Thành phố Hồ Chí Minh giảm chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 là tước mất quyền học tập của học sinh
Năm học 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh tuyển 71.020 chỉ tiêu lớp 10, giảm hơn 6.200 chỉ tiêu so với năm học 2023-2024. Việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh vừa tước mất quyền học tập của học sinh vừa là một gánh nặng đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.
Vào thời điểm cuối tháng 3/2024, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học 2023-2024, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến có khoảng 116.296 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Để thực hiện công tác phân luồng học sinh, Thành phố sẽ phân bổ tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho các trường trung học phổ thông công lập không vượt quá 70% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Tỉ lệ này đã được giữ vững trong nhiều năm gần đây.
Tuy nhiên, năm học 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh tuyển 71.020 chỉ tiêu lớp 10 vào 114 trường trung học phổ thông công lập, giảm hơn 6.200 chỉ tiêu so với năm học 2023-2024, và chiếm tỉ lệ 61,06% trong tổng số 116.296 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở năm nay.
Thông tin này khiến nhiều phụ huynh bức xúc, bất bình vì không biết lí do gì Thành phố Hồ Chí Minh lại giảm 8,4% chỉ tiêu tuyển sinh - tương đương khoảng hơn 11.000 học sinh lớp 9 là con số rất lớn.
Đáng nói, một số quận, huyện như Bình Tân, Bình Chánh… năm nào cũng tăng dân số cơ học cao, kéo theo số lượng học sinh đông. Trong khi đó, rất ít trường trung học phổ thông được xây mới nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giảm chỉ tiêu tuyển sinh 9 vào 10 là điều rất khó hiểu.
Ví dụ, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có 12 trường trung học phổ thông công lập nhưng có đến 11 trường giảm 1.071 chỉ tiêu, chỉ có 1 trường tăng 45 chỉ tiêu.
Ở hai địa bàn này đa số là dân nhập cư, dân lao động nghèo đến từ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh đồng nghĩa với đa số học sinh phải học ở các trường tư thục, sẽ là một gánh nặng rất lớn đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.
Việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh được cho là đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Thế nhưng, theo ghi nhận, đa số học sinh rớt lớp 10 công lập thì rất nhiều em chọn học trường tư thục. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, hầu hết các em đều đăng kí xét tuyển vào các trường đại học chứ không phải đi học nghề.
Được biết, những năm gần đây, mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 20.000 học sinh lớp 9 không đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Lý do vì các em đã chọn con đường học nghề, học trung học phổ thông ngoài công lập, du học...
Vì vậy, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát số trường, số lớp để tuyển đủ số lượng học sinh (sau khi đã trừ khoảng 20.000 học sinh không tham gia thi tuyển) mới là việc làm hợp tình, hợp lí, hợp lòng Nhân dân.
Việc giảm số lượng rất lớn học sinh lớp 9 vào lớp 10 công lập như năm học 2024-2025 được nhiều phụ huynh học sinh cho là chưa phù hợp với việc phân luồng như Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra từ nhiều năm nay.
Cùng với đó, rất nhiều phụ huynh phản ánh, hàng chục trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh 9 vào 10 nhưng họ không hề được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hay các nhà trường thông báo từ đầu năm. Họ cũng không hề biết đề án phân luồng của Thành phố như thế nào.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh còn băn khoăn, kể cả nghi vấn: thứ nhất, nếu trường công lập tuyển hết học sinh thì nhiều trường tư thục (hơn 100 trường) ở Thành phố này sẽ có nguy cơ giải thể. Hay nói cách khác, liệu các trường tư thục này có "mối quan hệ" nào nào với ngành giáo dục Thành phố hay không?
Thứ hai, trong số học sinh rớt lớp 10 công công lập, có bao nhiêu em được phân luồng – tức là học nghề? Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cần có số liệu thống kê chính xác và công khai trên các phương tiện truyền thông để phụ huynh hiểu được chủ trương này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google