"Thầy họp", "thợ họp"!

Nhà thơ Hải Đường
19:47 - 22/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đầu năm...họp; giữa năm...họp. Cuối năm, đâu cũng thấy... họp! Vậy nên mới có câu ca dao mới "Mỗi ngày một cuộc giao ban/Lại bàn những chuyện đã bàn hôm qua", và cũng xuất hiện những "thầy họp", "thợ họp" !

Lịch họp dày đặc - ảnh: Interrnet

Lịch họp dày đặc - ảnh: Interrnet

Những ngày này hầu như đến cơ quan, đơn vị nào cũng thấy họp. Ngoài những cuộc họp bình thường thì còn có một thứ "đặc sản" là họp tổng kết năm. Họp lu bù từ đầu tháng 12 đến hết tháng.

Có câu ca dao mới "Mỗi ngày một cuộc giao ban/Lại bàn những chuyện đã bàn hôm qua". Thì cũng có thể có ca dao mới về tổng kết năm, vì nó nhiều chuyện cười ra nước mắt. Cười, vì cách họp tổng kết giống nhau như cái khuôn đúc sẵn. Bản báo cáo tổng kết bao giờ cũng có mấy phần: đặc điểm tình hình, ba thuận lợi, hai khó khăn; kết quả năm trước, phương hướng năm sau, bảy ưu ba khuyết; bài học kinh nghiệm... 

Công đoạn bình xét phân loại thì vẫn thế, góp ý cho từng người, cũng ưu điểm, khuyết điểm, cũng phân ra mấy loại A,B,C. Cái sự phân loại ở đơn vị kinh doanh thì căng thẳng lắm, vì nó liên quan đến mức thưởng. Mức A có khi hơn mức C cả mấy tháng lương. Thành ra cách phân loại tuy cũ mà vẫn nóng rần rật, vì nó liên quan đến túi tiền, đồng tiền liền khúc ruột.

Lại  vẫn là chuyện họp. Đã họp thì cấp dưới bận một, cấp trên bận mười. Ông chủ tịch một tỉnh than phiền: Chỗ chúng tôi có bốn phó chủ tịch, nhưng cuối năm không làm sao có đủ cán bộ lãnh đạo đi dự họp. Cấp trên yêu cầu phải chính danh, cử giám đốc sở dự thay đâu có được. Còn cấp huyện tổng kết thì đơn vị nào cũng mong bí thư, chủ tịch tỉnh  "xuống với anh em" và "cho ý kiến quý báu". Thành ra cấp trên đi họp cũng phải ...chạy xô. Có ông một buổi sáng phải chạy họp 3 nơi. Vị ấy nói vui rằng, cả tuần này làm "thầy họp", tức là làm "long trọng viên" dự hội nghị do cấp dưới tổ chức. Làm "thợ họp" tức là làm thành viên tham dự các cuộc họp, nhất là tháng cuối năm nhiều cuộc họp đến mức văn phòng phải bố trí vào... ban đêm!

Có giảm họp được không? Ai cũng bảo họp nhiều là hình thức, là tốn kém. Nhưng đối với các đơn vị cơ sở thì thật ra không phải họp tổng kết nhiều đến thế.

Thường là mỗi năm chỉ có hai cuộc chủ yếu là sơ kết sáu tháng và tổng kết cuối năm. Cho nên điều mà cơ sở cần là đổi mới cách họp. Riêng cách viết báo cáo phải sao cho ngắn gọn, vào thẳng vấn đề, tập trung vào những việc chưa hoàn thành hoặc hoàn thành chưa tốt. Hãy bớt đi cách sao chép báo cáo của cấp trên. Nào là, thực  hiện nghị quyết, chỉ thị của trung ương, của tỉnh ủy... Nào là, tập trung phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19... Nào là, năm tới còn nhiều diễn biến khó lường, chúng ta phải chủ động, phải dự báo đúng tình hình... 

Việc bình xét thi đua, khen thưởng cuối năm cũng cần đi vào thực chất. Chớ nên dàn đều theo số lượng cán bộ, công chức, chớ nên "khen cả làng". Một công ty mà có tới một nửa là lao động xuất sắc thì rõ là nới tay tới mức vô tội vạ. Khen như thế không thể tạo động lực mà là triệt tiêu động lực. Khen mà không đúng là lỗi "dĩ hòa vi quý", là khuyến khích mấy anh chị chuyên hát nhép

trong dàn đồng ca. 

Lại còn những việc làm tốn kém nữa, mặc dù không phải là không cần thiết: văn nghệ chào mừng đầu buổi lễ (nhiều nơi thuê ca sĩ, dàn nhạc chuyên nghiệp quá tốn kém), liên hoan cuối buổi tổng kết. Hai khoản "đầu" và "cuối" này đã được một số vị lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị tuyết bố "cắt", nhưng cắt năm nay, năm sau nó lại mọc ra. Nhiều vị "lý luận": Có hai món ăn tinh thần và vật chất sao lại nỡ bỏ của anh anh em! Đúng là không nên bỏ nhưng phải tiết kiệm tối đa, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp đang còn gặp nhiều khó khăn, người lao động thiếu việc làm, lương thấp. Nên chăng, văn nghệ chào mừng thì "của nhà làm được", tự biên tự diễn cũng vui. Cỗ bàn tổng kết thì cùng vui ở nhà ăn tập thể, chớ bày biện đặc sản, rượu Tây làm gì. Cơm không ăn gạo còn đó, chắc là cán bộ, công nhân viên giơ cả hai tay chuyện tiết kiệm này.

Cuối cùng là chuyện thời gian. Lấy ngắn gọn, thiết thực làm đầu. Báo cáo ngắn mà không thiếu sẽ hay hơn dài mà thừa. Phát biểu của anh em, lời dặn của cấp trên cũng nên bớt "kính thưa", bớt những diễn giải, nói những điều to tát, mòn sáo. Về điều này, V.I Lê-nin từng căn dặn, người cán bộ phải tránh bệnh giáo điều, phải "biến các sắc luật từ trạng thái là giấy lộn đầy bụi bặm…thành thực tiễn sống động".  Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.

Chúng ta chào đón năm 2023 bằng một việc có thể làm ngay: Bớt đi những cuộc tổng kết nặng nề, cũ kỹ,  mà phải thực sự thiết thực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, chăm lo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đó mới là việc cần làm.