Toàn cảnh Đặc khu Vân Đồn
Với những tiềm năng vượt trội, Vân Đồn (Quảng Ninh) đã trở thành một trong 13 đặc khu của cả nước vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Vân Đồn (Quảng Ninh) đã trở thành một trong 13 đặc khu của cả nước vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Ảnh: Tuệ Nhi
Nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế sôi động của khu vực, nằm ở điểm giữa của tuyến đường biển Hạ Long - Móng Cái thông thương với các địa phương trong nước qua Quốc lộ 18A, 4B và thông qua đường biển đến với thế giới Vân Đồn là quần đảo lớn nhất khu vực miền Bắc, diện tích 2.171,33 km2 (đất liền 581,83 km2) và mặt biển 1.589,5 km2, tập hợp hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ.

Vân Đồn thu hút hơn 60 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, tổng vốn đăng ký ước tính đạt 63.000 tỷ đồng. Ảnh: Tuệ Nhi
Theo lịch sử, ở các triều đại Lý, Trần, Lê, Vân Đồn được xác định là thương cảng đầu tiên của Việt Nam, mở ra thời kỳ giao thương bằng đường biển cực kỳ thịnh vượng, kết nối với nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia...

Bến cảng Ao Tiên, một công trình điểm nhấn của Vân Đồn. Ảnh: Tuệ Nhi
Ngày nay với việc được đặt trong quy hoạch phát triển liên hoàn quốc gia và kết nối với quốc tế Vân Đồn là Khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác "Hai hành lang- một vành đai" kinh tế Việt- Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trục đường chính của Đặc khu. Ảnh: Tuệ Nhi
Còn trong bức tranh tăng trưởng kinh tế ở Quảng Ninh, Vân Đồn đang nổi lên như một "mảnh ghép" kinh tế nổi bật với định hướng trở thành Đặc khu kinh tế tầm cỡ, tầm khu vực và quốc tế. Việc thúc đẩy đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và chuẩn bị triển khai các siêu dự án đang tạo đà bứt phá đồng bộ về hành chính, kinh tế và xã hội cho khu vực chiến lược này.

Một góc đô thị Phương Đông nằm sát biển. Ảnh: Tuệ Nhi
Theo tỉnh Quảng Ninh, tính đến nay, địa bàn Vân Đồn thu hút hơn 60 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, tổng vốn đăng ký ước tính đạt 63.000 tỷ đồng. Trong số này, nhiều dự án đã hoàn thành và bước đầu phát huy hiệu quả lớn, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nâng tầm hình ảnh Vân Đồn trong khu vực và quốc tế.

Tổ hợp căn hộ nghỉ dưỡng đang được xây dựng. Ảnh: Tuệ Nhi
Nổi bật là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Sân bay quốc tế đầu tiên do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư theo hình thức BOT. Từ khi đi vào hoạt động, Cảng hàng không có vai trò là đầu mối giao thông huyết mạch, kết nối Vân Đồn với các tỉnh, thành phố phát triển trong cả nước, nhất là trong hoạt động du lịch, dịch vụ và một số nước trên thế giới. Tiếp đó là tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái khánh thành năm 2022, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Vân Đồn chỉ còn 2,5 đến 3 giờ.

Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Sungorup cung cấp
Ngoài ra, hàng loạt dự án như: Bến cảng quốc tế Ao Tiên, Khách sạn Wyndham Garden Sonasea, Angsana Quan Lan Hạ Long Bay Resort... đang trở thành những điểm nhấn dịch vụ, du lịch cao cấp, thu hút du khách có thu nhập cao và đã khai thác hiệu quả.

Tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn. Ảnh: Tuệ Nhi
Đặc biệt mới đây, ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1395/QĐ-TTg quyết định chủ trương đầu tư Khu du lịch dịch vụ phức hợp cao cấp tại Khu kinh tế Vân Đồn. Việc triển khai Dự án này được xem là bước đi bổ sung hoàn hảo cho hệ sinh thái kinh tế địa phương này.

Một góc Đặc khu Vân Đồn. Ảnh: Tuệ Nhi
Dự án sẽ được thực hiện tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (ranh giới được xác định theo quy hoạch xây dựng Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại Khu kinh tế Vân Đồn được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng). Dự án có vốn đầu tư tối thiểu 2 tỷ USD. Thời hạn hoạt động của dự án không quá 70 năm kể từ ngày nhà đầu tư được cấp Quyết định chấp thuận nhà đầu tư.

Phối cảnh dự án Khu du lịch dịch vụ phức hợp cao cấp. Ảnh nguồn: Báo Quảng Ninh
Mục tiêu dự án là xây dựng tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, giải trí có thưởng, tổ chức sự kiện quốc tế và trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á.
Có thể nói, với việc được công nhận là đặc khu trực thuộc cấp tỉnh, Vân Đồn đang trở thành đầu tàu của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mà Quảng Ninh triển khai thực hiện từ 1/7/2025.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND Đặc khu Cao Tường Huy phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Ngày 5/7, Đảng bộ Ủy ban nhân dân Đặc khu Vân Đồn đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Đảng trong cơ quan hành chính đặc khu.
Phát biểu tại đại hội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Đặc khu Cao Tường Huy thời nhấn mạnh, Đại hội lần thứ I có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là đại hội đầu tiên của Đảng bộ Ủy ban nhân dân Đặc khu kể từ khi được thành lập theo Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ Đặc khu và được tổ chức ngay sau khi chính quyền Đặc khu Vân Đồn chính thức vận hành.
Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Đảng bộ Ủy ban nhân dân Đặc khu trong việc kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định phương hướng, mục tiêu và giải pháp cho nhiệm kỳ mới - nhiệm kỳ đầu tiên trong bối cảnh Đặc khu Vân Đồn chính thức được thành lập và vận hành theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, yêu cầu cao về năng lực lãnh đạo, quản trị và tổ chức thực hiện.
Đại hội cũng đã công bố Quyết định của Đảng ủy Đặc khu Vân Đồn về việc chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy UBND Đặc khu và Quyết định chỉ định đại biểu của Đảng bộ Cơ quan Đảng dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Đặc khu Vân Đồn lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có 45 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google