Thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính ở các trường đại học công lập tại Việt Nam

Đào Thị Thu Hương (Trường Đại học Lao động - Xã hội)
06:00 - 12/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong những năm gần đây, việc thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá trong học tập, thi cử và giảng dạy được quan tâm đến nhiều như việc tuyển sinh đại học bằng phương pháp trắc nghiệm, việc thi cử các môn học ở các cấp học cũng dần chuyển sang hình thức trắc nghiệm.

Khái quát về hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính

Kiểm tra đánh giá là khâu quan trọng của quá trình dạy học, có tác động mạnh và hiệu quả đến sự thay đổi trong quy trình đào tạo ở bậc đại học. Khi kiểm tra đánh giá được xây dựng trên cơ sở khoa học, đảm bảo các nguyên tắc nhất định thì sẽ kéo theo sự thay đổi về chất và lượng của chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, phương pháp dạy học… Kiểm tra đánh giá có thể thực hiện theo nhiều hình thức nhưng cần đảm bảo các cấp độ như nhớ, hiểu, vận dụng và cao hơn nữa là phân tích, tổng hợp, đánh giá.

B. S. Bloom [1] và những người cộng tác đã xây dựng nên các cấp độ của các muc tiêu giáo dục (thường được gọi là cách phân loại Bloom), trong đó lĩnh vực nhận thức được chia thành các mức độ hành vi từ đơn giản đến phức tạp nhất định như sau: 

(1). Nhớ (Knowledge): được định nghĩa là sự nhớ lại các dữ liệu đã học được trước đây. Điều đó có nghĩa là một người có thể nhắc lại một loạt dữ liệu, từ các sự kiện đơn giản đến các lý. thuyết phức tạp, tái hiện trong trí nhớ những thông tin cần thiết. Đây là cấp độ thấp nhất của kết quả học tập trong lĩnh vực nhận thức; 

(2). Hiểu (Comprehention): được định nghĩa là khả năng nắm được ý nghĩa của tài liệu. Điều đó có thể thể hiện bằng việc chuyển tài liệu từ dạng này sang dạng khác (từ các từ sang số liệu), bằng cách giải thích tài liệu (giải thích hoặc tóm tắt) và bằng cách ước lượng xu hướng tương lai (dự báo các hệ quả hoặc ảnh hưởng). Kết quả học tập ở cấp độ này cao hơn so với nhớ, và là mức thấp nhất của việc thấu hiểu sự vật; 

(3). Áp dụng (Application): được định nghĩa là khả năng sử dụng các tài liệu đã học vào một hoàn cảnh cụ thể mới. Điều đó có thể bao gồm việc áp dụng các quy tắc, phương pháp, khái niệm, nguyên lý, định luật và lý thuyết. Kết quả học tập trong lĩnh vực này đòi hỏi cấp độ thấu hiểu cao hơn so với cấp độ hiểu trên đây; 

(4). Phân tích (Analysis): được định nghĩa là khả năng phân chia một tài liệu ra thành các phần của nó sao cho có thể hiểu được các cấu trúc tổ chức của nó. Điều đó có thể bao gồm việc chỉ ra đúng các bộ phận, phân tích mối quan hệ giữa các bộ phận, và nhận biết được các nguyên lý tổ chức được bao hàm. Kết quả học tập ở đây thể hiện một mức độ trí tuệ cao hơn so với mức hiểu và áp dụng vì nó đòi hỏi một sự thấu hiểu cả nội dung và hình thái cấu trúc của tài liệu; 

(5). Tổng hợp (Syntheis): được định nghĩa là khả năng sắp xếp các bộ phận lại với nhau để hình thành một tổng thể mới. Điều đó có thể bao gồm việc tạo ra một cuộc giao tiếp đơn nhất (chủ đề hoặc bài phát biểu), một kế hoạch hành động (dự án nghiên cứu), hoặc một mạng lưới các quan hệ trừu tượng (sơ đồ phân lớp thông tin). Kết quả học tập trong lĩnh vực này nhấn mạnh các hành vi sáng tạo, đặc biệt tập trung chủ yếu vào việc hình thành các mô hình hoặc cấu trúc mới; 

