Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tham nhũng rồi bỏ trốn – "có mà chạy đàng trời"
Trao đổi với cử tri về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chống cho được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - đây là cái gốc của vấn đề.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (sáng 13/5), trước khi bắt đầu kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri đã phát biểu bày tỏ ủng hộ tuyệt đối và ngày càng tin tưởng sâu sắc vào đường lối, quyết sách hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như các quyết định hết sức đúng đắn, phù hợp, sáng tạo, sát với tình hình thực tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế và đối ngoại.
Cử tri dành nhiều quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong số các vấn đề được cử tri đề cập (như: sửa đổi Luật Đất đai; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn…) thì vấn đề về công tác phòng, chống tham nhũng được đông đảo cử tri quan tâm cho ý kiến.
Theo đó, cử tri ghi nhận quyết tâm mạnh mẽ, "không ngừng", "không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, một số vụ tham nhũng lớn vừa qua ở nhiều bộ, ngành, địa phương có tính hệ thống, liên kết, bắt tay nhau để cùng thực hiện hành vi tham nhũng trên phạm vi rất rộng. Cử tri dẫn chứng vụ truyền thông đưa tin về sai phạm ở các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, hàng trăm người của nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã bị khởi tố, cách thức nhận hối lộ đều giống nhau, có cả Giám đốc trung tâm đăng kiểm còn không biết chữ. Theo đó, dư luận nhân dân rất bức xúc vì hành vi sai phạm này đã diễn ra nhiều năm, mang tính tổ chức nhiều cấp, đề nghị cần xử lý thật nghiêm.
Cử tri mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, hoàn thiện hệ thống quy định, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng nặng các chế tài xử lý bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe; xây dựng và thực thi các cơ chế về kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị quan tâm cải cách tiền lương để cán bộ không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần và không muốn tham nhũng.
Tổng Bí thư: Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, về cơ bản, những vụ cũ tồn tại mà được dư luận quan tâm đã xử xong. Đối với một vài cá nhân trốn đi nước ngoài, Tổng Bí thư nêu rõ, trốn cũng không được vì nếu chưa bắt giữ được thì sẽ xử lý vắng mặt. Tổng Bí thư phân tích, đối tượng đó đã không còn là công dân Việt Nam nữa, theo Luật pháp quốc tế, chúng ta sẽ phối hợp với lực lượng chức năng của các nước bắt đối tượng phạm tội. Do đó, những người bỏ trốn sẽ mất quyền công dân, "không có quyền công dân thì không nước nào chứa chấp, nói nôm na là… có mà chạy đằng trời".
Cũng theo Tổng Bí thư, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chống cho được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - đây là cái gốc của vấn đề.
Đưa dẫn chứng về thời gian vừa qua, ngoài việc truy tố, xét xử, đối với một số trường hợp nhận thức ra cái sai, Đảng, Nhà nước đã khoan hồng cho những cá nhân này thôi chức, từ chức, rút lui trong danh dự - theo Tổng Bí thư, đây là cách làm mang tính nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình đối với những cán bộ "tay đã nhúng chàm". Đây cũng là cách làm mở đường tiến bộ và kết quả có sức răn đe rất lớn, tới đây, một số trường hợp khác sẽ tiếp tục được thực hiện theo cách như vậy.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần phải kiên trì, quyết tâm hơn nữa bởi đấu tranh phòng, chống tham nhũng liên quan lợi ích của Nhân dân. Đồng thời, đề nghị, cử tri và Nhân dân đã ủng hộ quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, trong thời gian tới tiếp tục quan tâm ủng hộ hơn nữa, tạo thành sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân trong chống công cuộc giặc nội xâm.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến ngắn gọn, tập trung, sâu sắc, tâm huyết và có trách nhiệm của cử tri, nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường nhưng đất nước vẫn đạt được những thành quả hết sức quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, chúng ta cũng không được chủ quan, tự mãn về những kết quả đạt được.
Trao đổi với đông đảo cử tri 3 quận của Hà Nội, Tổng Bí thư cho biết, Quốc hội thực hiện các chức năng, xây dựng luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Đại biểu Quốc hội là do dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước hoạt động theo pháp luật nhưng mà phải có sự lãnh đạo của Đảng, nhưng dân mới là quyết định. Dân bầu các đại biểu Quốc hội, giám sát và các đại biểu Quốc hội phải tiếp thu, phản ánh cho được tâm tư nguyện vọng ý chí, quyết tâm của người dân, phải dựa vào dân; tất cả vì dân.
"Tôi xin nhấn mạnh lại Đảng, lãnh đạo về đường lối, chủ trương về bố trí cán bộ chứ đảng không làm thay chính quyền được. Vai trò của Quốc hội phải giám sát tối cao trên cơ sở lắng nghe ý kiến của dân" – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google