Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023: Nhiều tín hiệu tích cực
Sản xuất công nghiệp tháng 7 đã khởi sắc hơn, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những tín hiệu tích cực... Đây là những thông tin đáng chú ý trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố sáng ngày 29/7.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023: Cả nước xuất hiện một số điểm sáng đáng ghi nhận
Sản xuất công nghiệp tháng 7 khởi sắc hơn tháng trước, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt hơn 29 tỷ USD. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 194 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022 do xuất khẩu sang một số thị trường chủ yếu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao, suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt hơn 27 tỷ USD. Tính chung 7 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 179 tỷ USD. 7 tháng năm nay, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Ngoài ra, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng bảy đạt khoảng 58.000 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 291.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, tình hình hoạt động doanh nghiệp, trong tháng 7, cả nước có 13.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng, cả nước có gần 132.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 113.000 doanh nghiệp, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình kinh tế - xã hội đứng trước nhiều thách thức trong những tháng cuối năm 2023
Dù đã có những nỗ lực và kết quả khả quan trong 7 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả để vượt qua.
Theo Tiến sĩ Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bên ngoài. Mặt khác, những khó khăn bên ngoài đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong nước. Số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đã tăng rất cao. Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Lê Quốc Phương cho rằng, để khắc phục tình trạng này, cần phải có sự phục hồi của cầu thế giới và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Một trong những điểm sáng của tình hình kinh tế xã hội 7 tháng qua là tiêu dùng trong nước duy trì được tốc độ tăng trưởng. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định rằng, tiêu dùng trong nước là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế và góp phần vào việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID. Ngoài ra, bà Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương luôn luôn quan tâm đến công tác bình ổn thị trường và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, cho rằng, để tăng trưởng kinh tế thì cần phải có ba động lực quan trọng là cầu, đầu tư công và xuất khẩu. Trong đó, cầu có ý nghĩa quan trọng nhất, nên Nhà nước cần tìm mọi biện pháp để phục hồi cầu và kích cầu tăng trưởng. Động lực thứ hai là tăng cường đầu tư công, Chính phủ cần quyết liệt và tập trung toàn bộ sức lực để triển khai các dự án trọng điểm. Động lực thứ ba là xuất khẩu, cần phải khắc phục những thiếu hụt đơn hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Để có giải pháp kịp thời và hiệu quả cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2023, Tổng cục Thống kê đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp như sau: Theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước lớn và là đối tác quan trọng của Việt Nam. Bên cạnh đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách tài khóa và tiền tệ đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành. Tăng cường quản lý thị trường, bình ổn giá cả, ngăn chặn gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác quốc tế.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google