Tiến sĩ Y khoa Phan Thái Hảo: 4 bằng đại học với tôi là chưa đủ

Trang Linh
18:49 - 27/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Để theo đuổi nghề Y, yếu tố quan trọng nhất là phải chăm chỉ, sẵn sàng chấp nhận đương đầu với khó khăn, dám dấn thân và không bỏ cuộc. Đó cũng là lý do Tiến sĩ Phan Thái Hảo không ngừng học hỏi để trở thành một người thầy thuốc.

tiến sĩ phan thái hảo

Thầy Phan Thái Hảo trên giảng đường Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phan Thái Hảo: Muốn theo đuổi nghề Y, phải quyết tâm đến cùng

Tốt nghiệp ngành Hóa học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) năm 1999, Tiến sĩ Phan Thái Hảo (Trưởng Văn phòng khoa Y, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, trưởng khoa Tim mạch - Lão học Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp) tiếp tục hành trình chinh phục tri thức với niềm đam mê với Y học luôn rạo rực. 

Sau khi ra trường thay vì tìm một công việc đúng chuyên ngành, dù đã thi đỗ thạc sĩ Hóa học, Phan Thái Hảo vẫn quyết tâm ôn luyện và thi lại đại học để được theo đuổi giấc mơ trở thành một bác sĩ giúp người, giúp đời. "Thậm chí, tôi đã nộp tiền để sẵn sàng học lại thêm một năm, học đến khi trúng tuyển vào ngành Y", Thái Hảo tâm sự.

Chia sẻ với Tạp chí Công dân và Khuyến học, Tiến sĩ Phan Thái Hảo kể về hành trình bắt đầu bén duyên với nghề Y. Anh quan niệm, nếu có đam mê thì phải theo đuổi đến cùng và đã theo đuổi thì phải cố gắng làm thật tốt. Vậy nên, khi học tại Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, anh thường dành thời gian để đọc tài liệu, nghiên cứu và đi trực thêm tại bệnh viện dù đôi lúc đó không phải ca trực của mình.

Tiến sĩ Y khoa Phan Thái Hảo: 4 bằng đại học với tôi là chưa đủ- Ảnh 2.

Thầy Phan Thái Hảo trao đổi kiến thức chuyên khoa với các bác sĩ. Ảnh: NVCC

Nhớ lại những kỷ niệm khi còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, Phan Thái Hảo kể lại, "đó là khoảng thời gian tôi ước một ngày có nhiều hơn 24 tiếng. Bởi thời sinh viên, có những hôm tôi vừa trực ở bệnh viện, vừa theo chân các giáo sư, bác sĩ vào phòng phẫu thuật, những ca phẫu thuật có khi kéo dài cả đêm.

Nhưng sau khi hết ca trực, buổi sáng tôi tiếp tục đi học trên lớp. Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc mình phải tấp xe vào lề đường vì quá buồn ngủ. Những khó khăn đó thử thách tôi, nhưng tôi tin nếu vượt qua được giai đoạn đó, tôi chắc chắn có thể đương đầu với sự vất vả của nghề Y trong tương lai".

Chọn ngành Y đồng nghĩa với việc chọn đánh đổi thời gian của bản thân vì bệnh nhân. Là nghề đặc thù, thức khuya dậy sớm, có thể vất vả hơn nhiều công việc khác, nhưng nếu đã xác định đến với nghề thì phải theo đuổi đến cùng.

Không chỉ vất vả khi ngồi trên ghế nhà trường, bác sĩ cần phải luôn luôn trau dồi kinh nghiệm, không ngừng học hỏi. Kể về câu chuyện khi mới làm nghề, Phan Thái Hảo xúc động khi nhớ về những bệnh nhân đầu tiên của mình. "Những bệnh nhân ấy là những người tôi không bao giờ quên. 

Đôi lúc tôi vẫn nhớ về ngày mới chập chững vào nghề. Cậu bác sĩ mới ra trường có đôi chút ngô nghê, cứ nghĩ mọi thứ như trang sách. Nhưng thực tế, bệnh nhân không chỉ có một bệnh duy nhất, mà đôi khi họ có nhiều bệnh nền.