(6). Đánh giá (Evaluation): là khả năng xác định giá trị của tài liệu (tuyên bố, tiểu thuyết, thơ, báo cáo nghiên cứu). Việc đánh giá dựa trên các tiêu chí nhất định. Đó có thể là các tiêu chí bên trong (cách tổ chức) hoặc các tiêu chí bên ngoài (phù hợp với mục đích), và người đánh giá phải tự xác định hoặc được cung cấp các tiêu chí. Kết quả học tập trong lĩnh vực này là cao nhất trong các cấp bậc nhân thức vì nó chứa các yếu tố của mọi cấp bậc khác. Các công cụ đánh giá có hiệu quả phải giúp xác định được kết quả học tập ở mọi cấp độ nói trên để đưa ra một nhận định chính xác về năng lực của người được đánh giá về chuyên môn liên quan.

Trong những năm gần đây, việc thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá trong học tập, thi cử và giảng dạy được quan tâm đến nhiều như việc tuyển sinh đại học bằng phương pháp trắc nghiệm, việc thi cử các môn học ở các cấp học cũng dần chuyển sang hình thức trắc nghiệm. Trong lĩnh vực giáo dục, thường dùng chữ "trắc nghiệm thành quả học tập" hay "trắc nghiệm thành tích". Trong trường học, từ "trắc nghiệm" được dùng như là một hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Tại Việt Nam, các tài liệu thường ghi "trắc nghiệm khách quan", không phải hiểu theo nghĩa đối lập với một đo lường chủ quan nào, mà nên hiểu là hình thức kiểm tra này có tính khách quan cao hơn cách kiểm tra, đánh giá bằng luận đề chẳng hạn [2].

Có nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn học của sinh viên, trong đó hình thức trắc nghiệm đóng vai trò rất quan trọng. Theo các nhà giáo dục, trắc nghiệm trong giáo dục là một phương pháp nhằm để thăm dò một số đặc điểm năng lực trí tuệ của người học hoặc để kiểm tra, đánh giá một số kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của người học. Theo giáo sư Trần Bá Hoành [3] , "Test" có thể được tạm dịch là phương pháp trắc nghiệm, là hình thức đặc biệt để thăm dò một số đặc điểm về năng lực, trí tuệ của học sinh hoặc để kiểm tra một số kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của học sinh thuộc một chương trình nhất định. Trong quá trình giảng dạy, có thể dùng nhiều phương pháp kỹ thuật trắc nghiệm khác nhau để đánh giá sự phát triển của sinh viên như: phương pháp quan sát, phương pháp vấn đáp và phương pháp viết. Trong hai hình thức này thì hình thức trắc nghiệm viết được sử dụng phổ biến nhất. Sử dụng hình thức trắc nghiệm viết cho phép giảng viên có thể kiểm tra cùng một lúc toàn bộ sinh viên trong lớp và kiểm tra được năng lực trí tuệ của sinh viết. Trong phương pháp viết, có thể chia thành 2 dạng: trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan. Trắc nghiệm khách quan: Là dạng trắc nghiệm trong đó mỗi câu hỏi kèm theo câu trả lời sẵn. Loại câu hỏi này cung cấp cho sinh viên một phần hay tất cả thông. tin cần thiết và đòi hỏi sinh viên phải chọn một hay nhiều giải pháp trả lời đúng nhất. Loại câu hỏi này được gọi là trắc nghiệm khách quan vì chúng đảm bảo tính khách quan, chính xác, ổn định và không phụ thuộc vào người chấm; đồng thời nó cho phép đánh giá được toàn bộ những khả năng của người học theo sự phân loại của Benjamin BLOOM. Bài trắc nghiệm khách quan thường có số câu hỏi nhiều hơn bài tự luận.

Trắc nghiệm khách quan là loại trắc nghiệm trong đó có nhiều câu trả lời được cung cấp cho mỗi câu hỏi nhưng chỉ có một câu trả lời đúng hoặc câu trả lời tốt nhất. Loại trắc nghiệm này được gọi là khách quan vì nó đảm bảo tính khách quan trong chấm thi, kết quả chấm thi sẽ như nhau không phụ thuộc vào ý kiến đánh giá của người chấm. Với hình thức trắc nghiệm này, đề kiểm tra sẽ bao trùm toàn bộ nội dung môn học, hình thức các câu hỏi trắc nghiệm sẽ phong phú, đa dạng. Đồng thời cho phép giảng viên phân loại trình độ của sinh viên khá cao và tránh được hiện tượng học lệch, học tủ trong sinh viên.

