Thành phố Hồ Chí Minh không tuyển bổ sung học sinh lớp 10 liệu có thiếu hụt chỉ tiêu?

Phan Anh
15:59 - 13/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Công chúng cho rằng, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh không tuyển bổ sung, không hạ điểm chuẩn lớp 10 khiến nhiều học sinh mất cơ hội học tập ở trường công lập.

Theo thông báo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11/7/2023, các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố đã nhận hồ sơ nhập học lớp 10 theo danh sách học sinh trúng tuyển đã được công bố trước đó. Thành phố không hạ điểm chuẩn, không tuyển bổ sung học sinh vào lớp 10 công lập. 

"Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cần tính toán, xem xét nhằm tạo cơ hội cho học sinh được học lớp 10 ở trường công lập với số lượng cao nhất có thể ở những mùa tuyển sinh sau. Hơn nữa, việc tuyển đủ số lượng học sinh cũng giúp các nhà trường tận dụng tối đa cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học, tránh gây lãng phí của công" - một ý kiến trên diễn đàn cha mẹ học sinh bày tỏ. 

Vậy, nhìn toàn cảnh, Thành phố Hồ Chí Minh không tuyển bổ sung học sinh lớp 10 công lập có thiếu hụt chỉ tiêu tuyển sinh hay không?

Sau kỳ thi vào lớp 10 công lập, những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể đăng ký theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường ngoài công lập, các trường trung cấp, cao đẳng nghề… Những mô hình giáo dục này đều trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng, với những cơ hội tiếp cận giáo dục, nghề nghiệp tương tự như các trường trung học phổ thông công lập công lập.

Tuy vậy, gần 19.000 học sinh Thành phố Hồ Chí Minh trượt lớp 10 công lập thì không phải trung tâm giáo dục thường xuyên nào cũng đủ chỗ học cho các em. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 100 trường trung học phổ thông tư thục xét tuyển hàng chục ngàn chỉ tiêu lớp 10. 

Nhưng thực tế, rất nhiều phụ huynh - thuộc diện dân nghèo, dân nhập cư, không đủ điều kiện cho con, em theo học.

Các phụ huynh học sinh cho biết, học sinh học lớp 10 bán trú (2 buổi) phải đóng học phí và lệ phí (tiền cơ sở vật chất, ngoại khóa, giấy kiểm tra...) khoảng 5 triệu đồng/tháng. Các em học 11 tháng (nhập học từ 1/7 đến 25/5) thì phụ huynh phải đóng khoảng 60 triệu đồng/năm học.

Lên lớp 11, học phí và lệ phí tăng khoảng từ 10 đến 20%. Đặc biệt lớp 12, học sinh phải luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên học phí tăng hơn nữa, phụ huynh phải đóng khoảng dưới 100 triệu đồng/năm học.

Học sinh học 3 năm trung học phổ thông hệ tư thục, phụ huynh đóng phí tiền học phí, lệ phí khoảng dưới 200 triệu đồng là một số tiền rất lớn. Thực tế, nhiều trường hợp học sinh phải bỏ học giữa chừng vì gia đình không kham nổi.

Một trường trung học phổ thông tư thục ở quận 12, năm học 2022-2023 có 5 lớp 10, khoảng 200 học sinh. Năm học 2023-2024, nhà trường gọi học sinh nhập học từ ngày 3/7 nhưng chỉ có hơn 20 học sinh lớp 10 lên 11 đi học. Năm ngoái, số lượng học sinh đi học từ đầu tháng 7 đạt khoảng 90%.

Lãnh đạo nhà trường chia sẻ, sở dĩ năm học này học sinh lớp 10 lên 11 đi học rất ít là do kinh tế khó khăn, phụ huynh không có tiền đóng học phí cho con, em học hè. "Khả năng vào giữa tháng 8, kể cả đầu tháng 9 học sinh mới đi học lại đầy đủ", hiệu trưởng cho biết thêm.

Đáng nói, không phải trường công lập nào ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Ví dụ, học sinh ở quận Phú Nhuận trúng tuyển nguyện vọng 3 một số trường trung học phổ thông ở quận 12 nhưng nhiều em không theo học vì khoảng cách từ nhà đến trường khá xa. Hay nhiều trường trung học phổ thông ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi... vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu từ nhiều năm qua vì số lượng học sinh bậc trung học cơ sở ở những địa bàn này ít.

Nếu ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh hạ điểm chuẩn hay tuyển bổ sung nguyện vọng 2, 3 thì hàng ngàn học sinh sẽ có cơ hội học trường công lập, cùng với đó phụ huynh cũng nhẹ gánh hơn trong việc nuôi dạy con, em.

Ngoài ra, việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở chưa hiệu quả thì nhu cầu được đi học ở trường trung học phổ thông công lập là quyền lợi chính đáng của các em. Theo thống kê, hiện nay học sinh thành phố đăng ký vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp còn rất thấp, đặc biệt là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, chỉ khoảng dưới 5%.

Việc cần làm trước mắt và lâu dài là ngành giáo dục, thầy cô và phụ huynh học học sinh phải giúp các em hiểu rõ, thấy được lợi ích cũng như sự phù hợp của việc học nghề thì sẽ từng bước giải được bài toán phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.