Tiêu chuẩn của Đức Phật về "Chánh Ngữ" và sự liên hệ với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật

TS Lê Vệ Quốc - Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp
02:01 - 07/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Vừa rồi, tôi có ngồi Hội đồng để duyệt các nhiệm vụ khoa học năm 2023 của một đơn vị, trong đó có đề xuất nghiên cứu việc vận dụng những triết lý, tinh hoa của Phật giáo vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù.

Tiêu chuẩn của Đức Phật về "Chánh Ngữ" và sự liên hệ với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật - Ảnh 1.

Có thể vận dụng những tiêu chuẩn của Đức Phật về Chánh Ngữ trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta. Ảnh minh họa, nguồn Phatgiao.org

Ví dụ như luật nhân quả; từ bỏ tham, sân, si, khơi dậy sự sám hối, lòng từ bi ở con người (bao dung, độ lượng, tha thứ…). Để từ đó, không chỉ tạo sự thay đổi nhận thức pháp luật mà còn đổi mới đời sống tinh thần theo hướng tích cực nhất, họ hiểu được những gì mình làm và trách nhiệm với bản thân, xã hội như thế nào bởi sự hướng thiện, tình yêu thương mà không hề có sự oán giận, trách móc. 

Gần đây, tôi lại được đọc một cuốn sách hay của Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đó là "Nghệ thuật thiết lập truyền thông" (The art of communicating)[1]. Trong đó, tác giả đã nhắc lại những tiêu chuẩn của Đức Phật về Chánh Ngữ làm tôi liên hệ ngay với yêu cầu của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam ta, đặc biệt thông qua hình thức "nói trực tiếp". 

Bài viết này tôi xin chia sẻ lại theo cách nhìn của cá nhân.

Bốn tiêu chuẩn Chánh Ngữ của Đức Phật

Tiêu chuẩn thứ nhất: Sử dụng ngôn ngữ của thế gian

Khi chúng ta giao tiếp và chuyện trò, thực hiện hoạt động truyền thông về một vấn đề cho ai đó thì trước hết ta phải hiểu họ là ai, ngôn ngữ và thói quen trong ngôn ngữ của họ là gì; phải hiểu được mức độ khả năng ngôn ngữ của người đó. Như Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói không có nghĩa là ta phải biết tiếng Trung Quốc hay Ả rập thì mới thực hiện được giao tiếp mà vấn đề là ta phải nói như thế nào để người nghe hiểu được theo kinh nghiệm, vốn sống của họ.

Ngôn ngữ phù hợp để ta nói chuyện với họ chính là ngôn ngữ trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nội dung truyền thông là của người nói nhưng ngôn ngữ chuyển tải thì phải là ngôn ngữ của người đang lắng nghe.

Tiêu chuẩn thứ hai: Nói theo trình độ hiểu biết của người nghe

Ngôn ngữ cuộc sống thì có thể giống nhau nhưng trình độ nhận thức, hiểu biết rộng hẹp thì thông thường ở mỗi chúng ta là khác nhau. Chính vì vậy, khi chúng ta truyền thông với một ai đó thì phải hiểu được họ có khả năng nhận thức vấn đề đến đâu, trình độ hiểu biết, kinh nghiệm sống của họ như thế nào, để từ đó xác định nói cái gì và nói đến mức độ nào.

Trong cuốn "Nghệ thuật thiết lập truyền thông", tác giả có lấy ví dụ: Khi có người đến hỏi Đức Phật : "Sau khi chết thì ta sinh về đâu?", Đức Phật trả lời sau khi chết thì con người sẽ sinh về cõi này, cõi kia… 

Một lần khác, có người đến hỏi cũng câu hỏi đó, Đức Phật lại trả lời, sau khi chết con người không sinh về đâu cả. 

Một người đứng cạnh hỏi Đức Phật tại sao cùng một câu hỏi mà Đức Phật trả lời với nội dung khác nhau. Đức Phật nói: "Ta phải tùy theo tâm thức của người nghe cũng như trình độ hiểu biết và khả năng tiếp nhận của người hỏi mà ta trả lời".