Ví dụ có những ca bệnh nhân bị chèn ép tim cấp, bị nhồi máu cơ tim thậm chí bị thủng thành tim và tràn máu ra ngoài màng tim, tụt huyết áp, tưởng chừng sẽ không qua khỏi nhưng sau khi chọc dịch ngoài tim, giải áp, bệnh nhân đã dần tỉnh lại. Đó là động lực để tôi tiếp tục trân quý và luôn tự nhủ không ngừng học hỏi để có thể giúp nhiều người hơn nữa trong tương lai".

Bận rộn nhưng không được quên cập nhật kiến thức

Tiến sĩ Y khoa Phan Thái Hảo: 4 bằng đại học với tôi là chưa đủ- Ảnh 3.

Phan Thái Hảo (đứng giữa) tại một hội nghị Y khoa quốc tế. Ảnh: NVCC

Sau khi trở thành bác sĩ, Phan Thái Hảo lại dành thời gian buổi tối để học thêm ngoại ngữ và tin học. Anh quan niệm, ngoại ngữ và tin học là chìa khóa để mở ra kho tàng tri thức một cách nhanh nhất. Bởi thời điểm đó, việc tiếp cận internet còn khá hạn chế trong khi các tài liệu, bài nghiên cứu Y khoa thường được viết bằng tiếng Anh.

Nếu không biết ngoại ngữ sẽ phải mất một thời gian tương đối lâu để chờ đợi bản dịch và có đôi khi bản dịch sẽ không sát ý hoặc chính xác 100% so với bản gốc. Còn khi có vốn ngoại ngữ tốt, thầy sẽ đọc tài liệu nhanh và dễ dàng hơn.

Thường không có thời gian dành riêng cho bản thân, Tiến sĩ Phan Thái Hảo chia sẻ về lịch trình bận rộn: "Một ngày bắt đầu, buổi sáng tôi sẽ giao ban khoa, giao ban bệnh viện, hội chẩn, hướng dẫn sinh viên thực tập. Buổi chiều dạy trên giảng đường, hoàn thành công việc của khoa, có khi buổi tối dạy online. Ngoài các sinh viên từ Y2 đến Y6, tôi còn nhận nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên sau đại học các lớp Bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2, bác sĩ Nội trú và thạc sĩ, tiến sĩ. Tôi luôn tự động viên bản thân, lấy tình yêu với nghề để giải tỏa áp lực. Bởi nghề Y dù khó nhưng càng đào sâu, nghiên cứu càng thấy khao khát gắn bó với công việc".

Dù đã thực hiện được ước mơ trở thành thầy giáo và thầy thuốc, đến nay, Tiến sĩ Phan Thái Hảo vẫn dành thời gian để học thêm bằng cử nhân ngành Luật. Đồng thời, anh thường xuyên đọc thêm tài liệu, nghiên cứu khoa học, báo cáo ở các hội thảo y khoa quốc tế, xây dựng đề tài nghiên cứu y học. 

Đến nay, Tiến sĩ Phan Thái Hảo đã viết 3 quyển sách chuyên khoa Tim mạch để truyền đạt kiến thức cho những thế hệ sau. Đó là niềm vui của một người vừa có thể làm thầy giáo vừa có thể làm bác sĩ, luôn tận tụy với nghề.

Hãy luôn cố gắng vượt qua những khó khăn ban đầu

Trở thành bác sĩ, khó khăn nhất có lẽ là thời gian làm quen thực tế. Bởi không giống hoàn toàn trong sách vở, một bệnh nhân không chỉ mắc một bệnh duy nhất, họ có nhiều triệu chứng rồi có nhiều bệnh nền. Sinh viên mới ra trường sẽ khó nhận ra chính xác tuyệt đối tình trạng bệnh.

"Tôi vẫn nhớ hoài một trường hợp bệnh nhân cấp cứu tim mạch ở bệnh viện Nguyễn Trãi. Khi đó tôi mới ra trường, thời điểm nhận bệnh ban đầu, bệnh nhân sắp ngưng tim, mình không nhận biết được dấu hiệu báo động sớm, rồi họ gồng người lên và ngưng tim. Nhưng lúc đó mới ra trường tôi không biết phải hồi sức cấp cứu tim phổi cho bệnh nhân.

