Tìm Chủ tịch cho Hà Nội!

Nhà thơ Hải Đường -nguyên UV Bộ Biên tập báo Nhân Dân
09:25 - 25/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hôm 23-6, cử tri Hà Nội kiến nghị với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mong sớm tìm được một vị Chủ tịch có đức, có tài, xứng tầm với thủ đô văn hiến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời mộc mạc: bây giờ vắng ông trưởng thì ông phó tạm quyền thay, sau đó phải chọn người cho đúng, chính xác, chứ không vội vàng.

Lời Tòa soạn CD&KH: Nhà thơ Hải Đường vừa có bài viết "Tìm Chủ tịch cho Hà Nội" đăng trên tạp chí Nhà Đầu tư. Được sự đồng ý của tác giả, Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học trân trọng giới thiệu bải viết này. Đây là trăn trở của những công dân Thủ đô với tình yêu Hà Nội, vì Hà Nội:

Hôm 23-6, cử tri Hà Nội kiến nghị với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mong Trung ương và Thành ủy, chính quyền Hà Nội sớm tìm được một vị Chủ tịch có đức, có tài, xứng tầm với thủ đô văn hiến. Băn khoăn của người Tràng An thanh lịch là có lý do, vì trong vòng bảy năm, hai đời chủ tịch thành phố đầu não này đã liên tục mắc sai lầm, phải vòng lao lý (ông Chu Ngọc Anh mới ngồi ghế chủ tịch được 21 tháng). Khi chuẩn bị quy hoạch, làm các quy trình bổ nhiệm vào chức danh này, đã làm đủ các bước, bỏ phiếu giới thiệu với tỷ lệ gần như tuyệt đối. Vậy mà sao vẫn chọn sai? Có ai phải chịu trách nhiệm không? Vì trong một số quy định của Đảng đã nêu rõ, nếu đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sai thì người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Chia sẻ với sự quan tâm của cử tri về sự ổn định, phát triển của Thủ đô, mong sớm có người đứng đầu bộ máy chính quyền, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trả lời mộc mạc: bây giờ vắng ông trưởng thì ông phó tạm quyền thay, sau đó phải chọn người cho đúng, chính xác, chứ không vội vàng. Có ý kiến băn khoăn “kỷ luật nhiều cán bộ như thế, lấy đâu người làm”, Tổng Bí thư khẳng định, không lo không có cán bộ làm việc, bởi “con chị nó đi, con dì nó lớn”. Việc chọn người thay thế ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cần phải lựa chọn cho đúng, chính xác. Muốn chọn đúng người, điều quan trọng nhất vẫn là công tác cán bộ phải đúng.

Vậy phải tìm thế nào cho đúng?

Nhìn lại lịch sử Hà Nội từ xa xưa, từ thời phong kiến cho tới thời cách mạng thành công, chúng ta thấy rằng, về cơ bản đã tìm đúng, chọn đúng “Đô trưởng”. Theo PGS.TS Trần Xuân Đính, trong gần 900 năm, kể từ khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (1010), đến năm 1888, năm thực dân Pháp thành lập thành phố Hà Nội với hệ thống chính quyền cai trị của họ, theo thống kê chưa đầy đủ có 145 vị đảm nhận cương vị người đứng đầu Thăng Long-Hà Nội. Và trong 145 vị đô trưởng ấy chỉ có bốn vị bị mất chức, trong đó có ba vị thời Lê và một vị thời Nguyễn. Sai lầm của bốn vị này chủ yếu là: không có mưu lược, gian dối, thiếu trách nhiệm với công việc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, 1945, nước nhà giành được độc lập, chính quyền về tay nhân dân, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm Chủ tịch cho Hà Nội. Ngày đó có bác sĩ Trần Duy Hưng đang làm tại một cơ sở chữa bệnh, ông có công cứu giúp và chở che nhiều cán bộ Việt Minh giữa vòng vây bố ráp của kẻ thù. Nghe giới thiệu về vị bác sĩ tài ba, nhân hậu, Bác Hồ đã gặp bác sĩ Trần Duy Hưng (năm đó mới 33 tuổi) với lời đề nghị ông Hưng làm Chủ tịch TP Hà Nội. Bác sĩ Trần Duy Hưng quá bất ngờ, thưa với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thưa Cụ, chức Chủ tịch xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm...”. Bác Hồ mỉm cười thân mật: “Tôi có quen việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cứ làm rồi sẽ quen. Điều quan trọng nhất là mang lại nhiều lợi ích cho người dân”. Nghe lời động viên của Bác, bác sĩ Trần Duy Hưng đã viết đơn đồng ý nhận chức vụ chủ tịch, vì theo ông: “Chủ tịch Hồ Chí Minh thật vĩ đại. Tôi xem Người giống như một tấm gương toàn những cái hay, cái đẹp để tôi học theo”.

