Thành phố Hồ Chí Minh áp giá trần khoản thu trường học, phụ huynh lo thu tối đa
Nhằm tránh tình trạng lạm thu ở các trường học, Hội đồng Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024.
Thành phố Hồ Chí Minh áp giá trần 26 khoản thu trong trường học. Chẳng hạn, tiền suất ăn trưa bán trú đối với tất cả trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc nhóm 1 (các quận và thành phố Thủ Đức) được thu ở mức tối đa 35.000 đồng/suất.
Đây là lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh ra Nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Thành phố.
26 khoản, dịch vụ trong trường học
Theo đó, Nghị quyết quy định về mức thu tối đa của 26 khoản, dịch vụ trong trường học tùy bậc học, nhóm trường theo địa bàn, gồm:
Suất ăn trưa bán trú 32.000-35.000 đồng/ngày, ăn sáng 20.000 đồng/ngày; tiền tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú từ 230.000-550.000/tháng; tiền nước uống 20.000 đồng/tháng; tiền trông giữ xe học sinh 2.000 đồng/lượt; đồng phục học sinh 150.000-500.000 đồng/bộ;
Tiền tổ chức 2 buổi ngày từ 135.000-300.000 đồng; dạy tăng cường ngoại ngữ 90.000-300.000 đồng/tháng; các lớp tin học tự chọn 30.000-50.000 đồng/tháng; tăng cường tin học 60.000-240.000 đồng/tháng; tổ chức dạy kỹ năng sống 80.000-120.000 đồng/tháng; tổ chức giáo dục STEM 90.000-200.000 đồng/tháng; học bơi 180.000-250.000 đồng/tháng;
Tổ chức học ngoại ngữ với người nước ngoài 250.000-480.000 đồng/tháng; tổ chức học ngoại ngữ sử dụng phần mềm bổ trợ 100.000-250.000 đồng/tháng; tổ chức chương trình học ngoại ngữ thông qua toán và khoa học 500.000-800.000 đồng/tháng; tiền tổ chức dạy học nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên: 10.000 đồng/tiết; tiền tổ chức dạy bổ sung kiến thức tại các cơ sở giáo dục thường xuyên: 10.000 đồng/tiết; tiền tổ chức nuôi dạy trẻ mầm non trong hè: 500.000 đồng/tuần.
Ở các khoản thu phục vụ cho giáo dục theo đề án, tiền tổ chức thực hiện đề án trường tiên tiến hội nhập nâng mức trần từ 1,5 triệu đồng/tháng lên mức 1,725 triệu đồng/tháng.
Nghị quyết này là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với cha mẹ học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu định tại Nghị quyết và không được cao hơn 15% so với năm học 2022-2023.
Các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung thu, làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế năm học trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc sử dụng các khoản thu phải đúng mục đích thu, công khai kế hoạch thu - chi của từng khoản thu đến cha mẹ học sinh trước khi tổ chức thực hiện và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.
Đối với khoản thu tiền tổ chức thực hiện Đề án trường thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế", Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Sở Giáo dục và Đào tạo có ý kiến theo phân cấp quản lý và không vượt quá mức thu tối đa được quy định tại Nghị quyết nêu trên.
Thời gian thu phải đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá khung thời gian quy định.
Nhiều trường sẽ thu ở mức tối đa, phụ huynh thêm khổ
Sau khi Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND được ban hành, nhiều phụ huynh ở Thành Phố Hồ Chí Minh lo ngại trường học sẽ thu các khoản ở mức tối đa. Mặc dù về nguyên tắc các khoản thu là có sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh nhưng không phải lãnh đạo trường học nào nào cũng thực hiện dân chủ.
Giả sử phụ huynh có một đứa con đang học bậc trung học phổ thông ở quận nội thành thì họ phải đóng một số khoản thu (tính mức tối đa) trong năm học 2023-2024 là: 1) học phí: 300.000 đồng/tháng; 2) ăn sáng, trưa: khoảng 1.500.000 đồng/tháng; 3) tổ chức bán trú: 550.000/tháng; 4) nước uống: 20.000 đồng/tháng; 5) giữ xe: khoảng 40.000 đồng/tháng; 6) đồng phục: khoảng 110.000 đồng/tháng; 7) học buổi 2: 300.000 đồng/tháng; 8) tăng cường ngoại ngữ: 300.000 đồng/tháng; 9) tin học tự chọn: 50.000 đồng/tháng; 10) tăng cường tin học: 240.000 đồng/tháng; 11) kỹ năng sống: 120.000 đồng/tháng; 12) giáo dục STEM: 200.000 đồng/tháng; 13) học bơi: 250.000 đồng/tháng.
Tổng cộng phụ huynh phải đóng các khoản là: khoảng 4000.000 đồng/tháng. Như vậy, chẳng hạn một gia đình có 2 đứa con đang học bậc phổ thông thì phụ huynh khó kham nổi.
Đáng nói, từ nhiều năm trước, dư luận bắt đầu nêu lên hiện tượng "quá tải" trong giáo dục phổ thông. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới sẽ khắc phục được tình trạng này. Tuy vậy, việc học sinh phải học tăng cường ngoại ngữ, tin học, STEM, kĩ năng sống… liệu các em đã được giảm tải chương trình như kì vọng hay không?
Ngoài ra, trên một diễn đàn giáo dục, nhiều phụ huynh đã có những ý kiến về 26 khoản thu dịch vụ trong trường học ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Chị Huệ, chị Mi băn khoăn: "Trẻ ăn kiểu gì mà giá 32.000-35.000 đồng/bữa trưa và 20.000 đồng/bữa sáng. Giáo dục nên hướng đến miễn phí theo lộ trình đối với từng cấp". "Nghe mức thu quy định tối đa mà lo, trường sẽ thu mức tối đa nhiều đây. Lại chuyện đầu năm học cho con mà lòng ngổn ngang lo lắng trăm thứ phí".
Bày tỏ sự đồng tình, anh Lâm cho biết: "Với mức trần 32.000-35.000 đồng/suất cho học sinh hệ công lập là rất cao, vì số lượng học sinh rất lớn, chi phí nấu sẽ giảm. Tôi đã chứng kiến bữa ăn của học sinh tiểu học và ăn cùng các em trong vòng hơn một tháng thực tập sư phạm. Tôi nghĩ, một suất ăn cao nhất cũng chỉ 25.000 đồng là đủ chất. Có cả hàng trăm, hàng ngàn suất ăn trong lần nấu thì giá không cao như vậy được. Chắc chắn các trường sẽ thu kịch trần".
"Tiền tổ chức dạy tin học: 50.000-240.000 đồng/tháng; tiền tổ chức hoạt động giáo dục các lớp năng khiếu, thể dục tự chọn, câu lạc bộ, kỹ năng sống: 80.000-150.000 đồng/tháng". Môn tin học chêch lệch giữa mức thấp nhất và cao nhất là 190.000 đồng. Khả năng rất lớn các trường sẽ đẩy lên mức tối đa", anh Vũ lo lắng.
"Với các cán bộ cơ sở như đoàn thể, cán bộ không chuyên trách sẽ rất vất vả, thậm chí không đủ tiền cho con đi học khi mức thu nhập chỉ 5,2 triệu đồng/tháng như hiện nay", chị Hai trăn trở.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google