Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều đề xuất quan trọng nhằm bảo vệ dòng sông Mekong
Đúng 18 giờ 35 phút, ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội), kết thúc tốt đẹp chuyến công tác dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào).
Trong chưa đầy 24 giờ trên đất nước Lào, cùng với dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ăn sáng làm việc với Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen; hội kiến với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
Tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng, nêu những thách thức đã và đang diễn ra đối với dòng Mekong và lưu vực; đánh giá hoạt động của Ủy hội sông Mekong và sự hợp tác của các Đối tác Đối thoại, Đối tác Phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Thủ tướng có nhiều đề xuất quan trọng nhằm bảo vệ dòng sông Mekong
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính có đề xuất quan trọng, sâu sắc, toàn diện mà các nước thành viên Ủy hội và cộng đồng quốc tế cần thực hiện, hợp tác, hỗ trợ, nhằm bảo vệ dòng sông, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các quốc gia và người dân sinh sống trong lưu vực; bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau; tất cả vì mục tiêu chung là phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cụ thể:
Thứ nhất, cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng, đồng thời tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Uỷ hội.
Thứ hai, mọi chính sách và hành động cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân sinh sống trong lưu vực, nhất là cư dân sinh sống trên và dọc sông, đối với các tình huống bất trắc xảy ra như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ…; tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay; đồng thời tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong.
Thứ ba, tăng cường sự phối kết hợp giữa Ủy hội và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác, trong đó phát huy vai trò là một trung tâm tri thức, cung cấp thông tin, dữ liệu, tư vấn cho các cơ chế hợp tác.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, kết nối và nâng cấp mạng lưới điện của vùng, qua đó góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác giao thông thủy để tăng cường kết nối các nền kinh tế, thúc đẩy giao thương, đồng thời bảo đảm vận tải an toàn và có hiệu quả, không gây hại đến nguồn nước và môi trường sinh thái.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các đối tác để tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại, gắn kết hoạt động của Uỷ hội với nỗ lực thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và các chương trình nghị sự quốc tế lớn khác.
Việc Thủ tướng Chính phủ tham dự hội nghị với các thông điệp rõ ràng, thể hiện sự quan tâm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc ứng phó với các thách thức đặt ra để tăng cường đoàn kết, hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế, cũng như xử lý những thách thức, bảo đảm lợi ích của các nước trong lưu vực, trong đó có lợi ích của Việt Nam.
Tại các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá lại kết quả hợp tác trong thời gian qua, thống nhất đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, trong đó có việc kết nối ba nền kinh tế, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Đặc biệt, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đề ra, với phương châm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính có thời gian ngắn, song đạt được kết quả quan trọng, thể hiện cam kết chính trị và vai trò của Việt Nam trong Ủy hội sông Mekong quốc tế; đồng thời thắt chặt và tăng cường quan hệ láng giềng đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam – Campuchia; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Nguồn: dangcongsan.vn; baochinhphu.vn
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google