Thay đổi cách xử lý rác thải có thể giúp giảm lượng khí thải
Sự thay đổi trong cách thu gom và xử lý rác thải, như ủ phân từ rác thải hữu cơ, có thể giúp làm giảm lượng khí methane (CH4) trên toàn cầu vốn được cho là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ấm lên của trái đất.
Xử lý rác thải - giải pháp nhiều tiềm năng giúp giảm lượng khí thải
Báo cáo về giải pháp khí hậu được Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế lò đốt rác (GAIA) công bố mới đây cho biết, việc áp dụng hệ thống không chất thải ở các thành phố trên thế giới sẽ là một trong những cách nhanh nhất và hợp lý nhất để giảm nhiệt độ toàn cầu, giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo Báo cáo, xử lý rác thải là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu đầy tham vọng trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức 1,5 độ C. Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu đối với 8 thành phố trên thế giới và phát hiện ra rằng có thể cắt giảm 84% lượng khí thải từ rác thải.
Theo các chuyên gia khí hậu của Liên hợp quốc, các nguồn thải ra khí nhà kính mà do con người gây ra phần lớn là từ hoạt động chăn nuôi và xử lý phân, chiếm khoảng 30% lượng khí methane do con người gây ra, sau đó là lĩnh vực dầu khí (19%) và hố chôn rác (17%). Tuy nhiên, GAIA cho rằng những thay đổi đơn giản trong việc xử lý rác thải, đặc biệt là ở khu vực đô thị, có thể giúp làm giảm lượng khí thải carbon tương đương với lượng khí thải hằng năm của khoảng 300 triệu ô tô.
Đồng tác giả Báo cáo, Tiến sĩ Neil Tangri tại GAIA cho biết: "Quản lý chất thải tốt hơn là một giải pháp dễ thực hiện, không đòi hỏi công nghệ cao hay đắt tiền bởi chỉ là quan tâm nhiều hơn đến những gì chúng ta sản xuất và tiêu thụ, và cách chúng ta xử lý rác thải".
"Các cuộc đàm phán về khí hậu trước đây phần lớn đã bỏ qua tiềm năng của các giải pháp về xử lý rác thải, đặc biệt việc giảm khí methane - điều mà hơn 100 quốc gia hiện đã cam kết thực hiện. Giờ đây, chúng ta có một cơ hội duy nhất để đưa quản lý chất thải vào chương trình nghị sự. Chiến lược không chất thải là cách dễ nhất để giảm phát thải nhanh chóng và rẻ, đồng thời xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu, tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ".
Chuyên gia thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Janez Potocnik, cho rằng Báo cáo trên cho thấy tầm quan trọng của việc liên kết cách xử lý rác thải với các mục tiêu khí hậu, nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm thiểu tận gốc các nguồn rác thải bằng cách thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng.
Janez Potočnik, đồng chủ tịch Ban Tài nguyên quốc tế của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và là cựu Cao ủy Châu Âu về môi trường, cho biết báo cáo đã chứng minh "tầm quan trọng to lớn" của việc gắn kết hệ thống chất thải với các mục tiêu khí hậu.
Giải pháp xử lý rác thải giúp giảm lượng khí thải
Một là, thay đổi trong cách thu gom và xử lý rác thải, phân loại rác thải hữu cơ để ủ phân và tái chế rác thải. Theo các tác giả của báo cáo, các biện pháp này dù không loại bỏ được quá trình phát thải khí methane (CH4) khi xử lý rác thải nhưng có thể giúp giảm 13% tổng lượng khí thải do con người gây ra này trên toàn cầu, vốn được cho là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ấm lên của trái đất.
Hai là, sự nỗ lực của các chính phủ. Mariel Vilella, Giám đốc Chương trình Khí hậu Toàn cầu của GAIA, một trong các tác giả của Báo cáo cho biết thêm: "Nếu không có cam kết cụ thể từ các nhà lãnh đạo toàn cầu về giảm chất thải, chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp".
Đưa ra các khuyến nghị về cách các nhà hoạch định chính sách có thể cắt giảm lượng khí thải liên quan đến chất thải, GAIA kêu gọi các chính phủ ưu tiên ngăn chặn chất thải thực phẩm, cấm đồ nhựa sử dụng một lần và khuyến khích việc thu gom và xử lý rác thải hữu cơ riêng biệt.
GAIA cũng kêu gọi các chính phủ đầu tư vào các hệ thống quản lý chất thải, tăng cường năng lực tái chế và làm phân hữu cơ, đồng thời thiết lập các khuôn khổ thể chế và cơ chế tài chính nhằm khuyến khích thực hành không chất thải.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google