Tiêu chuẩn thứ ba: Tùy người, tùy lúc mà giảng dạy,
như một vị lương y kê toa đúng thuốc (tùy bệnh mà cho thuốc)

Ở tiêu chuẩn này, tôi có thể tóm tắt trong mấy yêu cầu cụ thể như sau:

- Không nói lại những gì mình nghe được và thấy hay cho người nghe một cách máy móc, mà phải truyền tải lại bằng chính hiểu biết của mình, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người nghe;

- Nói những gì người nghe đang cần nghe, muốn hiểu phù hợp lứa tuổi, giới tính, không chỉ là điều mình muốn nói;

- Sử dụng ngôn ngữ khéo léo, phù hợp với tâm lý, tình huống, ngữ cảnh, đúng lúc, đúng chỗ và tránh những vấn đề có thể nhạy cảm với người nghe.

Tiêu chuẩn thứ tư: Phản ánh sự thật
(nguyên văn: Lời giảng dạy phải phản ánh chân lý tuyệt đối)

Đó là một trong những yêu cầu quan trọng và vi diệu nhất của CHÁNH NGỮ. Tuy nhiên, để nói được sự thật không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vì vậy, người nói cũng phải tùy thuộc vào điều kiện, ngữ cảnh và sự sẵn sàng đón nhận của người nghe để nói những sự thật cần nói. 

Ngôn ngữ chuyển tải một sự thật hay một chân lý cũng phải hết sức khéo léo, uyển chuyển, không phải vì là sự thật mà có thể áp đặt như một cách "hiển nhiên" và người nghe phải tiếp nhận.

Các yêu cầu của Chánh Ngữ và vận dụng vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp

Một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đang được áp dụng tương đối rộng rãi, mang tính truyền thống ở Việt Nam hiện nay là phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp. Điều này xuất phát từ đặc thù của nước ta về dân số, địa lý, điều kiện, hoàn cảnh sống, văn hóa vùng miền của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. 

Đây cũng là hình thức được Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định[2]. Vì vậy, để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả thực sự thì chúng ta rất cần đội ngũ những người người có trình độ, hiểu biết, kỹ năng thực sự trong truyền thông (trực tiếp) để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nhất là cho đối tượng đặc thù.

Từ trước đến nay, đã có nhiều sách vở, tài liệu đề cập đến vấn đề kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp[3]. Tuy nhiên, các tài liệu này chủ yếu tập trung vào những yêu cầu kỹ năng tương tác mang tính sư phạm thuần túy (âm thanh, ánh mắt, cử chỉ, thao tác…) mà chưa thực sự chú trọng đến đòi hỏi của sự "thấu hiểu" và truyền thông bằng trái tim.

Chúng ta cần thống nhất rằng, người làm báo cáo viên pháp luật hoặc tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp là người truyền thụ thông tin, kiến thức pháp luật cho người nghe. Nhưng giữa họ với một giáo viên hay giảng viên luật trong các cơ sở đào tạo thì có nhiều điểm không giống nhau (trong môi trường của cơ sở đào tạo, người nghe là người học, có nghĩa vụ học tập khi đến lớp theo quy chế đào tạo; chịu sự ràng buộc nhất định với người dạy, với nhà trường, trình độ kiến thức có sự tương đồng; người dạy có quyền và trách nhiệm sát hạch, kiểm tra kiến thức (đầu ra) sau khi kết thúc chương trình dạy…). 

Trong khi đó, đối với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thì gần như ngược lại khi người nghe có kiến thức, khả năng tiếp nhận khác nhau, không có sự ràng buộc, chỉ có sự động viên, khuyến khích người nghe mà không có bất kỳ mệnh lệnh nào ở đây… Do đó, kỹ năng của người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp phải có tính chuyên biệt nhất định bên cạnh tính sư phạm và thực sự phải phù hợp với đối tượng người nghe. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, cho dù cố gắng đến mấy, việc phổ biến, truyền thụ kiến thức pháp luật của các báo cáo viên pháp luật hay người tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ không bao giờ thành công.

Thực tế, nhiều buổi thuyết trình, phổ biến, giáo dục pháp luật "tẻ nhạt" đã được thực hiện theo mong muốn của người nói nhiều hơn là của người nghe, nói những gì muốn nói hơn là nói những gì người nghe cần. Thống kê hàng năm trên cả nước có hàng trăm ngàn hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp nhưng chưa có bất kỳ căn cứ nào để khẳng định về tính hiệu quả của những hoạt động đó. 

Thậm chí, có quan điểm cho rằng cần hạn chế hình thức hội nghị này vì hiệu quả thấp, mang tính chiếu lệ giúp các báo cáo viên pháp luật "hoàn thành" công việc là chính.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khắc phục tình trạng "hình thức" như hiện nay, tôi nghĩ rằng người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có thể tham khảo và vận dụng các yêu cầu của CHÁNH NGỮ như đã nêu ở trên.

