Tìm tư vấn pháp lý vụ Mỹ điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam
Bộ Công Thương sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ gồm: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp về việc lựa chọn đơn vị tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, quyết định việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh.
Việc thực hiện đáp ứng đúng các quy định về biện pháp phòng vệ thương mại của Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đấu thầu năm 2023 và các quy định pháp luật liên quan.
Mục tiêu nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả, đúng quy định, chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định. Trường hợp khó khăn vướng mắc, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định.
Khó khăn lớn nhất trong vụ Mỹ điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam là gì?
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Mỹ khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam từ giữa tháng 11/2023. Theo đó, các bên liên quan sẽ trả lời bản câu hỏi điều tra, sau đó Mỹ sẽ ban hành kết luận sơ bộ, tiến hành thẩm tra tại chỗ với Chính phủ và doanh nghiệp, tổ chức phiên tham vấn công khai trước khi ban hành kết luận cuối cùng (dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024).
Theo Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất là số lượng chương trình trợ cấp bị điều tra trong vụ việc lên tới 40, nhiều nhất trong số các vụ việc điều tra chống trợ cấp của nước ngoài với Việt Nam.
Các chương trình này lại liên quan tới nhiều Bộ, ban, ngành; doanh nghiệp có nhiều cơ sở tại các tỉnh thành khác nhau. Trong khi đó, thời hạn trả lời bản câu hỏi của Mỹ tương đối gấp, nội dung yêu cầu phức tạp, các câu hỏi rất chi tiết, yêu cầu thủ tục hành chính, biểu mẫu phức tạp; các tài liệu đều phải chuyển ngữ sang tiếng Anh.
Theo lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, chi phí theo đuổi vụ kiện không chỉ bao gồm chi phí hữu hình như phí luật sư tư vấn, phí dịch thuật, phí thu thập thông tin, mà còn bao gồm các chi phí vô hình khác như chi phí cơ hội khi phải bố trí nhân lực để thu thập thông tin, trả lời bản câu hỏi, ảnh hưởng xuất khẩu do tác động của vụ việc...
Do đó, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp nên cân nhắc giữa chi phí và lợi ích nhận được khi đầu tư nguồn lực kháng kiện hiệu quả. Trường hợp quyết định tham gia vụ việc thì doanh nghiệp cần phải quyết tâm theo đuổi đến cùng, tránh ảnh hưởng đến kết quả của toàn ngành.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google