Thanh tra Chính phủ: Nhiều địa phương có số gói thầu vi phạm rất cao

PV
17:39 - 06/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành thanh tra năm 2023. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị.

Thanh tra Chính phủ: Tăng cường thanh tra nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương trong năm 2023 - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nhandan.vn

Hoàn thành nhiều mục tiêu trong năm 2022

Tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, năm 2022, Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó Thanh tra Chính phủ đã thực hiện thanh tra trên diện rộng về xăng dầu, việc mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Thanh tra Chính phủ: Tăng cường thanh tra nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương trong năm 2023 - Ảnh 2.

Trong năm 2022, có 355.264 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 14,8% so với năm 2021), với tổng số người được tiếp là 382.491 người (tăng 16,6%) về 284.897 vụ việc (tăng 19,4%), có 3.031 đoàn đông người (tăng 23,7%). Ảnh: Hoàng Nam/thanhtra.com.vn

Tổng hợp kết quả thanh tra cho thấy, toàn ngành đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777ha đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi 26.654 tỷ đồng và 574ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 59.344 tỷ đồng, 8.203ha đất; ban hành 145.558 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 5.641 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 451 vụ, 295 đối tượng.

Theo đồng chí Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, năm 2023, toàn ngành tăng cường thanh tra các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo và dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản vi phạm.

Những vi phạm tại gói thầu mua sắm thiết bị chống dịch tại Bộ Y tế

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã thành lập 3 đoàn thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Có 9/20 Bộ, ngành (10 bộ không thành lập đoàn thanh tra, chỉ kiểm tra, tổng hợp, báo cáo do mua sắm số lượng ít) và 61/63 tỉnh, thành phố thành lập đoàn thanh tra, đã tiến hành thanh tra 21.383 gói thầu với tổng giá trị gần 15.500 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra cho thấy công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế được các đơn vị thực hiện theo quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình mua sắm có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm. Việc này diễn ra ở nhiều địa phương, với 54/61 tỉnh, thành có 4.992/15.909 gói thầu vi phạm.

Thanh tra đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc liên quan mua sắm thiết bị chống dịch có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Riêng Thanh tra Chính phủ chuyển 16 vụ việc; trong đó có hai vụ việc chuyển hồ sơ việc mua sắm hai gói thầu vật tư y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan thanh tra chuyển thông tin 24 vụ việc liên quan các gói thầu mua sắm thiết bị chống dịch tại Bộ Y tế, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

"Nhiều địa phương có số gói thầu vi phạm cao như: Hà Tĩnh, Đà Nẵng 100%; Hải Phòng 95%; Quảng Trị 95,2%, Nam Định 91,3%; Bình Thuận trên 90%, Cần Thơ trên 89%, Vĩnh Long 85%; Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình, Hà Giang đều có trên 70% số gói thầu vi phạm,…", báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu.

Nguồn: Tổng hợp