Toạ đàm "Một số giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó học giỏi"
Ngày 15/10, Hội Khuyến học Hà Nội kết hợp cùng Hội nữ trí thức Hà Nội tổ chức Toạ đàm "Một số giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó học giỏi".
Tham dự toạ đàm có Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An cùng nhiều đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Toạ đàm "Một số giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó học giỏi" được tổ chức nhằm hưởng ứng "Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10", "70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô".
Phát biểu tại toạ đàm, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An cho biết: "Sinh thời Bác Hồ luôn coi trọng giáo dục, ưu tiên giáo dục, luôn quan tâm đến sự nghiệp "trồng người"; Bác nói: "Không có giáo dục, không có cán bộ, thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa". Việc đào tạo thế hệ trẻ luôn nhận được sự quan tâm của cả xã hội, cả những khi đất nước còn nhiều khó khăn.
Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, dành nhiều sự ưu tiên cho giáo dục và tạo mọi điều kiện để học sinh được đến trường. Điều này đã được hiến định trong nhiều chính sách. Khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo đã được nâng lên vị trí mới và tập trung ngân sách để phát triển.
Hà Nội - Thủ đô của cả nước, lãnh đạo thành phố luôn xác định giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước.
Trong suốt 70 năm qua, Hà Nội đã có gần 3.000 trường, hơn 70.000 lớp với gần 140.000 giáo viên và khoảng 2,2 triệu học sinh các cấp.
Những năm gần đây việc đầu tư cho giáo dục lại càng được thành phố chú trọng như trong Chương trình 06-Ctr./TƯ ngày 17/3/2021 của Thành ủy, Hà Nội đã dành hơn 2.500 tỉ đồng để xây 5 trường liên cấp diện tích từ 5 ha trở lên, trong đó có nhiều cấp học như tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông với trang thiết bị hiện đại. Điều đó chứng tỏ cả hệ thống chính trị của Hà Nội đã vào cuộc chăm lo cho ngành giáo dục, biến nhận thức thành kết quả cụ thể.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, mặc dù kinh tế Thủ đô luôn tăng trưởng, năm sau tăng hơn năm trước, đời sống người dân đã được nâng lên đáng kể nhưng chưa đồng đều giữa nội và ngoại thành, giữa vùng thành phố và núi cao, giữa vùng công nghiệp phát triển và vùng nông nghiệp đơn thuần.
Trong những năm gần đây, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội liên tiếp ban hành một số nghị quyết mang tính đặc thù liên quan đến giáo dục, có các chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời cho học sinh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng nhận định, Hội Khuyến học Hà Nội, trong những năm qua bằng các hoạt động đa dạng nhưng hiệu quả đã hỗ trợ được nhiều học sinh khó khăn vươn lên học giỏi, duy trì được phong trào học tập trong cộng đồng người dân Thủ đô.
Khuyến khích học sinh vượt khó học giỏi là trách nhiệm của toàn xã hội
Phát biểu tại toạ đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc khuyến học - khuyến tài, khuyến khích học sinh vượt khó trong học tập.
Đồng thời, ông Lê Mạnh Hùng cũng đánh giá cao vai trò của gia đình và dòng họ trong việc khuyến khích trẻ em, học sinh học tập.
"Một dòng họ có nhiều gia đình, trong đó có gia đình khó khăn nhưng cũng có gia đình ở mức khá. Vì vậy, gia đình không khó khăn cần hỗ trợ những gia đình khó khăn hơn. Từ đó giúp con em trong dòng họ vượt khó, vươn lên trong học tập", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ.
Đánh giá cao vai trò của Hội khuyến học Hà Nội, Hội Nữ trí thức Hà Nội với những hoạt động thiết thực, ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các hội cần tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ chính quyền để những trường hợp này sớm nhận được sự hỗ trợ.
Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, việc khuyến khích và hỗ trợ học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn không phải là nhiệm vụ của một cá nhân, một tổ chức xã hội cụ thể, mà cần sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người, giống như câu nói "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu".
Ông Lê Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí, các kênh truyền thông trong việc tuyên truyền, khuyến khích trẻ em yếu thế, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Đồng thời đề nghị: "Các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan truyền thông tiếp tục dành sự quan tâm, ủng hộ, bằng ngòi bút trách nhiệm và tâm huyết để có những bài viết phản ánh chân thực về những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không ngừng vươn lên, đạt nhiều thành tích cao trong học tập.
Bên cạnh đó, tuyên dương những tấm gương của các nhà hảo tâm luôn sẵn sàng chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng như tôn vinh các doanh nghiệp, các thầy cô giáo hết mình giúp sức, hỗ trợ học sinh khó khăn.
5 giải pháp khuyến khích học sinh vượt khó học giỏi
Phát biểu kết luận tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh nhấn mạnh: Tuy Hà Nội không còn hộ nghèo nhưng tại tất cả các quận, huyện, kể cả các quận phát triển kinh tế, vẫn còn hộ cận nghèo và gia đình khó khăn. Đặc biệt, Hà Nội là một địa phương phát triển dân số cơ học nhanh, trong đó còn nhiều học sinh, sinh viên gặp khó khăn về vật chất hay có những khiếm khuyết về cơ thể.
Do đó, việc khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó học tập là một trong những nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính nhân văn vừa là sự đầu tư cho sự phát triển của tương lai.
Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội cho biết, tọa đàm "Một số giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó học giỏi" đã nhận được nhiều giải pháp, từ vĩ mô có tính chất chủ trương, đường lối đến một số giải pháp cụ thể.
Giải pháp thứ nhất là phát huy nội lực của học sinh, sinh viên, bằng việc chia sẻ, động viên, trao gửi niềm tin, tạo cơ hội, thúc đẩy nghị lực tự vươn lên của mỗi cá nhân trong tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện.
Thứ hai, sự giúp đỡ động viên về mặt vật chất là một trong những giải pháp hết sức quan trọng, trong đó thể hiện ở việc trao thưởng, trao học bổng, miễn giảm học phí nhằm giúp đỡ học sinh, sinh viên về tài chính hoặc cơ sở vật chất như trang thiết bị học tập thông minh, hiện đại.
Thứ ba, cần xác định vai trò của gia đình, của nhà trường, của xã hội, của dòng họ trong việc khuyến khích, động viên học tập để không ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào học tập như Thủ tướng Chính phủ đã phát động, học thường xuyên, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Thứ năm, lan tỏa các tấm gương hiếu học, các nghị lực phấn đấu vươn lên, thực hiện tốt công tác động viên, khen thưởng, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong học tập và rèn luyện.
Thông qua tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, những đóng góp của các nhà khoa học, các nữ trí thức, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến công tác khuyến học. Để từ đó sẽ có nhiều tấm gương học sinh, sinh viên vượt khó học tập hơn nữa cũng như góp phần thúc đẩy công tác khuyến học - khuyến tài đạt những kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google