Trần Duy Hưng chỉ làm Chủ tịch trong hai năm, sau đó lên Chiến khu Việt Bắc đảm nhiệm các công việc khác. Năm 1954 khi giải phóng Thủ đô, ông tiếp tục được giao trọng trách Chủ tịch thành phố cho tới năm 1977. Hơn 20 năm ấy hình ảnh vị Chủ tịch-bác sĩ Trần Duy Hưng trở nên vô cùng thân thiết, tự hào của người dân Thủ đô ta. Trong những năm 70, Hà Nội từng có nhiều quyết sách táo bạo để giành những thành tựu to lớn, như: năng suất lúa của Hà Nội cao nhất miền Bắc, hoạt động công - thương nghiệp đi đầu cả nước; lá cờ đầu về phong trào năm xung phong và ba sẵn sàng. Hà Nội còn mạnh dạn ban hành những chính sách đặc thù để phát triển vùng rau xanh, vùng thực phẩm, xây dựng các khu nhà ở tập thể cho công nhân, viên chức, v.v.. Gương mẫu về mọi mặt, vị Chủ tịch Hà Nội còn viết thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng đề nghị cho hai người con trai cùng lúc lên đường nhập ngũ. Người con trai cả là Trần Quốc Ân, 26 tuổi, đảng viên, kỹ sư Tổng cục Địa chất; con trai bé là Trần Thắng Lợi mới16 tuổi, đang học lớp 9.

Hôm nay viết những dòng này trong tôi vẫn bồi hồi, xúc động nhớ về vị Chủ tịch đáng kính, đáng yêu ấy. Ông thật sự tài năng, tâm huyết. Ông rất gần gũi Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, thế nhưng khi được gợi ý đảm nhiệm những cương vị công tác cao hơn, ông một mực từ chối. Lại cũng là những lý do cực kỳ đơn giản: cần làm việc lớn, chứ không cần làm quan lớn.

Thời của hôm nay, người như vị bác sĩ- Chủ tịch đáng kính hỏi có những ai?

Đảng và nhân dân phải lo tìm Chủ tịch cho Hà Nội, trước hết là theo gương sáng của các bậc tiền nhân. Đương nhiên, mỗi thời mỗi khác. Nhưng thời nào thì cái đức của người cán bộ vẫn luôn là gốc. Thủ đô văn hiến thì ông Chủ tịch phải là một gương mặt văn hóa. Văn hóa ấy toát ra từ trí tuệ, lời nói, hành động. Văn hóa ấy không chấp nhận những người tham lam vô độ, chạy chức, chạy quyền, nghĩ ngắn, nhìn gần, nói năng lỗ mỗ. Hà Nội mong có vị Chủ tịch mới trong nhiệm kỳ của mình phải ghi được dấu ấn cho sự phát triển hiện đại của thành phố. Cần có dự báo chiến lược, tầm nhìn xa, nhìn sâu vào mỗi lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, xây dựng chính quyền đô thị. Nói đơn giản nhất, Chủ tịch Hà Nội là một công dân thủ đô ưu tú, luôn lấy sự dễ chịu, hài lòng của người dân làm niềm vui của mình. Vì sao mà câu nói “Hà Nội không vội được đâu” sửa mãi vẫn không xong?

“Tìm” Chủ tịch như thế nào? Chúng tôi nghĩ các chủ trương, quy định của Đảng đã nói đầy đủ. Nghị quyết Trương 7 khóa 12 đã nêu rõ tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược. Với chức danh Bộ trưởng và tương đương, quy định nêu rõ tiêu chuẩn: “Có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm; đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng, hoặc phó trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh”.

“Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm”. Văn bản viết rất rõ như thế. Nhưng các “quan tham” đã đi ngược lợi ích của dân, gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước. Điều đáng xấu hổ là sai phạm ấy diễn ra trong lúc toàn dân đang căng mình chống dịch bệnh, mất việc làm, thiếu ăn, tính mạng bị đe doạ.

Lựa chọn Chủ tịch Hà Nội lần này phải cho đúng, cho chính xác.

Mong lại có những vị Chủ tịch của hôm nay được con cháu mai sau đặt tên đường.

Người dân Thủ đô rất mong muốn như thế. Và cũng mong những ai đó tài hèn đức mọn thì chớ nên ngấp nghé cái ghế này! Nhớ lời bác sĩ Trần Duy Hưng: Cần ráng sức mà làm việc lớn!

Nguồn: Theo Tạp chí Nhà Đầu tư
Bình luận của bạn

Bình luận