Thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025 theo phương án nào?

Phan Anh
11:26 - 17/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Với phương án thi tốt nghiệp từ 2025, nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông đề xuất, học sinh học chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông chỉ nên dự thi 02 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và 02 môn lựa chọn trong số các môn đã học ở lớp 12 là phù hợp.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025 theo phương án nào? - Ảnh 1.

Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm luôn thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Ảnh: Lam Linh

Kì thi tốt nghiệp gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn của các địa phương

Vào thời điểm tháng 3/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 xin ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân.

Sau ngày 17/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phân tích, đánh giá các góp ý của toàn xã hội để hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, dự kiến đầu năm học 2023-2024 sẽ ban hành.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ một số thông tin với truyền thông rằng, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, về cơ bản kế thừa được phương thức và cách thức tổ chức thi như hiện nay. Kì thi bảo đảm tính đồng bộ về độ tin cậy của kết quả đánh giá để các bên liên quan có thể khai thác, sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Phương thức tổ chức thi chung đề, chung đợt đối với cả môn học bắt buộc và môn học lựa chọn trên phạm vi rộng và cho học sinh tự quyết định chọn môn học để dự thi tốt nghiệp trong các môn học lựa chọn ở trường phổ thông, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn của học sinh.

Trong văn bản của Chính phủ gửi Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền Thủ tướng ký ngày 4/8 cho biết: "Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để phát huy các ưu điểm của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp tổ chức để công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng đánh giá đúng năng lực người học, công bằng, công khai, minh bạch, gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn của các địa phương".

Phương án nào khả thi cho kì thi tốt nghiệp từ năm 2025?

Nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông đề xuất, học sinh học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông chỉ nên dự thi 02 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và 02 môn lựa chọn trong số các môn đã học ở lớp 12 là phù hợp.

Môn học lựa chọn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Sinh học; Hóa học; Tin học; Công nghệ; Âm nhạc; Mỹ thuật.

Theo các thầy cô giáo, phương án này có ưu điểm như sau: Thứ nhất, công tác tổ chức thi và việc dự thi của thí sinh gọn nhẹ, giảm tốn kém (để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông mỗi thí sinh có thể chỉ dự thi trong 1,5 ngày cho 04 môn thi).

Thứ hai, bảo đảm cân bằng trong việc chọn tổ hợp các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội giữa các thí sinh xét tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, bảo đảm bình đẳng về đánh giá kết quả học tập giữa thí sinh học giáo dục phổ thông và thí sinh giáo dục thường xuyên.

Tuy vậy, các giáo viên cũng có đôi điều băn khoăn, đó là nếu chọn phương án này thì tác động của việc tổ chức kỳ thi đối với quá trình dạy học ở cấp trung học phổ thông ít nhiều còn hạn chế nhất là đối với môn Ngoại ngữ, Lịch sử.

Muốn vậy, các nhà trường trung học phổ thông cần thay đổi phương pháp giảng dạy môn Ngoại ngữ (chủ yếu môn Tiếng Anh) và môn Lịch sử để cải thiện chất lượng học tập của học sinh.

Đối với môn Tiếng Anh, học sinh cần phải nghe, nói được với người bản ngữ, người sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp chứ không chỉ chăm chăm vào luyện ngữ pháp, từ vựng… phục vụ cho việc thi cử.

Thực tiễn dạy học cho thấy, nhiều học sinh không thích giờ tiếng Anh vì giáo viên phát âm sai, học sinh không có cơ hội giao tiếp, ngữ pháp nặng nề. Tiếng Anh trở thành một nỗi ám ảnh từ trường về nhà với nhiều thế hệ học sinh và không đạt được kết quả mong muốn.

Đối với môn Lịch sử, hiện nay học sinh thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm, nghĩa là các em phải ôn theo chiều rộng, ghi nhớ quá nhiều sự kiện khiến việc học nặng nề, nhàm chán.

Thay vào đó, giáo viên cần việc vận dụng một cách hợp lý kiến thức văn học vào dạy lịch sử sẽ làm cho giờ học bộ môn này hay hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn, cuốn hút học sinh hơn.

Hoặc nhà trường cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm hàng năm, học sinh được chụp ảnh tư liệu, ghi chép lại lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, phỏng vấn những người hiểu biết về địa danh đó. Những sản phẩm này thay cho bài kiểm kiểm tra thì học sinh sẽ ham thích học môn Lịch sử hơn.