Trắc nghiệm khách quan có một số dạng sau: 

(1) Dạng câu hỏi đúng, sai: Đây là dạng câu hỏi được cho trước bằng một câu dẫn xác định đòi hỏi sinh viên phải trả lời câu hỏi đó đúng hay sai. Dạng câu hỏi này đòi hỏi câu trả lời ngắn gọn, đồng thời buộc sinh viên phải suy nghĩ, nhớ lại kiến thức đã học trên lớp, trong sách; phân tích các câu trả lời và có cân nhắc mới đưa ra được câu trả lời đúng. 

(2) Dạng câu hỏi có nhiều sự lựa chọn: Đây là dạng câu hỏi phổ biến nhất. Ở dạng này, câu trả lời đúng được chọn từ nhiều phương án lựa chọn do đó làm giảm nhiều yếu tố đoán mò, yếu tố may rủi của sinh viên, đồng thời, dạng câu hỏi lựa chọn sẽ kích thích sinh viên phải suy nghĩ nhiều hơn và tạo điều kiện để giảng viên đánh giá đúng trình độ của sinh viên rõ ràng hơn. 

(3) Dạng câu điền khuyết: Đây là dạng câu hỏi yêu cầu sinh viên phải điền 1 hoặc một số từ cho một câu hỏi trực tiếp hay một nhận định chưa đầy đủ. 

(4) Dạng câu hỏi không quy định cụ thể số lượng câu trả lời: Đây là dạng câu hỏi mà số lượng câu trả lời tăng lên và không có sự quy định cụ thể số lượng câu trả lời là bao nhiêu.

Thi trắc nghiệm trên giấy thực ra chưa phải là trắc nghiệm khách quan vì còn nhiều công đoạn từ người soạn đề đến người thi phải thông qua nhiều người khác. Thi trắc nghiệm bằng phần mềm máy tính chỉ cần 3 công việc sau: xây dựng ngân hàng đề thi quét hết tất cả các kiến thức cần kiểm tra (chuyên gia), chọn số lượng câu hỏi thi cho phù hợp với thời gian thi (người ra đề và người duyệt đề thi) – không phải chọn các bộ đề thi cụ thể như thi trên giấy và như vậy chỉ có người thi là biết đề của mình khi bắt đầu thi, in kết quả thi (người quản lí) – không phải ráp phách. Như vậy thi trắc nghiệm trên máy thực sự là trắc nghiệm khách quan vì chương trình máy tính đã tự động chọn ra ngẫu nhiên (ngẫu nhiên câu hỏi và câu trả lời) một bộ đề thi (mỗi người dự thi có một đề thi riêng) cho thí sinh thực hiện thi trong thời gian quy định, tự động lưu kết quả vào một tập tin và tự động mã hóa dữ liệu. Như vậy không ai có thể can thiệp vào đề thi và kết quả thi của thí sinh. Trắc nghiệm bằng phần mềm máy tính là khách quan nhất, chính xác nhất, nhanh nhất và rẻ nhất.

Những lợi ích mà hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính đem lại

Lợi ích đầu tiên mà hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính này đem lại là hạn chế tiêu cực, gian lận thi cử. Sinh viên không thể học tủ, học lệch, không thể xin xỏ, nhờ cậy sự giúp đỡ từ thầy cô giáo hoặc người thân. Với ngân hàng đề thi lớn, mỗi học sinh thực hiện trên một máy. Sinh viên sẽ không còn cơ hội trao đổi hay xem tài liệu mà phải dựa vào năng lực và kiến thức bản thân, do đó kết quả thi phản ánh một cách chính xác lực học của mỗi người. Tương tự người học, giáo viên cũng không thể khoanh vùng, bỏ tiết, không thể dạy thiếu chương trình, không thể thiên vị, ưu tiên làm mất công bằng xã hội. Tất cả đều khách quan và công bằng.

