Tôn vinh vai trò của phụ nữ trong sở hữu trí tuệ
Với chủ đề "Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - thúc đẩy đổi mới và sáng tạo", Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay (26/4/2023) là dịp để tôn vinh tất cả những người phụ nữ tài năng trên toàn thế giới, hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ.
Hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ trong đời sống kinh tế-xã hội, từ năm 2000, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26 tháng 4 hàng năm là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day).
Trong thông điệp chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ năm 2023, WIPO khẳng định, trải qua nhiều thế hệ, phụ nữ đã định hình thế giới bằng sự khéo léo và sáng tạo của mình. Phụ nữ trên khắp thế giới đang thúc đẩy các đột phá khoa học, thiết lập xu hướng sáng tạo mới, tạo dựng doanh nghiệp và thay đổi thế giới của chúng ta.
Nhưng vấn đề đặt ra là có quá ít phụ nữ tham gia vào hệ thống sở hữu trí tuệ. Đồng nghĩa với việc có quá ít phụ nữ được hưởng lợi từ sở hữu trí tuệ. Và theo WIPO, khi phụ nữ bị thua thiệt, tất cả chúng ta cũng sẽ thua thiệt.
Vì vậy, WIPO nhấn mạnh, cần khuyến khích hơn nữa phụ nữ sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ và gia tăng giá trị cho công việc của họ. Bằng cách đó, chúng ta có thể phát triển các công nghệ nhiều hơn và tốt hơn phục vụ con người, tạo ra những doanh nghiệp thành đạt do phụ nữ lãnh đạo, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.
Với chủ đề "Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - thúc đẩy đổi mới và sáng tạo", IP Day 2023 là dịp để tôn vinh tất cả những người phụ nữ tài năng trên toàn thế giới, hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ, giải phóng sự khéo léo và sáng tạo của phụ nữ và trẻ em gái.
Sáng tạo của phụ nữ góp phần cải biến thế giới
Ngày 25/4/2023, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức sự kiện cộng đồng chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2023.
Phát biểu tại sự kiện, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí khẳng định, chính những nỗ lực của phụ nữ trong hoạt động đổi mới sáng tạo thời gian qua đã làm thay đổi căn bản định kiến về vấn đề "giới", phủ nhận quan điểm lỗi thời cho rằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không phải là địa hạt dành cho phụ nữ.
Theo điều tra kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam, số lượng cán bộ nghiên cứu nữ trong các tổ chức nghiên cứu của cả nước ngày càng tăng và đã đạt khoảng 44,8% vào năm 2016. Số lượng phụ nữ được phong học hàm Giáo sư trong 20 năm (từ năm 2000 đến năm 2020) đã tăng từ 4,3% lên 15,3%. Những con số này phần nào cho thấy sự tham gia phụ nữ trong hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã, đang được quan tâm tích cực.
Ông Đinh Hữu Phí khẳng định: "Với những hành động thiết thực cùng thông điệp của IP Day 2023, chúng ta hy vọng khoảng cách về giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ dần được thu hẹp."
Theo Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương của WIPO Andrew Ong, lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã thay đổi và phát triển một cách rất ấn tượng.
Việt Nam đã có khung pháp lý về sở hữu trí tuệ phù hợp với các chuẩn mực và phát triển quốc tế; là thành viên của 12 Điều ước quốc tế về ở hữu trí tuệ do WIPO quản lý. Việt Nam hiện xếp thứ 48 trong số 132 nền kinh tế được xếp hạng trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Cùng với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, WIPO mong muốn thiết lập một cơ chế hợp tác trong sử dụng quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống sở hữu trí tuệ như một chất xúc tác mạnh mẽ nhằm tạo việc làm, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh doanh và cuối cùng là phát triển kinh tế-xã hội.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google