Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất chi gần 10.000 tỉ đồng làm đoạn đường dài 3,5 km Vành đai 2

Trang Linh
20:21 - 04/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước đây là Xa lộ Hà Nội) dài gần 3,6 km được đề xuất tổng mức đầu tư hơn 9.852 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đoạn 1 của tuyến Vành đai 2 gần 7.200 tỉ đồng, chi phí xây lắp gần 2.000 tỉ đồng. Tuyến đường sẽ được xây dựng đường song hành hai bên với quy mô 34m gồm 6 làn xe.

Phương án giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy hoạch nhằm quản lý quỹ đất trong bối cảnh giá đền bù ngày càng tăng cao. Quỹ đất có sẵn sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng tuyến đường lên 14 làn thuận lợi trong tương lai. Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 47,66 ha. Ước tính sơ bộ sẽ có khoảng 587 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 524 trường hợp phải bố trí tái định cư.

Dự án được đề xuất lập và trình chủ trương đầu tư vào quý 3/2023, khởi công xây dựng và đưa vào khai thác từ quý 2/2025 đến quý 4/2026.

Vành đai 2 sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải cho hệ thống giao thông hiện hữu

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 2 là tuyến đường quan trọng của thành phố kết nối các khu công nghiệp, đô thị và các tuyến đường trục xuyên tâm. 

vành đai 2

Một phần Vành đai 2 đã hoàn thành. Ảnh: Quỳnh Trần

Tuyến đường sẽ giảm tải cho khu vực nội đô, góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm, giữa các địa phương của vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc đầu tư xây dựng khép kín tuyến đường Vành đai 2 bao gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp là cấp thiết, cần triển khai thực hiện ngay nhằm giải quyết vận chuyển hàng hóa giữa các cảng. Bởi hàng hóa vận chuyển đi và đến cảng chủ yếu bằng đường bộ, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan xem xét tờ trình đề xuất dự án của Sở Giao thông vận tải. 

Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp chuyên đề gần nhất.

Sau hơn 10 năm triển khai, Vành đai 2 của Thành phố Hồ Chí Minh còn 14 km dang dở được chia thành 4 đoạn tương ứng với 4 dự án: Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến Xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp), đoạn 2 từ Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa, quốc lộ 1 (Thủ Đức) và đoạn 4 từ quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh.