Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo - nhắn nhủ 3 nhiệm vụ trọng tâm đối với đội ngũ "trồng người"
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
Buổi gặp mặt có sự tham dự của dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan và 60 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước, 20 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thủ tướng: Hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng; giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đây là ngày thiêng liêng, thể hiện tình cảm, sự trân trọng, yêu quý, tự hào với các thầy cô giáo, khẳng định truyền thống "tôn sư, trọng đạo" của dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng vui mừng được chào đón những thầy cô giáo tiêu biểu, những người đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước, đại diện cho 1,6 triệu thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước. Cùng với đó, thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hoá và con người Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng cũng nhắc lại những câu ca dao, tục ngữ: "Không thầy đố mày làm nên"; "Ơn thầy soi lối mở đường/Cho con vững bước dặm trường tương lai", "Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy/Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao" và nhiều câu khác ca ngợi các thầy cô, được truyền dạy từ đời này sang đời khác.
Thủ tướng nhắc lại lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người Thầy vĩ đại của dân tộc luôn đánh giá cao vai trò của thầy cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục. Người nhấn mạnh: "Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người"; "Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa"; "Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...".
Theo Thủ tướng, suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, giáo dục luôn đồng hành, vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ, đóng góp rất quan trọng. Từ xa xưa, hình ảnh ông đồ đã trở thành biểu tượng của trí tuệ, của cốt cách thanh tao, là sự ngưỡng mộ của nhân dân. Trong những ngày đầu năm mới, việc xin chữ ông đồ đã trở thành nét đẹp truyền thống, hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa.
Trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ngành giáo dục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tôi luyện lý tưởng, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão…, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Thủ tướng nhắc nhớ về những "người thầy" lịch sử làm nên lịch sử của dân tộc. Đó là thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành từ mái trường Dục Thanh mang lòng yêu nước nồng nàn, ý chí sắt đá dấn thân đi tìm đường cứu nước. Đó là thầy giáo Võ Nguyên Giáp quyết định buông tay phấn, gia nhập Mặt trận Việt Minh, cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đó là bao thế hệ thầy cô cùng các em sinh viên xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu...
Theo Thủ tướng, trong công cuộc đổi mới, ngành giáo dục đã không ngừng phát triển, đổi mới về tư duy, nhận thức và phương thức; cả quy mô và chất lượng dạy và học, đóng góp to lớn cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước.
Nước ta từ một quốc gia nghèo khó, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh chuyển mình thành nước có quy mô kinh tế thứ 34 thế giới năm 2023; từ một nước phải chống "giặc đói, giặc dốt", hơn 90% dân số mù chữ trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và xếp hạng 59 thế giới về chất lượng giáo dục.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là nhờ truyền thống văn hóa-lịch sử hào hùng, nền tảng giáo dục, lòng yêu nước, tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ để vươn lên, càng áp lực lại càng nỗ lực. Đặc biệt, triển khai các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo động lực phát triển. Lao động Việt Nam từng bước tham gia và đảm nhận nhiều vị trí công việc trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, trình độ ngày càng được nâng cao.
Thủ tướng khẳng định: Vượt qua sự tàn phá của chiến tranh, những khó khăn do bao vây, cấm vận..., ngành giáo dục Việt Nam đã vươn lên, khẳng định mình, đạt được những thành tựu rất đáng tự hào so với quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người và cơ sở vật chất… Những trang vàng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo là do biết bao thế hệ đội ngũ nhà giáo viết nên - những người luôn giữ lửa nghề, say nghề, yêu nghề; luôn nỗ lực tu dưỡng, không ngừng nâng cao năng lực, khắc phục nhiều khó khăn, vượt qua nhiều thách thức, hết mình gieo mầm tri thức, nuôi dưỡng ước mơ, khơi dậy đam mê, khơi nguồn sáng tạo, xây nền tương lai cho bao thế hệ học trò.
Lắng nghe những chia sẻ chân thành, xúc động của các thầy, cô về chuyện đời, chuyện nghề, Thủ tướng nhấn mạnh: các thầy, các cô dự cuộc gặp mặt là những nhà giáo có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo; là những hạt nhân nòng cốt lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới học sinh, tạo động lực, truyền cảm hứng; thực sự là những tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo, tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp trồng người.
Thủ tướng nhấn mạnh: Thật đáng biểu dương các tấm gương như thầy Nguyễn Huy Bằng (Đại học Vinh), thầy Nguyễn Văn Quang (Đại học sư phạm Hà Nội 2), cô Đinh Thị Thanh Hải (Đại học Dược Hà Nội)…; những người không những làm tốt công tác chuyên môn, quản lý, mà còn tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới sáng tạo vào thực tiễn để nâng cao chất lượng dạy và học, công bố nhiều bài báo khoa học, đoạt nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế; tích cực tham gia hoạt động xã hội, thiện nguyện, vì học trò và vì cộng đồng, vì sự phát triển của ngành giáo dục và khoa học-công nghệ của đất nước.
