Tổng Giám đốc WTO ấn tượng với sự phát triển kinh tế thương mại Việt Nam

06:15 - 19/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong các ngày 17-19/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tiến sỹ Ngozi Okonjo-Iweala đã có chuyến thăm chính thức tại Hà Nội, Việt Nam theo lời mời của Chính phủ. Tổng giám đốc WTO đánh giá cao sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tiến sỹ Ngozi Okonjo-Iweala. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tiến sỹ Ngozi Okonjo-Iweala. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ngày 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tiến sỹ Ngozi Okonjo-Iweala

Thủ tướng đánh giá cao vai trò và nỗ lực của bà Tổng Giám đốc trong việc điều hành và thúc đẩy kinh tế, các hoạt động của WTO; chúc mừng bà Tổng Giám đốc vì những kết quả rất đáng ghi nhận đã đạt được từ khi nhậm chức Tổng Giám đốc WTO từ tháng 3/2021.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, Việt Nam luôn đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của WTO. Việc trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào năm 2007 là một dấu mốc quan trọng trên tiến trình hội nhập của Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP, trở thành 1 trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế, cải thiện cán cân thương mại hàng hóa, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục kể từ 2016 đến nay. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gần 8 lần so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007 (từ 48 tỷ USD lên 371 tỷ USD năm 2022); vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD.

Sau hơn 35 năm đổi mới, năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên 4.100 USD; tăng trưởng GDP đạt trên 8%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; ổn định chính trị-xã hội, quốc phòng an ninh được tăng cường; độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2020-2022, hiện đạt 431 tỷ USD.

Thủ tướng khẳng định, là một thành viên có trách nhiệm của WTO, Việt Nam chủ trương phát huy vai trò chủ động, tích cực tại các khuôn khổ hợp tác của WTO, nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết và đóng góp tích cực trên tinh thần xây dựng đối với các vấn đề quan tâm chung tại WTO; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Trên cơ sở nền tảng các quy tắc của WTO, Việt Nam đã ký kết và đang thực thi 15 FTA, trong đó có 3 FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA). Việt Nam vừa kết thúc đàm phán FTA với Isarel và tiến tới ký kết chính thức trong năm 2023; đồng thời thúc đẩy khả năng đàm phán FTA với một số đối tác tiềm năng khác…

Thủ tướng mong cá nhân bà Tổng Giám đốc và WTO tiếp tục ủng hộ thúc đẩy các chương trình hợp tác, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của WTO nhằm giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục đóng góp thiết thực vào các hoạt động của WTO.

Tổng Giám đốc WTO ấn tượng với sự phát triển kinh tế thương mại Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá Việt Nam là một câu chuyện thành công về vươn lên phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tổng Giám đốc WTO đánh giá cao câu chuyện thành công của Việt Nam

Đáp lời Thủ tướng, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá Việt Nam là một câu chuyện thành công về vươn lên phát triển kinh tế-xã hội, như những số liệu mà Thủ tướng chia sẻ, nhất là những thành tựu lớn về nâng cao thu nhập bình quân đầu người, xuất nhập khẩu. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt so với kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhanh, lạm phát giảm, chính sách tài chính tích cực, chênh lệch giàu nghèo thấp.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WTO cho rằng, thành công của Việt Nam chưa được biết đến nhiều trên thế giới; bà mong muốn được Thủ tướng chia sẻ về những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam để giới thiệu rộng rãi hơn với thế giới, truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cũng đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam tại WTO, trong đó, có việc tham gia các vòng đàm phán quan trọng và đóng góp vào việc cải tổ nâng cao hiệu quả hoạt động của WTO.

Bày tỏ ấn tượng trước các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng, Việt Nam là một hình mẫu tốt và mong muốn Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm với các nước đang phát triển về hội nhập và phát triển kinh tế.

Bà Okonjo-Iweala chia sẻ một số ưu tiên hợp tác của WTO trong thời gian tới, bao gồm thúc đẩy cải cách WTO, sớm khôi phục sự vận hành đầy đủ của cơ chế giải quyết tranh chấp, mở rộng chương trình nghị sự ngoài những vấn đề kinh tế-thương mại truyền thống, nhất là thương mại điện tử và thuận lợi hóa đầu tư, đẩy mạnh sự phối hợp giữa WTO với các tổ chức quốc tế khác để chung tay ứng phó các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực...

Tổng Giám đốc WTO đồng thời bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào các tiến trình phát triển của WTO, sớm phê chuẩn Hiệp định trợ cấp nghề cá, hướng tới thành công của của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13.

Tổng Giám đốc WTO nhất trí cao với những ý kiến của Thủ tướng, đặc biệt bày tỏ sự ủng hộ của WTO đối với Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vai trò của thương mại số và bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế số tại Việt Nam. 

Tổng Giám đốc WTO cũng chia sẻ một số vấn đề về sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng sắp tới; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thương mại xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, đàm phán Hiệp định Trợ cấp thuỷ sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), phát triển bao trùm, trao quyền cho phụ nữ…

WTO mong muốn tăng cường sự ủng hộ đối với các quốc gia thành viên

Được biết, trong thời gian thăm Việt Nam, từ 17-19/5, Tổng Giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala có lịch hoạt động dày đặc gồm: hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, làm việc với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng, gặp gỡ và đối thoại với các nữ doanh nhân Việt Nam trong Mạng lưới Nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead) và SheTrades Hub, gặp gỡ và đối thoại với sinh viên và giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, gặp làm việc với một số nữ lãnh đạo doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE).

Trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, các nước đang đứng trước nhiều thách thức lớn cấp bách toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện sự năng động và chuyển biến tích cực cùng với sự triển khai quyết liệt chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội.

Với chuyến thăm lần này, thông qua các các cuộc gặp, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp và học giả, Tổng Giám đốc WTO mong muốn nâng cao hiểu biết và tăng cường sự ủng hộ đối với WTO, trung tâm của hệ thống thương mại đa phương.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala quan tâm đến sự định hình lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực trên mắt xích quan trọng là Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế-thương mại theo hướng bền vững và đóng góp cho thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong thương mại quốc tế.

Chuyến thăm của Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala cũng là nỗ lực tiếp xúc trực tiếp với nước thành viên WTO, tìm hiểu tình hình thực tế ở cấp độ quốc gia, khu vực liên quan đến các vấn đề WTO đang xúc tiến để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13), dự kiến diễn ra vào tháng 2/2024 tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong đó có các vấn đề thuộc quan tâm cao của các nước như đàm phán trợ cấp thủy sản, thương mại nông sản, an ninh lương thực, thương mại điện tử và kinh tế số, sự đóng góp của thương mại cho phát triển bền vững, các khía cạnh thực tiễn WTO có thể cải cách để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thành viên đang phát triển, thành viên kém phát triển…

Đây cũng là dịp để lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp và học giả Việt Nam trực tiếp nghe ý kiến của Tổng Giám đốc WTO về vai trò, công tác của WTO thời gian tới; đồng thời chia sẻ với Tổng Giám đốc WTO về chủ trương của Việt Nam đề cao hệ thống thương mại đa phương; tầm nhìn, chiến lược, biện pháp cụ thể và nỗ lực triển khai của phía Việt Nam thúc đẩy thương mại, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Nguồn: VGP, TTXVN, Nhân Dân