Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu nghệ sĩ giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi nước ngoài

PV
15:54 - 26/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cấm nghệ sĩ tự ý đi nước ngoài không xin phép, đồng thời yêu cầu nghệ sĩ phải chấp hành các quy định pháp luật sở tại khi công tác tại nước ngoài, không làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định số 1673/QĐ-SVHTT về quy chế quản lý và xét duyệt công chức, viên chức, văn nghệ sĩ khi đi công tác ở nước ngoài.

Theo Điều 4 của Quyết định, Sở Văn hóa và Thể thao cấm các nghệ sĩ tự ý đi nước ngoài không xin phép hoặc tự ý đi nước ngoài trước khi được sự chấp thuận của Sở.

Nghệ sĩ không tự ý ở lại nước ngoài quá thời gian quy định; không sử dụng ngân sách nhà nước để đi nước ngoài vào việc riêng; phải trung thực trong việc kê khai mục đích đi nước ngoài...

Thành phố Hồ Chí Minh: yêu cầu nghệ sĩ giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi nước ngoài - Ảnh 1.

Anh em nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp nhiều lần ra nước ngoài biểu diễn

và đạt nhiều thành tích làm rạng danh nước nhà. Ảnh: NVCC

Về trách nhiệm, nghĩa vụ khi đi nước ngoài, Sở yêu cầu các nghệ sĩ phải có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chấp hành các quy định pháp luật của nước sở tại. Sau khi về nước, trong thời gian 7 ngày làm việc, nghệ sĩ phải báo cáo chuyến đi cho đơn vị trực thuộc.

Ngoài ra, Điều 11 quy định: Nghệ sĩ phải chấp hành pháp luật Việt Nam và các quốc gia (vùng lãnh thổ) khi đi nước ngoài, giữ gìn hình ảnh quốc gia, dân tộc, báo cáo cho lãnh đạo trường hợp ở quá thời gian xin phép...

Nếu gia hạn ở nước ngoài vì việc riêng, nghệ sĩ phải làm đơn trình bày lý do, thời gian, cung cấp tài liệu liên quan gửi về phòng Tổ chức - Pháp chế. Trong trường hợp nghệ sĩ buộc phải ở lại do yếu tố khách quan, cần báo cáo cho lãnh đạo Sở và phòng, đơn vị đang công tác qua hộp thư điện tử công vụ, tin nhắn điện thoại hoặc các phương tiện, hình thức liên lạc khác, xác nhận được xin phép và nộp đơn ngay sau đó. Việc cho phép phải thể hiện bằng quyết định hành chính (thay vì qua trao đổi riêng).

Trước đó, sự việc của "2 nghệ sĩ nổi tiếng" được cho là Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng đi nước ngoài không xin phép cơ quan chủ quản (Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhà hát kịch Hà Nội) bị vướng vào rắc rối pháp luật tại Tây Ban Nha đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.

Thành phố Hồ Chí Minh: yêu cầu nghệ sĩ giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi nước ngoài - Ảnh 2.

2 nghệ sĩ Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh đi nước ngoài không xin phép cơ quan quản lý. Ảnh: Facebook

Sau khi về nước, Hồ Hoài Anh đã đến trình diện và giải trình tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Anh bị tạm đình chỉ công tác đợi kết luận điều tra chính thức.

Về phía Hồng Đăng, trong văn bản tường trình gửi đến Nhà hát Kịch Hà Nội, diễn viên cho biết không nắm rõ quy định nghỉ phép để đi ra nước ngoài của viên chức nên mới chỉ gọi điện báo cáo Giám đốc Nhà hát Kịch mà chưa làm đơn xin nghỉ phép theo quy định. Hồng Đăng gửi lời xin lỗi đến ban Giám đốc Nhà hát và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước vi phạm của mình.

Nguồn: tổng hợp