Hay trường hợp bệnh nhân bị phù phổi cấp, tôi cứ nghĩ là do bệnh hen nhưng không ngờ nguyên nhân lại là do tim mà không phải do phổi.

Hay khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân, các bác sĩ mới ra trường thường chưa có kỹ năng giao tiếp, trong lúc giải thích hoặc hỏi triệu chứng, có thể bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sẽ có những phản ứng tiêu cực.

Đó đều là những tình huống thông thường mà một bác sĩ mới ra trường sẽ gặp phải. Tuy nhiên, sau này khi có nhiều kinh nghiệm hơn, các bạn sẽ không e dè với những trường hợp như vậy nữa", Tiến sĩ Phan Thái Hảo chia sẻ.

Tiến sĩ Y khoa Phan Thái Hảo: 4 bằng đại học với tôi là chưa đủ- Ảnh 4.

Bác sĩ Phan Thái Hảo thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phan Thái Hảo cho rằng, bên cạnh trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, bác sĩ còn phải luôn rèn luyện bản thân, nhất là rèn luyện kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống. "Tôi nghĩ rằng, với một bác sĩ mới ra trường, chỉ cần mất 6 tháng đến một năm là có thể quen với công việc, còn để thạo việc hay giỏi việc sẽ cần thời gian tích lũy lâu dài. Còn đối với việc học cách giao tiếp, có lẽ sẽ cần thời gian va chạm nhiều hơn. Đôi khi việc học cách ứng xử có thể phải mất thời gian 5 năm, thậm chí là 10 năm.

Điều quan trọng luôn phải khắc sâu vào trong tiềm thức, đó là tôn trọng người đối diện, nhất là tôn trọng bệnh nhân. Chúng ta có thể không coi họ như người nhà nhưng hãy cứ coi bệnh nhân và thân nhân của họ là người quen, bạn bè, người thân, người hàng xóm hoặc cũng có thể là khách hàng của mình. Tránh việc hỏi trống không, không chào hỏi, xin phép và luôn trò chuyện thân thiện".

Yếu tố nào để trở thành một bác sĩ có tâm, có tài?

Để theo đuổi ngành Y, yếu tố quan trọng nhất là phải chăm chỉ, kiên định theo đuổi nghề và sẵn sàng chấp nhận đương đầu với khó khăn, dám dấn thân và không bỏ cuộc. Bởi ngành Y cũng sẽ có những mặt khuất, những vất vả thầm lặng. Nếu muốn làm giàu thì ngành Y chưa phải dành cho bạn. 

"Nhìn bề ngoài có thể sẽ thấy một số bác sĩ giàu có, nhưng số đó rất ít. Đa số các bác sĩ đều có mức thu nhập đủ sống hoặc có dư một chút nhưng chắc chắn không thể khá giả như những ngành khác"
Tiến sĩ Phan Thái Hảo

Mặt khác, con đường đi từ một bác sĩ đến một bác sĩ giỏi sẽ rất gian nan. Bởi sự giỏi đòi hỏi nhiều yếu tố. Bác sĩ phải lăn lộn, bám sát lâm sàng, dành nhiều thời gian ở lại bệnh viện, liên tục theo dõi người bệnh, tích lũy kinh nghiệm từ những ca khó và tập xử lý các ca phức tạp.

Không chỉ vậy, một bác sĩ giỏi còn là một người có thể truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau. Giống như văn võ song toàn, người bác sĩ giỏi phải giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành, để từ đó gieo kiến thức cho thế hệ kế cận.

"Gắn bó với nghề Y, hãy luôn sẵn sàng học hỏi và luôn sẵn sàng lắng nghe. Hãy sống với nghề bằng cái tâm trong sáng, tận tụy cống hiến dù có khó khăn, vất vả", Tiến sĩ Phan Thái Hảo khẳng định.