Đầu tiên, về vấn đề ngôn ngữ, chúng ta phải chuẩn bị kỹ đến mức thấu hiểu ngôn ngữ của người nghe. Ở đây tôi muốn đề cập hai ý như sau: (i) cần hiểu ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ) của người nghe là gì và mức độ, khả năng ngôn ngữ trong cuộc sống hàng ngày của người nghe như thế nào (tạm gọi là ngôn ngữ thực hành). Thực tế cho thấy có những người là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tiếng Việt của họ rất sõi nhưng ngược lại, có người dân tộc Kinh nhưng tiếng Việt lại tồi….(ii) Khi chúng ta đã biết được ngôn ngữ của người nghe là gì, khả năng ngôn ngữ của họ đến đâu thì cần phải xây dựng nội dung truyền đạt bảo đảm sự tương thích, phù hợp với mức độ (level) ngôn ngữ của người nghe, sao cho người nghe cảm nhận, thấu hiểu tất cả những gì ta muốn nói và ngược lại, thứ ngôn ngữ ta dùng truyền đạt chính là ngôn ngữ thực hành của người nghe trong cuộc sống hàng ngày và dành riêng cho chính họ chứ không ai khác. 

Lúc đó, ngôn ngữ người nói và người nghe hòa làm một, tạo ra sự thấu hiểu một cách sâu sắc của những gì cả hai bên cùng muốn nói và muốn nghe. Đây là một trong những yêu cầu kỹ năng mang tính chuyên biệt về ngôn ngữ của đội ngũ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Ví dụ như ngôn ngữ sử dụng để nói với các bạn trẻ sinh viên không thể dành cho người nông dân chỉ biết cây lúa và ruộng cày, có vốn ngôn từ mộc mạc, đơn giản hay cũng là người nông dân nhưng ở mỗi vùng miền thì cũng có sự khác nhau nhất định, phụ thuộc phần lớn vào tiếng bản địa hay còn gọi là địa phương ngữ...

Vấn đề này càng trở nên cần thiết hơn đối với người nghe là đối tượng đặc thù, trong đó có người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi nhớ câu chuyện vui, khi có một báo cáo viên đến vùng đồng bào dân tộc ở một tỉnh Tây Nguyên để nói về an toàn giao thông, họ không biết giải thích "dung tích xi lanh" hay "phân khối" của xe cơ giới là gì cho người dân hiểu, hay tương tự ở một lĩnh vực khác cũng gắn với cuộc sống của dân, đó là đất đai thì nào là "dồn điền, đổi thửa", "diện tích, chu vi"…

Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đây là vấn đề rất đáng suy ngẫm bởi nhìn từ yêu cầu về ngôn ngữ như phân tích ở trên, hơn ai hết, người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này không chỉ phải biết về ngôn ngữ mà còn phải thấu hiểu ngôn ngữ hàng ngày của đồng bào khi truyền đạt, phổ biến kiến thức pháp luật cho họ. Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta chưa có đội ngũ đạt được đồng thời cả hai yêu cầu trên. Đây là một trong những tồn tại, khó khăn của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù này và chúng ta cần sớm có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Thứ hai, cần lựa chọn nội dung phù hợp với trình độ của người nghe. Nếu chúng ta đã lựa chọn đúng ngôn ngữ cần sử dụng thì vấn đề tiếp theo là nội dung cần truyền tải phải được xác định phù hợp. Sẽ thất bại nếu chúng ta không biết đang nói chuyện với ai, có trình độ, kiến thức về xã hội nói chung như thế nào, đặc biệt là kiến thức pháp luật cơ bản của họ. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị nội dung với độ rộng, hẹp, nông sâu như thế nào để bảo đảm không quá đơn giản nhưng cũng không được phức tạp với người nghe. 

