Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt vi phạm tại Bộ Giao thông vận tải, kiến nghị xử lý tập thể, cá nhân liên quan

PV
11:33 - 22/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt vi phạm tại Bộ Giao thông vận tải, kiến nghị xử lý tập thể, cá nhân liên quan - Ảnh 1.

Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

Thanh tra Chính phủ vừa công khai Kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt khuyết điểm, vi phạm trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước xảy ra tại Bộ Giao thông vận tải

Theo kết luận thanh tra, về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải chưa thực hiện xong việc chuyển đổi, sắp xếp lại Công ty Cơ khí ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng (vốn điều lệ 40.786 triệu đồng) nhưng đã tách riêng giá trị vốn Nhà nước của đơn vị này ra khỏi giá trị vốn Nhà nước của Tổng Công ty Công nghiệp ô tô là không đúng với quy định tại điểm d khoản 2 Điều 18 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ; không chỉ đạo thực hiện việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và bồi thường của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc mất vốn Nhà nước tại Công ty Cơ khí ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng là không đúng với quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 1743/QĐ-BGTVT chuyển 6 doanh nghiệp từ Khu quản lý đường bộ 7 về làm đơn vị thành viên của Cienco 6 chưa phù hợp với Đề án tái cơ cấu Cienco 6 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-BGTVT ngày 19/6/2012.

Về công tác cổ phần hóa, Công ty mẹ VNR, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cổ phần hóa các công ty bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt có quy mô nhỏ, phân tán rải rác, tỉ lệ bán cổ phần ra ngoài rất thấp, chủ yếu bán cho người lao động, khiến công tác cổ phần hóa của 26 đơn vị cổ phần hóa đều không đạt mục tiêu, yêu cầu, còn tình trạng khép kín trong nội bộ doanh nghiệp không đúng với quy định…

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn xem xét việc cổ phần hóa, việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty mẹ - ACV; Công ty mẹ VNA; Công ty mẹ - VIMC; Công ty mẹ - Cienco 5 và việc sử dụng đất, xây dựng nhà ở của các doanh nghiệp...

Để xảy ra các tồn tại, vi phạm nêu trên, theo Thanh tra Chính phủ trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông vận tải, Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải…

Kiến nghị xử lý vi phạm tại Bộ Giao thông vận tải

Trên cơ sở kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải kiểm điểm để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo Bộ có liên quan trong việc để xảy ra các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021).

Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có liên quan để xảy ra các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong việc chậm quyết toán VIMC, ACV; trong việc chậm tham mưu đối với các cấp có thẩm quyền để Bệnh viện GTVT sau khi có phần hóa hoạt động chậm trong thời gian dài.

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, kiểm điểm để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan thuộc lãnh đạo các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để xảy ra các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong việc cho ý kiến đối với phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp khi cổ phần hóa…

Về xử lý kinh tế, Bộ Giao thông vận tải xem xét trách nhiệm, bồi thường thiệt hại (nếu có) và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với việc giảm vốn, mất vốn Nhà nước khi cổ phần hoá, thoái vốn với giá trị 396.606,66 triệu đồng.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng 8 cơ sở nhà, đất với diện tích 35.700,87 m². Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát căn cứ thẩm quyền được giao để có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị biện pháp xử lý (yêu cầu các đơn vị chấm dứt việc cho thuê lại, sử dụng đúng mục đích theo phương án cổ phần hoá đã được phê duyệt, xem xét ký kết hợp đồng cho thuê đất, truy thu tiền sử dụng đất (nếu có) theo đúng quy định.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rà soát lại giá trị quyền sử dụng đất (khi giao đất, chuyển nhượng, thoái vốn) đối với cơ sở nhà đất 430 Nguyễn Tất Thành, Quận 4 với diện tích 3624,8 m2. Cơ sở nhà đất 428 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, với diện tích 2.165,9 m2 đã được Kiểm toán nhà nước kiểm toán dự án và đã truy thu tiền sử dụng đất. Đồng thời rà soát trình tự, thủ tục dự án để thực hiện theo đúng quy định.

Tại buổi công bố kết luận thanh tra ngày 21/11, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết đây là kết luận thanh tra có phạm vi rộng, nhiều nội dung, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị được thanh tra xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể đối với các kiến nghị tại kết luận thanh tra đảm bảo thời gian theo quy định.

Kết luận tại buổi công bố kết luận thanh tra, Vụ trưởng Vụ I Hoàng Hưng cho biết, việc công bố kết luận thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở kết luận thanh tra, đề nghị các đơn vị có kế hoạch để chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện các kiến nghị theo kết luận thanh tra. Trong quá trình triển khai thực hiện kết luận thanh tra, nếu có vướng mắc, các đơn vị trao đổi với Cục Giám sát Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ để tổ chức thực hiện kết luận thanh tra có hiệu quả...

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/thanh-tra-chinh-phu-kien-nghi-bo-gtvt-xu-ly-cac-tap-the-ca-nhan-2024112
Bình luận của bạn

Bình luận