Thu nhập của giáo viên 5 năm đầu có được 6 triệu đồng/ tháng?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc đang được quan tâm trong những ngày qua.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.
Cụ thể, cấp mầm non có 6.391 giáo viên nghỉ, chuyển việc; trong đó, công lập 2.503 giáo viên, ngoài công lập 3.888 giáo viên. Tiểu học có 4.493 giáo viên; trong đó, công lập 3.851, ngoài công lập 642. Trung học cơ sở có 3.425 giáo viên; công lập 3.110, ngoài công lập 315. Trung học phổ thông có 1.956 giáo viên; công lập 943, ngoài công lập 1.013.
Bộ trưởng còn cho biết thêm: "Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn".
Tuy nhiên, trên thực tế giáo viên công tác trong 5 năm đầu tổng thu nhập có được 6 triệu đồng/tháng hay không?
Lương giáo viên phải 10 năm mới có thể đạt ngưỡng 6 triệu đồng/tháng
Giáo viên hiện đang là viên chức và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước khi vào ngành được tính theo hệ số: trình độ trung cấp hệ số 1,88; trình độ cao đẳng hệ số 2,10; trình độ đại học hệ số 2,34. Năm đầu tiên được hưởng 85% lương. Theo Luật giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì chuẩn trình độ giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm, giáo viên phổ thông (từ tiểu học đến trung học phổ thông) là đại học.
Như vậy, chúng ta tạm lấy mốc giáo viên mầm non hiện nay là cao đẳng và giáo viên phổ thông hiện nay là đại học thì họ bắt đầu hưởng lương khi tuyển sinh là hệ số 2,10 và 2,34. Trong thời gian 5 năm đầu tiên chỉ có lương và phụ cấp đứng lớp từ 30-35 % (tùy cấp học) và phụ cấp thâm niên đến năm thứ 6 mới có.
Vì thế, thông tin giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng" là chưa sát thực tế.
Bởi lẽ, năm đầu tiên là tập sự, 3 năm tiếp theo là hưởng lương bậc 1, năm thứ 5 mới bắt đầu được hưởng lương bậc 2, hệ số 2,41 đối với giáo viên có trình độ cao đẳng và hệ số 2,67 đối với giáo viên có trình độ đại học.
Chính vì vậy, những giáo viên có trình độ đại học, đã công tác được 5 năm sẽ hưởng lương bậc 2, hệ số 2,67 và đang được tính như sau: 2,67 (hệ số)*1.490.000 (lương cơ sở) = 3.978.300 đồng* 30% (phụ cấp đứng lớp)= 1.193.490 đồng. Như vậy, chúng ta lấy 3.978.300+1.193.490 = 5.171.790 đồng.
Từ số tổng lương, phụ cấp là 5.171.790 đồng, kế toán nhà trường sẽ trừ đi số tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, công đoàn, đoàn thanh niên, đảng viên (14-15%) khoảng 724.050 đồng- 775.768 đồng thì giáo viên còn thực lĩnh là 4,5- 4,5 triệu đồng. Những giáo viên có trình trình độ cao đẳng còn thấp hơn.
Các trường học trừ thêm nhiều khoản khác như quỹ khuyến học, tang ma, quỹ do ủy ban nhân dân, sở, phòng, công đoàn giáo dục phát động hoặc những khoản ủng hộ phát sinh khi gặp hoạn nạn, thiên tai hàng năm.
Vì thế, lương giáo viên đạt ngưỡng 6 triệu đồng phải là những giáo viên có trình độ đại học đã được ký hợp đồng không xác định thời gian và có thâm niên khoảng trên dưới 10 năm công tác. Mức 5 năm công tác có khoản thu nhập hàng tháng là 6 triệu đồng còn xa lắm.
Giáo viên hy vọng lương cơ sở sẽ được tăng từ ngày 1/1/2023
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục đưa tin về việc Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhiều lần lên tiếng đề nghị về việc cấp bách tăng lương cơ sở và phụ cấp cho giáo viên, nhất là cấp mầm non, tiểu học vì thời gian qua đã có nhiều giáo viên nghỉ việc. Từ đó, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí phân công và thực hiện chương trình mới ở các nhà trường.
Cùng với đó là nỗi lòng mong ngóng, hy vọng của đội ngũ nhà giáo trên cả nước vì kể từ ngày 1/7/2019 cho đến nay, lương cơ sở đã đứng yên ở mức 1.490.000 đồng. Chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương cũng không thực hiện được và lương cơ sở cũng không thể điều chỉnh. Vì thế, nhiều thầy cô giáo gặp khó khăn, nhất là những giáo viên mới vào nghề.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là bước sang năm 2023. Hiện một bộ phận giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi giải quyết bài toán chi tiêu trong gia đình để có thể theo nghề.
Đội ngũ giáo viên hy vọng Quốc hội, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh về lương cơ sở ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2023 nhằm giảm bớt khó khăn cho hàng triệu nhà giáo đang giảng dạy, công tác ở các cơ sở giáo dục. Việc tăng lương cho giáo viên nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức nói chung trong những ngày đầu năm 2023 sẽ khích lệ họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là lúc ngành giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều những công việc mới mẻ, áp lực.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google