Mỗi đối tượng sẽ có nhu cầu đầu vào thông tin và yêu cầu mục tiêu kết quả đầu ra khác nhau. Ví dụ: Cùng một vấn đề cần nói cho lực lượng quân đội nhưng nội dung thông tin cho đội ngũ sĩ quan phải khác với nội dung dành cho các chiến sĩ tân binh…

Mỗi đối tượng sẽ có nhu cầu đầu vào thông tin và yêu cầu mục tiêu kết quả đầu ra khác nhau. Ví dụ: Cùng một vấn đề cần nói cho lực lượng quân đội nhưng nội dung thông tin cho đội ngũ sĩ quan phải khác với nội dung dành cho các chiến sĩ tân binh…

Thứ ba, cần xác định trọng tâm nội dung phù hợp với nhu cầu của người nghe cũng như hoàn cảnh, điều kiện, đặc tính văn hóa… của họ. Nói một cách khác, trước hết, chúng ta cần phải chuẩn bị đúng vấn đề về nội dung và trúng trọng tâm theo yêu cầu, mong muốn của đối tượng. Như Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói, phải tùy bệnh mà cho thuốc. 

Ví dụ: chúng ta không thể nói vấn đề pháp luật về công chức cho người nông dân đang làm việc ngoài đồng ruộng hay pháp luật về biên giới biển, hải đảo cho cư dân vùng núi, trung du không có biển… Phải trả lời bằng được câu hỏi: Người nghe họ là ai và nhu cầu thông tin pháp luật của họ là gì và nhiệm vụ chúng ta chỉ được coi là hoàn thành khi nhu cầu của họ đã được thỏa mãn thưc sự. Ví như người đang khát thì chúng ta phải cho họ uống nước và người đói thì cần được ăn thức ăn vậy. 

Phổ biến, giáo dục pháp luật là đưa pháp luật vào cuộc sống và vì vậy, nếu không "bắt mạch" được con đường và phát hiện những cánh cửa cuộc sống (chính là nhu cầu người dân) thì pháp luật luôn "đứng bên ngoài' cuộc sống và việc chúng ta làm sẽ trở thành vô nghĩa.

Bên cạnh đó, người nói phải chú tâm đến tâm lý, lứa tuổi, giới tính và những yếu tố về văn hóa liên quan đến người nghe để lựa chọn ngôn từ, cách nói phù hợp, không động chạm đến lòng tự ái hay những vấn đề nhạy cảm với họ. 

Ví dụ, với đối tượng nghe là người khuyết tật, chúng ta không nên nói đến vấn đề sức khỏe thể chất với khả năng lao động; với trẻ em về vấn đề bạo lực hay vấn đề nghĩa vụ của con cái với người già bị bỏ rơi, không nơi nương tựa… bởi vì phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ làm thay đổi nhận thức, hiểu biết pháp luật mà còn phải tạo nên thái độ, tình cảm tích cực của người nghe đối với xã hội, mọi người xung quanh nhằm phòng tránh cách nhìn bi quan, oán giận với thế giới bên ngoài-một trong những nguyên nhân của vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc "tôn trọng sự thật". Các ví dụ nêu ra phải thực sự được lựa chọn kỹ lưỡng bảo đảm đó là những vấn đề có thật trong cuộc sống, gần gũi, dễ hiểu với người nghe. Không được "tô hồng" hay ngược lại "bôi đen" thực tế cuộc sống. 

Từ đó, chúng ta hướng cho người nghe đến với một "bức chân dung" cuộc sống sinh động, chân thực và chuyển tải những thông điệp có ý nghĩa, mang tính lạc quan, giúp cho người nghe cảm thấy thoải mái, vui vẻ và tin tưởng vào cuộc sống, vào pháp luật.

Tóm lại, với tính chất, mục tiêu, yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật theo hình thức trực tiếp nói riêng, người làm công tác này phải luôn xác định đây là việc khó, không chỉ thực hiện bằng kiến thức và những kỹ năng truyền thông, sư phạm thuần túy mà còn phải bằng cả trái tim, tình cảm dành cho người nghe, thấu hiểu sâu sắc và vận dụng nhuần nhụy tiêu chuẩn của Đức Phật về CHÁNH NGỮ. 

Có như vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp mới có thể đạt được mục tiêu cuối cùng, cao nhất mang tính nhân văn đó là: Dân được nghe, được biết, được hiểu, được làm những gì thuộc về dân với tư cách là người làm chủ chính cuộc sống của mình và làm chủ xã hội, đất nước.

Ghi chú:

[1] Thích Nhất Hạnh, NXB Thế giới, 2018. Chân Đạt chuyển Việt ngữ.

[2] Luật PBGDPL 2012, Điều 11.

[3] Pbgdpl.moj.gov.vn (xem mục Nghiên cứu, trao đổi)

Nguồn: Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp
Bình luận của bạn

Bình luận