Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam: 14 vấn đề nêu ra được giải đáp thẳng thắn!
Sáng 29/5, tại Thành phố Sơn La, diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam lần thứ 4, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".
Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức. Lãnh đạo các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước; lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố của cả nước dự Hội nghị.
Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là sau khi Hội nghị Trung ương 5, khóa 13 đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề lớn, tầm chiến lược về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Hơn 500 đại biểu, trong đó có khoảng 200 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên nông dân cả nước có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, 29 nông dân tiêu biểu trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.
Điểm mới của Hội nghị năm nay là không chỉ có nông dân đặt câu hỏi đối thoại trực tiếp với Thủ tướng, mà còn có đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học.
Tính đến trước thời điểm diễn ra Hội nghị, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.600 đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại vì một tầm nhìn đưa nông nghiệp Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu của thế giới.
Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, song ngành nông nghiệp Vietj Nam vẫn đạt được kết quả vượt bậc với tốc độ tăng trưởng đạt 2,98%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ đô la Mỹ. Ngay trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt gần 17,9 tỷ đô la Mỹ, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ. Đóng góp vào sự tăng trưởng đó, có công rất lớn của những người nông dân trên cả nước và của những nông dân tiêu biểu trực tiếp tham dự đối thoại lần này.
Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng yêu cầu thẳng thắn trao đổi, thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề quan trọng từ định hướng chiến lược đến những khó khăn, vướng mắc, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Trong hơn 3 giờ đối thoại, 14 vấn đề được nông dân đặt ra cho Thủ tướng, 10 tư lệnh ngành tham gia trả lời. Đó là: Trợ giá vật tư thiết yếu; Giảm thủ tục, lãi vay để tránh tín dụng đen; Giải pháp hạn chế dân bỏ ruộng đi buôn đất; Gỡ nút thắt xuất khẩu sang Trung Quốc; Thực hiện "ly nông bất ly hương"; Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long... Tất cả các vấn đề nông dân nêu ra đều được giải đáp thẳng thắng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, các vấn đề, nội dung thảo luận, trao đổi góp phần bổ sung căn cứ thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sông nông dân.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng bà con nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, vấn đề búc xúc, để có giải pháp phù hợp, kịp thời.
Trong khuôn khổ thời gian có hạn, còn nhiều vấn đề chưa được nêu và thảo luận tại Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng bà con nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, vấn đề búc xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hỗ trợ người nông dân toàn diện, thực chất, hiệu quả theo chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa nông dân với Thủ tướng Chính phủ; đồng thời yêu cầu chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân từng địa phương vào giữa hai kỳ đối thoại của Thủ ướng để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến từ cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google