Tội phạm nước ngoài xâm nhập hệ thống máy chủ của một số ngân hàng lớn của Việt Nam
Thời gian qua, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, đã phát hiện một số nhóm tội phạm người nước ngoài tấn công, xâm nhập vào hệ thống ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam để đánh cắp, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Tội phạm tấn công, xâm nhập vào hệ thống ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam
Ngày 4/6, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết tin tặc chủ yếu là người Đài Loan (Trung Quốc). Thủ đoạn của chúng là rà soát lỗ hổng bảo mật, tấn công "leo thang đặc quyền", truy cập trái phép vào hệ thống của máy chủ tại các ngân hàng để rút tiền trong tài khoản của khách hàng. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã đề nghị các ngân hàng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để khắc phục lỗ hổng bảo mật hệ thống quản trị máy chủ tại các ngân hàng.
Hiện, Cơ quan điều tra đã khởi tố một nghi phạm người Đài Loan (Trung Quốc) và đang mở rộng xử lý.
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có xu hướng gia tăng
Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có xu hướng gia tăng, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 840 chuyên án, vụ việc liên quan tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng (tăng 42% so với 6 tháng cuối năm 2021); khởi tố 255 vụ án, với 185 bị can.
Một số phương thức, thủ đoạn phổ biến được những kẻ lừa đảo sử dụng là lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm tăng cao sau dịch COVID-19 để quảng cáo, giới thiệu việc làm tại nhà, không mất công di chuyển nhưng phải bỏ tiền tạm ứng vài trăm nghìn để nhận nguyên liệu; tuyển giúp việc theo giờ, cam kết mức tiền 50.000 đồng một giờ với yêu cầu chuyển khoản phí môi giới trước... Sau đó chúng sẽ chiếm đoạt số tiền đặt cọc.
Những kẻ lừa đảo cũng dùng dịch vụ VoIP mạo danh cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án...) để gọi điện cho người dân với nội dung bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu người người dân chuyển một số tiền lớn vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra. Thiếu cảnh giác cùng với tâm lý lo sợ liên quan cơ quan thực thi pháp luật nên đã có nhiều trường hợp chuyển tiền và bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt...
5 thủ đoạn lửa đảo qua mạng phổ biến
Công an Hà Nội cảnh báo 5 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, mạng internet, để người dân phòng ngừa, cảnh giác, tránh "sập bẫy" các đối tượng.
1. Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, khi người dân đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó.
Đối tượng giả danh là cán bộ Ngân hàng, gọi điện cho bị hại thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi... nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại.
2. Giả danh Công an, Tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Đã xảy ra nhiều vụ với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
3. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, Shopee... và chạy quảng cáo, khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi các thông tin về công ty, nhân viên chăm sóc khách hàng... và yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để tư vấn.
Ban đầu đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ khoảng vài trăm nghìn đồng để bị hại chọn và xác thực đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, Facebook chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp và được đối tượng chuyển lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3-20%.
Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách trả gốc và hoa hồng như cam kết ban đầu, tiếp theo đối tượng viện lý do là bạn đã được công ty "nâng hạng" và gửi các đường dẫn sản phẩm trên sàn Lazada, Shopee... có giá trị lớn hơn và tiếp tục yêu cầu bị hại chụp lại hình ảnh sản phẩm đồng thời chuyển tiền.
Khi đã nhận được, đối tượng không chuyển tiền mà tiếp tục thông báo cho cộng tác viên phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khác thì mới được chuyển lại tiền và hoa hồng (thực chất là tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản đối tượng). Sau đó các đối tượng chiếm đoạt tiền của bị hại.
4. Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng tạo các tài khoản mạng xã hội để đăng bán các dụng cụ, thiết bị y tế chống dịch... Khi bị hại kết nối và đặt cọc hoặc thanh toán số tiền theo thỏa thuận, các đối tượng chặn liên hệ, đổi số điện thoại... và chiếm đoạt số tiền đã nhận được.
5. Lợi dụng nhu cầu người dân từ nước ngoài về nước gia tăng, các đối tượng tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả để đăng tin trên các trang, hội nhóm... để đăng bán vé máy bay cho người dân có nhu cầu từ nước ngoài về nước.
Khi bị hại hỏi mua, thỏa thuận xong giá cả thì các đối tượng yêu cầu thanh toán và đồng thời gửi cho khách hàng các hình ảnh giả về vé máy bay do các đối tượng tự tạo ra, sau đó chiếm đoạt số tiền bị hại thanh toán.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google