Đối với giáo viên, việc sử dụng hệ thống trắc nghiệm trực tuyến trong dạy học là vô cùng có lợi.

Khâu ra đề, chấm thi, đánh giá đã có máy móc làm hộ, rất khách quan và công bằng, khối lượng và áp lực công việc giảm đi nhiều, quỹ thời gian rỗi tăng lên, giáo viên có điều kiện hơn trong nghiên cứu khoa học và học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Sinh viên vì thế cũng không kêu ca phàn nàn, không khiếu nại thắc mắc về các vấn đề liên quan đến nội dung dạy hoặc đề thi. Hơn nữa, phần mềm tạo đề thi trắc nghiệm trên máy tính còn cho lưu trữ kho đề thi khổng lồ với hàng trăm, hàng nghìn câu hỏi. Bạn không phải bỏ thêm chi phí lưu trữ, bảo vệ hay in ấn đề thi cho mỗi kỳ thi. Đây được coi là lợi ích thứ hai mà hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính đem lại: nâng cao chất lượng giáo dục.

Khi áp dụng hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến cho các kỳ thi trong nhà trường, sinh viên hiểu rõ rằng mình đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc học tập thật tốt. Hình thức thi này sẽ xóa đi tâm lý chủ quan, ỷ lại của một số bộ phận sinh viên trong trường. Thi trắc nghiệm trực tuyến không hề ảnh hưởng đến cách dạy và học của sinh viên mà nó luyện cho sinh viên phản xạ nhanh hơn, tìm được cách tối ưu hóa cho mọi vấn đề bằng cách rút ngắn thời gian giải quyết vì mỗi câu hỏi chỉ có một đáp án đúng. Thực tế, trong các các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Như vậy áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính sẽ giúp sinh viên học tập chăm chỉ hơn.

Sử dụng hệ thống trắc nghiệm trực tuyến, mọi thông tin và dữ liệu đều có ở trên máy tính, nhà trường sẽ bớt đi khoản kinh phí cho việc in đề thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, không tốn thời gian và công sức cho việc chấm thi. Mọi thao tác diễn ra một cách nhanh chóng và tự động trên máy tính với cú click chuột. Sinh viên sẽ có ngay kết quả thi mà không cần phải chờ đợi, chính xác đến 100% nên không xảy ra tình trạng khiếu nại trong thi cử. Với hình thức thi này chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian và kinh phí cho nhà trường và xã hội. Nền tảng thi trắc nghiệm trực tuyến có thể giúp cơ sở giáo dục, tổ chức và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về lâu dài. Chỉ cần bỏ ra một khoản phí nhỏ ban đầu để xây dựng phần mềm thi trắc nghiệm online. Các tổ chức sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí về giấy tờ, mực in, công tác nghiên cứu đề thi, thẩm định đề thi, trông coi thi và chấm đề thi như trước đây. Công nghệ hiện đại sẽ giúp chúng ta tiết kiệm tài nguyên và nguồn lực một cách hiệu quả nhất.

Chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm cho hầu hết các môn học từ năm 2017 là một bước đột phá trong thi cử để thi hành Nghị quyết 29, đáp ứng xu thế thời đại hiện nay khi kiểm tra, đánh giá trên máy tính dần phổ biến trong thời đại số. Bởi thế, việc áp dụng phần mềm tạo đề thi trắc nghiệm trên máy tính trong việc tạo đề và tổ chức thi sẽ giúp giáo viên cập nhật xu hướng giáo dục ngày nay. Hơn nữa, tổ chức thi trắc nghiệm bằng phần mềm trực tuyến sẽ giúp học sinh làm quen với hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến khách quan. Từ đó có đủ kinh nghiệm và sự quen thuộc khi tham gia các kỳ thi theo hình thức trực tuyến. Phần mềm tạo đề thi trắc nghiệm trên máy tính giúp người dùng có thể soạn sẵn ngân hàng đề thi cho nhiều lĩnh vực, bộ môn khác nhau. Ngân hàng câu hỏi này sẽ lưu trữ các câu hỏi thuộc các cấp độ: nhận biết - thông hiểu - vận dụng thấp - vận dụng cao. Khi cần biên soạn một đề kiểm tra, bạn chỉ cần chèn cấu trúc đề thi, hệ thống sẽ tự động bóc tự động các câu hỏi theo cấu trúc có sẵn. Nên bạn sẽ không mất nhiều thời gian soạn từng câu hỏi và đáp án mà vẫn có một đề thi chất lượng.

