp tục trong năm 2023, dù mức độ có giảm đi chút ít. 

Hiện các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm mức lãi suất huy động tiền gửi tối đa không quá 9,5%/năm, cũng như giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. "Phanh" được lãi suất sẽ tác động tích cực đến sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Và dư địa tín dụng do nới "room" vừa qua của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện tốt cho việc vay của doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch trong hai tháng đầu tiên của năm 2023.

Để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 16/2022 (có hiệu lực từ ngày 17/1/2023), trong đó bổ sung thêm các loại giấy tờ có giá, gồm: trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc); trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng (trừ các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác. 

Như vậy, từ năm 2023 Ngân hàng Nhà nước có thể chủ động hơn trong can thiệp thanh khoản thông qua một số công cụ mới bổ sung; còn các tổ chức tín dụng có thêm nguồn bảo đảm chủ động cho hoạt động vay trên thị trường mở, tái cấp vốn, cầm cố…trong các tình huống cần thiết.

Năm 2023, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, và kinh tế trong nước đối mặt với thuận lợi đan xen thách thức. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước buộc phải thực hiện nhiều biện pháp phù hợp. Trong đó, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro. 

Đồng thời, điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi tăng trưởng…