Thủ tướng: Thủ đô Hà Nội phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước
Ngày 6/5/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023, kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội.
Thu hút FDI của Hà Nội tăng trưởng đột phá
Với 30 đơn vị hành chính, tổng diện tích gần 3.400 km2 , Hà Nội đứng thứ 2 về dân số và quy mô GRDP, xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 30 về tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022. Hà Nội hiện đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng.
Về kinh tế, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững. Năm 2022, GRDP tăng trưởng 8,89%. Giai đoạn 2021-2022, tổng thu ngân sách nhà nước vượt gần 20% dự toán; giá trị nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm tới 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ; thúc đẩy chuyển đổi số; GRDP năm 2022 đạt bình quân gần 142 triệu đồng/người, tăng hơn 18 triệu đồng so với năm 2020, bình quân tăng 7,07%/năm...
Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là gần 178.000 tỉ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt 1,71 tỉ USD (tăng 260% so với cùng kỳ). GRDP quý I/2023 tăng 5,8%.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Kết luận cuộc làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; thúc đẩy hội nhập và đối ngoại; phát triển văn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Bên cạnh những kết quả, thành tựu rất cơ bản, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Thủ đô. Theo đó, tăng trưởng cần đẩy mạnh hơn, tập trung vào 3 động lực phát triển chính gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Huy động nguồn lực ngoài xã hội hiệu quả hơn nữa theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển; giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia cần tích cực hơn nữa.
Công tác quy hoạch cần được đẩy mạnh hơn với tư duy đổi mới, tầm nhìn đột phá, chiến lược, dài hạn, chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải được các mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế.
Một số chỉ số cải cách hành chính như: PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS cần nỗ lực cải thiện mạnh mẽ hơn. Kỷ luật, kỷ cương có lúc còn chưa nghiêm. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, các quy định phòng cháy, chữa cháy... cần tích cực hơn nữa.
Thủ đô Hà Nội phải là hình mẫu cho cả nước
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội:
Thứ nhất, tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Thủ đô; phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Thứ hai, khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Tổ chức triển khai quy hoạch đô thị thật tốt, vừa hiện đại và bản sắc, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thành phố.
Thứ ba, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về miễn, giảm, thuế, phí lệ, phí, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, giãn, hoãn nợ… theo thẩm quyền và quy định.
Thứ tư, trong bối cảnh lạm phát trên cả nước vẫn được kiểm soát và giảm dần theo các tháng, cần ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), tăng cả cung và cầu.
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; giảm thủ tục, chi phí cho người dân và doan nghiệp.
Thứ sáu, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác công-tư, huy động các nguồn lực xã hội với các mô hình lãnh đạo công - quản trị tư (như Nhà nước xây dựng chính sách, đấu nối hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bên trong khu công nghiệp và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp), đầu tư công-quản lý tư (ví dụ Nhà nước xây dựng công viên, giao tư nhân quản lý và khai thác).
Thứ tám, đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành từ thủ công truyền thống sang môi trường điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ chín, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ mười, tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Cùng với đó, chú trọng công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong mùa nắng nóng sắp tới; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn…
Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google