Giờ giấc rõ ràng chặt chẽ: trên phần mềm sẽ có đồng hồ điện tử đếm ngược đã định sẵn. Dựa vào đó học sinh có thể tự căn chỉnh và phân bổ thời gian dựa trên số lượng câu hỏi trong quá trình làm bài. Hơn nữa việc có đồng hồ đếm ngược như vậy cũng đảm bảo tính khách quan của bài thi vì khi hết giờ làm bài thi tự động kết thúc và thí sinh không được dự thi nữa. 

Thực hiện bài thi với thao tác đơn giản: Không cần phải dùng đến giấy, bút trong suốt bài thi, kiểm tra trắc nghiệm online chỉ cần học sinh thực hiện bằng cú click chuột đơn giản là đã có thể chọn đáp án. Việc chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sử dụng máy tính thuận lợi và dễ dàng hơn trong quá trình ôn tập. Từ khi có phần mềm luyện thi, học sinh không cần đến các lớp luyện thi nữa mà chỉ cần có máy tính điện tử hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng là có thể ôn tập trực tiếp và không cần phải đi lại quá nhiều. Học sinh sẽ chủ động ôn thi trực tiếp trên mạng đối với các môn không có trong kỳ thi mình chọn. Đối với những tài liệu ôn thi quan trọng ngoài việc đến các trung tâm luyện thi các em có thể củng cố kiến thức tại nhà bằng phần mềm thi trắc nghiệm online.

Đánh giá sự hài lòng của sinh viên trong việc trải nghiệm hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính

Thực hiện khảo sát lấy ý kiến sinh viên ở một nhóm các trường đại học công lập. Đứng trước câu hỏi: " Trường bạn đã áp dụng thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính chưa?", 90% số sinh viên khẳng định trường mình đã áp dụng rồi. Trong đó có 35% số ý kiến chia sẻ rằng trường họ áp dụng hình thức thi này trong tất cả các môn học, 50% số ý kiến nói rằng trường họ áp dụng hình thức này với đa phần các môn học, chỉ có một số ít còn lại nói rằng trường họ mới chỉ áp dụng hình thức này với một số nhỏ môn học. Khi được hỏi về việc: " Hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính được áp dụng tại trường bạn từ bao giờ?", 70% số sinh viên tham gia khảo sát khẳng định hình thức thi này đuợc áp dụng trong và sau thời gian học trực tuyến do đại dịch Covid 19.

Cũng trong cuộc khảo sát này, kết quả cho thấy có 53% số sinh viên thấy hứng khởi và hài lòng với hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính hơn so với hình thức thi truyền thống trước đây.

Thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính ở các trường đại học công lập tại Việt Nam - Ảnh 1.

Đa phần các sinh viên đồng ý rằng việc thi cử trắc nghiệm khách quan trên máy tính khiến họ phải tập trung vào việc học nhiều hơn ( 54,5%). Lý do mà họ đưa ra chủ yếu là do: ngân hàng thi trải rộng khắp chương trình học, nhiều câu bài tập tính toán đòi hỏi kỹ năng làm bài phải nhanh và chính xác. Các sinh viên cũng chia sẻ rằng do thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan nên những giờ học trên lớp của họ cũng thú vị hơn ( 57,1%) do giáo viên áp dụng đa dạng các hình thức giảng dạy và cách thức hướng dẫn sinh viên tiếp cận kiến thức. Có tới 61% số sinh viên cho rằng họ đã cải thiện được khả năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu và lên kế hoạch học tập khi đối diện với hình thức thi cử này.

