Thí sinh thi vào lớp 10: Bớt bận tâm với môn vừa thi, nên tập trung cho môn chưa thi

Thành Phúc
13:30 - 10/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 10/6, thí sinh tại Hà Nội đã hoàn thành bài thi môn đầu tiên là Ngữ văn. Kì thi cạnh tranh khốc liệt này vẫn đang nhận được sự quan tâm của độc giả bởi chỉ có 55,7 % thí sinh giành được suất học công lập.

Ngoài việc nắm vững các kiến thức môn học, thí sinh cũng cần có rất nhiều kĩ năng tiếp cận đề, phân tích, làm bài để có một bài thi tốt nhất có thể. 

Tuy nhiên, thí sinh cũng cần tránh sa vào việc không đáng có, đó là thói quen thi xong môn nào sẽ dò tìm đáp án môn đó nên nhiều khi ảnh hưởng đến các bài thi còn lại.

Chính vì thế, không chỉ thí sinh ở Hà Nội mà thí sinh ở các địa phương khác cũng cần chú ý để không bị chi phối tâm lý, phải suy nghĩ quá nhiều cho bài thi mà mình vừa thực hiện xong. Bởi nếu làm như vậy không chỉ mất thời gian mà có thể còn làm cho tinh thần của mình phải nghĩ ngợi thêm (nếu bài làm không tốt).

Thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 sáng 10/6 tại Hà Nội được tình nguyện viên chăm sóc tặng nước uống và quạt mát. Ảnh: Lan Hương

Thi xong môn nào hãy gác môn đó sang một bên

Kỳ thi tuyển sinh 10 đang được các địa phương tổ chức đa phần các trường trung học phổ thông không chuyên sẽ thi 3 môn, các thí sinh thi vào các trường chuyên sẽ có thêm môn thứ tư. Thời gian làm bài tương đối nhiều, môn Toán và Ngữ văn có 120 phút, môn chuyên 150 phút nhưng kể cả thời gian chờ đợi nên thí sinh phải ngồi trong phòng thi liên tục 3-4 tiếng đồng hồ - đây là quãng thời gian rất căng thẳng, áp lực và ảnh hưởng  trực tiếp đến sức khỏe của thí sinh.

Dù mỗi kỳ thi chỉ diễn ra trong 2-3 ngày nhưng trước đó các thí sinh phải chuẩn bị trong nhiều tháng trời với cường độ học tập rất lớn. Bởi vì, kiến thức các môn thi thường rất nặng nề, mênh mông nhưng đề thi chỉ có một vài đơn vị kiến thức mà thôi.

Có thí sinh thi gặp trúng đề mà mình đã nắm chắc, nắm kỹ nên làm bài khá tốt. Song, cũng sẽ có những em sẽ gặp đề thi mà phần kiến thức đó mình nắm chưa tốt nên làm bài cũng có một số hạn chế, hoặc chưa làm hết các câu hỏi của đề thi.

Vì thế, sau khi môn thi kết thúc sẽ có những em dao động, nghĩ suy nhiều. Một số em còn băn khoăn nên nhanh chóng tra google.com để tìm đáp án và so sánh với bài làm của mình. Hiện nay, sau mỗi môn thi tuyển sinh 10 của bất kể địa phương nào là lập tức sẽ có nhiều trang trực tuyến giải đề thi.

Nhưng, việc tra đáp án ngay sau khi môn thi vừa kết thúc mà kỳ thi đang còn các môn thi khác nữa như một con dao 2 lưỡi. Nếu thí sinh làm đúng, trùng với đáp án thì sẽ  mừng rỡ, lạc quan, phấn chấn nhưng nếu sai sẽ khiến cho thí sinh suy sụp tinh thần đối với các môn còn lại.

Bởi lẽ, áp lực tỉ lệ chọi cao, sau khi xem đáp án thấy mình sai một vài câu sẽ tự biết mình sẽ bị trừ bao nhiêu điểm vì thang điểm đã thể hiện rõ từng câu trên đề thi rồi. Vậy nên, điều tốt nhất là sau khi thi môn nào, thí sinh hãy gác lại môn đó sang một bên, sau khi kết thúc kỳ thi hãy xem lại chuyện đúng, sai cũng chưa muộn.

Thời gian buổi trưa, hoặc buổi tối hãy ăn uống, nghỉ ngơi và xem lại bài cho môn thi sắp tới sẽ hữu ích hơn rất nhiều. Bởi các em không bị chi phối, ảnh hưởng tâm lý đối với môn thi còn lại mà còn toàn tâm, toàn ý cho môn thi sắp tới. Thực tế, thi xong tra đáp án luôn thì việc mình làm đúng hay sai cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì nữa.

Phụ huynh có thể động viên con mình bằng nhiều cách

Thời điểm này nhiều địa phương đang khá nắng nóng, một số nơi còn mất điện nên kỳ thi tuyển sinh 10 lại càng áp lực nhiều hơn. Nhưng, ở đâu cũng thấy phụ huynh luôn theo con, chờ đợi ở cổng trường. Trong lòng mỗi phụ huynh luôn hy vọng vào con mình sẽ làm bài tốt.

Tuy nhiên, điều mà phụ huynh cũng cần chú ý là bên cạnh việc động viên, đồng hành cùng con thì cũng cần phải là điểm tựa vững chắc cho con mình. Con làm bài tốt, vui mừng cùng con nhưng con làm không tốt cũng an ủi và hướng con vào các môn thi còn lại.

Cha mẹ là nhưng người đã trưởng thành, từng trải nên không nên buồn theo cái buồn của con (nếu thí sinh làm bài không tốt) khi vừa bước ra khỏi hội đồng thi. Vì như vậy càng khiến cho con em mình dao động hơn. Sự lạc quan, chia sẻ của cha mẹ sẽ giúp cho con em mình tự tin hơn. Lúc này, phụ huynh cũng cần chăm sóc, vỗ về con ăn uống, nghỉ ngơi thoải mái và chuẩn bị cho những môn thi còn lại.

Tuyệt nhiên, không nên nhắc nhở lại chuyện môn thi đã qua và đừng bao giờ gửi đáp án môn thi vừa qua cho con mình. Nếu con tra đáp án của môn thi vừa xong cũng nên khuyên con em mình gác bỏ sang một bên. Cái gì đã qua cứ tạm gác lại để chuẩn bị cho môn thi sắp tới một cách tốt nhất có thể.

Kỳ thi tuyển sinh 10 công lập của một số địa phương đang có tỉ lệ chọi rất cao khiến cho thí sinh và phụ huynh đều cảm thấy áp lực, nhất là khi thi vào trường trung học phổ thông chuyên. Song, thí sinh dự thi và có kết quả mĩ mãn hay không mĩ mãn, thành công hay không thành công là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố cộng hưởng với nhau để tạo thành. Vì thế, mọi thứ đều có sự chuẩn bị tốt và thí sinh không bị sa vào những việc không đáng như chuyện tìm đáp án trên mạng, rồi so sánh, nghĩ suy sau mỗi môn thi là điều các em cũng cần chú ý, nên gác lại sau khi kỳ thi kết thúc.