Thật đáng tự hào khi có những thầy cô vừa làm tốt công tác giảng dạy trên lớp, vừa hướng dẫn, đào tạo nhiều em học sinh giỏi tham gia và đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế, góp phần làm rạng danh giáo dục nước nhà, thể hiện bản lĩnh, tài năng, trí tuệ của học sinh Việt Nam như thầy Hoàng Tiến Phúc (Thái Nguyên), thầy Nguyễn Anh Nhật (Hà Nam), cô Chung Kim Nhung (Sóc Trăng)…
Thật đáng khâm phục tấm gương của cô Lê Thị Quang (Nghệ An), cô Nguyễn Thị Chuyên (Điện Biên), cô Lê Thị Tình (Lai Châu)…; những người đã gác lại nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, giữ lửa nghề, bền bỉ băng suối, vượt đèo, quyết "cõng chữ lên non", lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ngày nối ngày kiên trì "bám làng, bám bản", cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, vào từng nhà, gặp từng người, vận động từng con em đi học để tri thức ngày càng được nâng lên, các em, các cháu ngày càng yêu học tập...", Thủ tướng bày tỏ và cho biết, còn nhiều tấm gương tiêu biểu khác.
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả đó của các thầy, các cô trong suốt những năm qua, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 và một lần nữa ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi và sự cống hiến của đội ngũ nhà giáo nói riêng và toàn hệ thống giáo dục - đào tạo nói chung của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng; giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu; sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, phải được xây dựng thực sự chất lượng và sáng tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, để giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
3 nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành giáo dục thời gian tới
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang nêu trên, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
Trong đó, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, tiếp tục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ để ngành giáo dục thực hiện có chất lượng ngày càng tốt tất cả các nhiệm vụ chiến lược đã được tổng kết, đúc rút từ thực tiễn và được đưa ra trong Kết luận số 91-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của Quốc hội; cầu thị, lắng nghe ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Luật Nhà giáo, tạo sự đột phá về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật Giáo dục ra đời phải khiến cho giáo viên thật sự phấn khởi, được tôn vinh và tạo điều kiện để cống hiến.
Đồng thời, chủ động dự thảo sớm các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, để ban hành và triển khai ngay sau khi Quốc hội thông qua.
Thứ hai, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học; đẩy mạnh phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại... Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thực hiện đúng tinh thần: "Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên" một cách hợp lý.
Thủ tướng khái quát và nhấn mạnh 3 vấn đề: Hoàn thiện thể chế giáo dục-đào tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, bảo đảm khả thi, toàn diện, bao trùm; xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực (nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội, nguồn lực hợp tác công tư, các nguồn lực hợp pháp khác) để ngày càng nâng cao cơ sở vật chất giáo dục-đào tạo ngang tầm các nước phát triển; phát triển đội ngũ giáo viên ngày càng có chất lượng cao hơn, ngày càng toàn diện hơn, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng các yêu cầu mới, ngày càng yêu nghề hơn, ngày càng đắm đuối với học sinh, sinh viên nhiều hơn, ngày càng tự hào hơn về nghề nghiệp.
Theo Thủ tướng, bên cạnh sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương, vai trò của các thầy giáo, cô giáo là đặc biệt quan trọng. Đất nước ta đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc. Ngành giáo dục nói chung, các thầy giáo, cô giáo nói riêng phải tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, không ngừng dấn thân, sáng tạo, đổi mới, hoàn thiện về phẩm chất, lý tưởng, niềm tin cách mạng; phải phấn đấu hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để cùng chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy giỏi, người thầy tốt. Học sinh được tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu có sự dìu dắt và chỉ bảo của giáo viên có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền dạy hợp lý. Đồng thời, phải tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo; có tư duy phản biện, đam mê tìm tòi, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.
Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, ươm mầm khát vọng, chắp cánh bay cao, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo; bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Vì thế, mỗi thầy giáo, mỗi cô giáo hãy là tấm gương sáng về rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; để mỗi tiết học thực sự bổ ích và lý thú, để mỗi ngày học thực sự là ngày vui", Thủ tướng bày tỏ.
Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mọi người, mọi nhà, mọi bậc phụ huynh... hãy cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo, chung sức với các thầy cô giáo trong sự nghiệp "trồng người" cao cả, chung tay xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện, xứng tầm truyền thống văn hóa-lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng, bất khuất của đất nước, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Về các đề xuất, kiến nghị tại buổi gặp mặt, Thủ tướng giao các cơ quan liên quan xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google