Thành phố Hồ Chí Minh bồi dưỡng tiếng dân tộc Hoa, Khmer, Chăm cho cán bộ, công chức, viên chức
Việc bồi dưỡng tiếng dân tộc Hoa, Khmer, Chăm cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm phục vụ công tác dân tộc, tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức và đồng bào dân tộc Hoa, Khmer, Chăm tại Thành phố.
Kế hoạch nhằm bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc, tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, chăm lo, phát huy đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kế hoạch cũng nhằm thực hiện hiệu quả chính sách gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tiếng nói, chữ viết trong đồng bào dân tộc Hoa, Khmer, Chăm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu nội dung, chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc Hoa, Khmer, Chăm đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ công tác dân tộc trên địa bàn Thành phố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới.
Nội dung tổ chức dạy học, kiểm tra, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được thực hiện theo đúng các quy định (tại Thông tư số 09/2023/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Đối tượng được bồi dưỡng phải nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ học tập; khuyến khích tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu việc tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện với các hình thức tổ chức, số lượng và đối tượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, nhu cầu thực tế.
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và quận, huyện căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện và nhu cầu của đồng bào dân tộc Hoa, Khmer, Chăm ở địa phương để xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng hàng năm. Chương trình bồi dưỡng được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.
Theo quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số có thể được tổ chức theo hình thức tập trung, bán tập trung hoặc từ xa.
Học viên được đánh giá hoàn thành chương trình thì được cấp chứng chỉ.
Các loại chứng chỉ gồm: Chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho các học viên hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.
Chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.
Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cho các học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số của trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google