Tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.
Bên cạnh đó, báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 8/1/2024.
Như vậy, kể từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay. Tổng các mức lãi suất điều hành đã giảm giảm 0,5-2%/năm.
Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn).
Công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Tập trung, khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; có các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thực hiện chủ trương định hướng giảm lãi suất, trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất giảm để chung tay hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Ngày 15/8, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) triển khai gói vay ưu đãi giảm lãi suất đến 2 điểm % với quy mô 1.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Với mức lãi suất chỉ từ 8,5%/năm, ngân hàng kỳ vọng là tín hiệu tích cực để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chuẩn bị bước vào mùa cao điểm những tháng cuối năm.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân, nhằm tiếp sức, kích thích hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống từ nay đến cuối năm 2023.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Cùng đó, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào. Từ đó, có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cũng đã lần lượt thay đổi biểu lãi suất theo xu hướng giảm điểm từ 0,1-0,3 điểm % để chung tay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi nền kinh tế, hàng hóa và sản xuất.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google