Đối diện với câu hỏi: "Bạn có từng gian lận thi cử trong khi thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính không?". 58.63% số sinh viên khẳng định là không thể thực hiện gian lận được bởi thời gian làm bài làm bài trôi rất nhanh, nếu thực hiện thao tác gian lận thi cử thì sẽ khó có thể kịp làm hết bài chưa kể nhiều phần mềm thi cử có cài đặt ứng dụng giám sát - dễ dàng phát hiện ra họ đang thực hiện thao tác gian lận. 62% số sinh viên tỏ ra hài lòng với việc thi cử trắc nghiệm khách quan trên máy tính khiến họ không bị làm phiền bởi những tiếng trao đổi của xung quanh giống như khi thi truyền thống. Điều này có được bởi các máy tính trong phòng thi được bố trí theo các khoang có vách ngăn, các cá nhân được ngăn với những người bên cạnh để hạn chế sự trao đổi. 63.34% số sinh viên nhận định rằng thao tác thực hiện trên các phần mềm máy tính phục vụ việc thi cử tương đối đơn giản, dễ thực hiện. Cũng có ý kiến phàn nàn rằng hệ thống máy tính trường của họ vẫn còn khá đơn giản, chưa hiện đại hoặc đôi khi trong phòng thi họ vẫn gặp những máy tính bị hỏng hoặc bị lỗi - làm ảnh hưởng đến tâm lý thii cử của họ. 73% số sinh viên tỏ ra hài lòng và xếp việc sau khi thi xong họ biết được kết qủa thi ngay - là nội dung mà họ hài lòng nhất. Đa phần các sinh viên cho rằng việc biết được ngay kết quả sau khi thi xong giúp họ giảm bớt cảm giác lo lắng và nhanh chóng xây dựng được kế hoạch học tập trong thời gian sau khi thi. 56.12% số sinh viên nhận định rằng để máy tính tự chấm kết quả thi cho sinh viên cũng có nghĩa là sự công bằng, chính xác được nâng cao. Các sinh viên sẽ không phải băn khoăn về việc giáo viên có chấm đúng bài thi cho mình hay không, liệu có thiếu xót nào đối với bài thi của họ hoặc bất kỳ một sự hy vọng hão huyền vào việc mình bị chấm nhầm điểm.

Khi được hỏi: "Các bạn có cảm thấy việc thi cử trắc nghiệm khách quan trên máy tính sẽ giúp mình tiết kiệm được thời gian và tiền bạc không", 80% số sinh viên phản hồi là có, họ thấy vui vẻ và phấn khởi hơn vì nhà trường thu tiền phí dự thi rẻ hơn ro với những lần thi truyền thống trước đây. Họ nhận định rằng có thể nhà trường không cần phải in nhiều tờ giấy thi, trả phí cho người chấm thi, lưu trữ bài thi. Với sinh viên thì tất cả những khoản tiền tiết kiệm được từ việc trả học phí hay lệ phí học tập đều làm cho họ hài lòng hơn với việc học tập tại trường đại học. 47.8% số sinh viên nhận định rằng do các ca thi được tổ chức liên tục trong ngày, nên thời gian tổ chức kỳ thi của họ dường như là ngắn hơn so với trước đây. 70% số sinh viên tỏ ra rất hài lòng với việc khi thi trượt môn, họ được đăng ký thi lại đến 2 lần ngay sau kỳ thi chính. Trước đây theo quy định đào tạo tín chỉ của nhiều trường đại học công lập, sinh viên nếu thi trượt bắt buộc phải học lại môn đó- chứ không được thi lại. Các sinh viên khẳng định việc nộp phí thi lại rõ ràng là rẻ hơn nhiều so với phí học lại.

Thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính cũng khiến sinh viên bớt đi khoảng thời gian chết trong phòng thi như thời gian chờ phát đề, thời gian ký giấy tờ, thời gian nộp bài… Mọi thao tác đều được thực hiện qua những cái click chuột trên máy tính. 55% số sinh viên hài lòng với việc tham gia thi theo hình thức này khiến họ cảm thấy sự chuyên nghiệp trong tổ chức của trường đại học. 60% số sinh viên cảm thấy hài lòng vì mình đang theo kịp xu hường giáo dục của thế giới, mình đang được tham gia vào các kỳ thi được tổ chức giống như các bạn sinh viên toàn cầu. Nhiều sinh viên cảm thấy thoải mái hơn khi đối diện với việc thi cử, không giống như tâm trạng nặng nề lo âu khi bước vào các kỳ thi theo kiểu truyền thống.

