Công dân khuyến học

Tổng Bí thư Tô Lâm: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc"

Tổng Bí thư Tô Lâm: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc"

PV

PV

14:13 - 24/07/2025
Công dân & Khuyến học trên

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc". Công tác "Đền ơn đáp nghĩa," "Uống nước nhớ nguồn" không chỉ là một chính sách lớn, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), sáng 24/7, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại buổi gặp mặt.

Dự buổi gặp mặt có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc" - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi các đại biểu người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nhân Dân.

Dự buổi gặp mặt có 250 đại biểu tiêu biểu là các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, nhân chứng lịch sử đại diện cho các thế hệ người có công với cách mạng qua các thời kỳ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số các đại biểu tham dự buổi gặp mặt có cán bộ lão thành cách mạng cao tuổi nhất là 101 tuổi, thương binh trẻ tuổi nhất là 32 tuổi.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây"

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm xúc động bày tỏ, lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca bất diệt về ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần yêu nước nồng nàn và sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ. 

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay là kết quả của quá trình kết tinh ngàn năm văn hiến của dân tộc, đặc biệt là thành quả to lớn sau 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm xây dựng và phát triển Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm kiên định con đường đổi mới toàn diện. Đó cũng là thành quả của sự cống hiến không ngừng nghỉ và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên và lớp lớp quần chúng nhân dân qua các thời kỳ cách mạng.

"Với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc cách mạng tiền bối và hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Chúng ta tri ân biết bao người đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ ở khắp các chiến trường ác liệt, từ bắc vào nam. Có người được may mắn trở về nhà nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Chúng ta đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ sâu sắc với biết bao nỗi đau, vết thương vẫn ngày đêm đau nhức, sự khắc khoải đợi chờ của những người thân chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình" - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc" - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ảnh: VGP

Theo Tổng Bí thư, tổ chức gặp mặt các đại biểu tiêu biểu là những người có công với cách mạng và nhân chứng lịch sử là hoạt động chính trị quan trọng, biểu hiện sâu sắc của truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" đã được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Sự hiện diện của các đại biểu là người có công và nhân chứng lịch sử tại hội nghị, đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng và thân nhân người có công trên toàn quốc là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, đức hy sinh và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc". "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Công tác "Đền ơn đáp nghĩa," "Uống nước nhớ nguồn" không chỉ là một chính sách lớn, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

78 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện.

Đến nay, có hơn 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được đẩy mạnh với quyết tâm cao. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" được phát triển sâu rộng trong cộng đồng, từ Trung ương đến địa phương, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc". Công tác "Đền ơn đáp nghĩa," "Uống nước nhớ nguồn" không chỉ là một chính sách lớn, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm

Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14/CT-TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn.

Cùng với đó, chủ động nắm tình hình, giải quyết "thấu tình đạt lý" những đề xuất, tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người có công với cách mạng và thân nhân. Thực hiện kịp thời các thủ tục hành chính trong việc xem xét công nhận người có công và chi trả trợ cấp ưu đãi bảo đảm thông suốt, hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với việc đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng. Chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Nâng cao chất lượng các phong trào, chính sách, các chương trình tình nghĩa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội.

Tổng Bí thư yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và nhân dân thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách người có công với cách mạng; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công với cách mạng, kiến nghị với cấp ủy và cơ quan nhà nước các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi người có công với cách mạng, chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, làm vơi đi nỗi nhớ, để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm: Sự phát triển hùng cường của đất nước chính là lời tri ân thiết thực và ý nghĩa nhất, bởi những người đã ngã xuống và bao thế hệ người có công với cách mạng luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc" - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Ảnh: VGP

Tổng Bí thư Tô Lâm: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc" - Ảnh 4.

Chủ tịch nước Lương Cường, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tặng quà người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Ảnh: VGP

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao quà và biểu trưng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng 50 đại biểu đại diện cho các đại biểu dự hội nghị.

Trước đó, Báo cáo về công tác chăm lo người có công với cách mạng toàn quốc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca bất diệt về ý chí kiên cường, bất khuất, về tinh thần yêu nước nồng nàn và sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ. Để đất nước có được hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc như ngày nay có sự đóng góp to lớn của trên 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600 nghìn thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học... Họ là những người có công với cách mạng, nhân chứng tiêu biểu, những biểu tượng sống của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng yêu nước và đức hy sinh cao cả cho nền Độc lập, Tự do của Dân tộc, cho cuộc sống, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 78 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và nhân thân. Chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết cơ bản, trong đó có hơn 2.400 liệt sĩ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2025 tăng hơn 70% so với năm 2021 góp phần cải thiện đáng kể đời sống người có công. Trong gần 2 năm qua, cả nước đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công, kết quả cơ bản hoàn thành trên 41.800 căn nhà, từ ngân sách nhà nước là 1.970 tỷ đồng và các nguồn vận động, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đóng góp.

Từ đầu năm 2025, trong những dịp Tết và các ngày Lễ lớn của dân tộc, chăm lo cho người có công với cách mạng là một nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, trân trọng, mang đến những tình cảm ấm áp đối với người có công với cách mạng và thân nhân với số tiền hỗ trợ cho người có công trên 1.400 tỷ đồng cho 3,26 triệu người; đã hỗ trợ Sổ tiết kiệm cho người có công từ năm 2019 đến nay là: 57.037 sổ với tổng số tiền tiết kiệm là 124.079 triệu đồng.

Đáp lại nỗi mong chờ của các gia đình có công với cách mạng, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện với quyết tâm cao nhất. Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện với ý nghĩa là một trách nhiệm, bổn phận đạo lý thiêng liêng. Có 3.000 nghĩa trang và 4.000 công trình ghi công liệt sĩ trên cả nước được đầu tư xây dựng, tu bổ trở thành những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác điều dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh và người có công được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu cả về điều kiện vật chất và tinh thần cho đối tượng chính sách. Đến nay có trên 98,6% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư nơi cư trú...

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon