Thủ khoa Trường Đại học Luật Hà Nội Ngô Quỳnh Liên: Học vì công bằng cho người nghèo

Phương Mai - Quốc Huy
13:02 - 20/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chứng kiến những thiệt thòi, khổ cực của gia đình trong một cuộc tranh chấp pháp lý, Ngô Quỳnh Liên quyết tâm theo đuổi ngành Luật với mong muốn giúp đỡ, bảo vệ những người nghèo, người nông dân yếu thế như bố mẹ mình.

Thủ khoa Trường Đại học Luật Hà Nội Ngô Quỳnh Liên: Nỗ lực học để đòi lại công bằng cho người nghèo - Ảnh 1.

Quỳnh Liên nhận bằng khen trong Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc 2023 của thành phố Hà Nội Ảnh: NVCC

Ngô Quỳnh Liên (sinh năm 2001) là thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội với điểm trung bình toàn khóa 3,66/4,0. Đồng thời là một trong hơn 90 gương mặt được xướng tên tại chương trình Tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội năm 2023.

Mới đây, tân thủ khoa này đã nhận 2 thông báo trúng tuyển công chức vào Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp sau những vòng thi khốc liệt.

Hoàn cảnh khó khăn giúp suy nghĩ sâu sắc hơn

Quỳnh Liên sinh ra và lớn lên tại Hải Dương. Gia đình thuộc hộ nghèo, bố mẹ đều là nông dân. Sự quan tâm tới ngành luật của Liên xuất phát từ một biến cố lớn trong gia đình.

"Khi tôi còn nhỏ, gia đình đã vướng vào một cuộc tranh chấp pháp lý về đấu thầu nuôi thả cá. Chứng kiến bao vất vả, khổ cực, uất ức của bố mẹ khi theo đuổi sự việc ấy và rồi lại mất trắng bao công sức, đầu tư bỏ ra, tôi quyết tâm học ngành luật để tương lai giúp đỡ, bảo vệ những người nghèo, người nông dân yếu thế như bố mẹ mình", Quỳnh Liên bộc bạch.

Ngoài sự kiện đó, gia đình Liên còn gặp nhiều biến cố khác như muốn làm chùn bước của nữ sinh khi ấy trên con đường đến trường.

Thủ khoa Trường Đại học Luật Hà Nội Ngô Quỳnh Liên: Nỗ lực học để đòi lại công bằng cho người nghèo - Ảnh 2.

Thủ khoa Trường Đại học Luật Hà Nội Ngô Quỳnh Liên. Ảnh: NVCC

Quãng thời gian khó khăn nhất là vào năm 2014, bố Liên trải qua trận ốm nặng do mắc bệnh tim, lao và huyết áp. Mọi gánh nặng tài chính đều đè nặng lên đôi vai mẹ.

Hàng ngày, mẹ Liên đi xin cơm thừa ở các quán cơm và cắt cỏ đem về cho cá ăn. Sau đó lại tất bật với công việc dọn vệ sinh tại một khách sạn gần nhà. Vất vả là thế nhưng số tiền kiếm được mỗi tháng chỉ trên dưới 5 triệu đồng, không đủ chi phí sinh hoạt.

Xác định rằng, chỉ có học tập mới là con đường thoát nghèo bền vững nhất, bố mẹ luôn động viên và tạo động lực để Quỳnh Liên theo đuổi tri thức.

Kiên định với đam mê

Ngày nay, khi xã hội càng đề cao tinh thần "thượng tôn pháp luật", vai trò của kiến thức luật pháp càng được thể hiện rõ. Song, có quan niệm cho rằng, học Luật sau này ra trường rất khó xin việc.

Thủ khoa Trường Đại học Luật Hà Nội Ngô Quỳnh Liên: Nỗ lực học để đòi lại công bằng cho người nghèo - Ảnh 3.

Quỳnh Liên trong buổi trao thưởng khuyến học. Ảnh: NVCC

Theo nữ thủ khoa Quỳnh Liên, quan điểm đó đúng với những người không cố gắng. "Việc làm ngành luật rất rộng mở, xin được việc hay không tùy thuộc vào năng lực, trình độ, kỹ năng của mỗi người", Liên khẳng định: "Ngay từ đầu, tôi đã nghe nhiều người nhắc đến vấn đề ấy. Tôi xác định rõ mục tiêu sau này của mình từ lâu, nên bản thân kiên định và quyết theo đuổi đến cùng".

Về kinh nghiệm học tập, tân thủ khoa của Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, bản thân luôn tập trung cao độ và ưu tiên cho việc học ngay từ năm thứ nhất.

"Tôi ý thức rằng xuất phát điểm của mình không bằng nhiều bạn khác nên phải tranh thủ chạy nhanh, dồn toàn tâm cho hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức và trải nghiệm thực tiễn. Đa số các bạn khi lên đại học thường dành cho mình những khoảng thời gian thư giãn sau những ngày tháng ôn thi vất vả. Còn tôi thì không như vậy", Liên nói.

Trong 4 năm học đại học, nữ thủ khoa nhớ nhất khoảng thời gian phải học trực tuyến do dịch COVID-19 bùng phát. Quỳnh Liên cho rằng hình thức học trực tuyến khiến sự tương tác, trao đổi giữa giảng viên và sinh viên bị hạn chế. 

Để khắc phục điều này, Liên chú ý nghe giảng, hạn chế làm việc riêng và nhanh chóng ghi lại những thông tin quan trọng cần thiết. Sau mỗi bài giảng, nữ sinh đọc lại vở ghi và lên mạng nghiên cứu thêm các vụ việc thực tế.

Thủ khoa Trường Đại học Luật Hà Nội Ngô Quỳnh Liên: Nỗ lực học để đòi lại công bằng cho người nghèo - Ảnh 4.

Quỳnh Liên được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên. Ảnh: NVCC

Ngô Quỳnh Liên là tác giả của công trình khoa học "Vấn đề pháp lý về mô hình thông tin công trình trong hợp đồng xây dựng - Thực tiễn tại Anh, Hoa Kỳ và kiến nghị đối với Việt Nam" được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp. Đồng thời là tác giả của công trình khoa học "Bảo vệ bản quyền cho các nhà xuất bản, tổ chức báo chí trên mạng xã hội – Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam" được đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.

Bên cạnh đó, nữ sinh này đã đạt giấy khen đạt "thành tích xuất sắc trong hoạt động Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên niên khóa 2019 – 2023" do Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Luật Hà Nội; giấy khen đạt giải Nhất cấp trường cuộc thi "Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022" do Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội trao tặng...

Nhìn lại hành trình đã qua, tân thủ khoa Trường Đại học Luật Hà Nội không khỏi vui mừng, tự hào vì những nỗ lực của bản thân đã gặt hái được kết quả xứng đáng. Trên chặng đường tiếp theo, Quỳnh Liên biết mình phải tiếp tục cố gắng học tập, rèn luyện hơn nữa, không chỉ bởi nhận thức về xuất phát điểm của bản thân mà còn để vượt qua những định kiến.

"Xã hội giờ đây vẫn còn tồn tại định kiến về việc con gái học nhiều. Định kiến đó khiến giá trị về người phụ nữ bị sai lệch. Mỗi người phụ nữ khi trưởng thành sẽ tự định hướng cho mình một lối sống, một quan điểm, định hướng khác nhau.

Đối với tôi, việc theo đuổi con đường học hành vừa để nâng cao kiến thức, phẩm chất, năng lực cho bản thân, vừa để cống hiến những giá trị trong phạm vi có thể cho xã hội và đất nước. 

Việc học tập, trau dồi kiến thức trước hết là cho chính mình. Nếu vì những định kiến trên mà từ bỏ con đường học tập thì rất đáng tiếc" Ngô Quỳnh Liên chia sẻ.

Bình luận của bạn

Bình luận