Khi trao đổi về kết quả thu được của các môn học sau khi tham dự kỳ thi trắc nghiêm khách quan trên máy tính. 58% số sinh viên nhận định rằng thành tích thi cử của họ dường như cao hơn so với cách thức thi cử theo kiểu truyền thống. Theo họ mặc dù tuỳ vào đề thi từng môn nhưng nhìn chung số điểm quá kém trong các ca thi là không nhiều. Theo thống kê của nhiều trường đại học thì kết quả học tập của sinh viên trong những năm áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính là tốt hơn so, khả quan hơn. Các sinh viên còn cho rằng do đề thi có kiến thức phân loại, trải đều khắp các nội dung kiến thức, các khía cạnh môn học nên sinh viên không thể học tủ hoặc chỉ học những phần mình thích, dễ hiểu - thay vào đó họ phải nắm được tất cả các vấn đề cơ bản.

Có một điều nữa đem lại sự hài lòng của sinh viên đối với hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính đó là họ được thực hiện các thao tác tin học nhiều hơn, được hướng dẫn sử dụng các phầm mềm máy tính nhiều hơn do đó kỹ năng máy tính và trình độ tin học của họ được nâng cao hơn. Các sinh viên khẳng định rằng họ không chỉ thực hiện thao tác máy tính mỗi lúc thi cử mà trong quá trìng học, họ thường được giáo viên cho tiếp cận và tham gia học tập trên các phần mềm ứng dụng thi trắc nghiệm. Ngoài ra nhà trường cũng định kỳ tổ chức các hội thảo, buổi tập huấn để hướng dẫn cho sinh viên được tiếp cận và biết cách thực hiện các thao tác máy tính phục vụ cho việc học tập và thi cử trên các phần mềm tin học.

Kết luận

Hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội hơn so với hình thức thi truyền thống trước đây. Có thể kể đến những ưu điểm chính như: tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho các trường đại học, nâng cao chất lượng giáo dục như giáo viên tập chung nâng cao chuyên môn hơn, học sinh chăm chỉ hơn. Sau khi triển khai hình thức thi cử này rộng rãi, các sinh viên tại các trường đại học nói chung và các trường đại học công lập nói riêng cũng tỏ ra hài lòng và phấn khởi hơn. Áp lực thi cử giảm sẽ khiến các sinh viên thoải mái học tập và muốn gắn bó với trường lớp cũng như hợp tác với giáo viên hơn trong quá trình học.

Tuy nhiên không thể phủ nhận bên cạnh những ưu điểm thì hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính còn có những yếu điểm cần khắc phục như: sinh viên chỉ rèn trí nhớ chứ không rèn tư duy, một số sinh viên chọn bừa nhưng kết quả may mắn vẫn đạt, cấu trúc đề thi quá dễ khi đáp án có tính loại trừ… Kết quả khảo sát cho thấy số sinh viên hài lòng với hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính là cao. Điều đó cho thấy sự đổi mới này của bộ giáo dục và các trường đại học là hoàn toàn đúng hướng và cần tiếp tục được nhân rộng, hoàn thiện hơn trong giai đoạn tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bloom B. S. (1956), Taxonomy of Educational Objectives, Handbook I: The Cognitive Domain. NewYork: David McKay Co Inc.

2. Huỳnh Thị Minh Hằng (2012), Phân tích và đánh gía bài trắc nghiệm khách quan môn Hoá hữu cơ ở Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Trần Bá Hoành (1995), Đánh giá trong giáo dục, Tài liệu dùng cho các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm Hà Nội.

4. David, B, G. (1999), Motivating students. University of California, Berkeley.

5. Dương Thiệu Tống (1998), Trắc nghiệm tiêu chí (Trắc nghiệm và đo lường thành quả học tập, tập II) - (Phương pháp thực hành), Nxb Giáo dục, Hà Nội

6. Anderson, L. W. & Krathwohl, D. R., (2001), Phân loại tư duy cho việc dạy, học và đánh giá. New York: Longman.