Tăng trưởng ở các nền kinh tế Châu Á mới nổi còn nhiều "cửa sáng"

11:30 - 26/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Năm 2022 là những năm toàn cầu chứng kiến nhiều nền kinh tế vượt khó khăn, hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt trong đó có các nền kinh tế mới nổi. Các chuyên gia cho rằng, giữa cơn bão, Châu Á vẫn còn rất nhiều "cửa sáng" để "vượt bão" thành công.

Không cần phân tích thêm nhiều về những dư âm tàn khốc của đại dịch COVID-19, chúng ta còn thấy những thách thức lớn hơn về tình hình lạm phát và cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo ra một bức tranh kinh tế đầy biến động trên toàn cầu. Tất cả các quốc gia, trong đó có châu Á đều phải chịu tác động nặng nề, và phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong gian nan mới cần nhiều nỗ lực, ngay sau khi đại dịch COVID-19 tạm lắng, những hoạt động thương mại trở lại, thị trường Châu Á trong đó đặc biệt một số nền kinh tế mới nổi – gồm ASEAN-10, Trung Quốc và Ấn Độ đã có những tín hiệu phục hồi tích cực. Nhờ vào sự thay đổi về chính sách quản lý, sự năng động của đội ngũ, tốc độ đáp ứng của thị trường...  

Tăng trưởng ở các nền kinh tế Châu Á mới nổi còn nhiều cửa sáng - Ảnh 1.

Nhiều năm tăng trưởng liên tục đã biến các thị trường Châu Á trở thành một lực lượng tiêu dùng toàn cầu. Ảnh: IT

Các chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ tăng trưởng nhanh hơn 28% so với mức trung bình của toàn cầu trong năm nay và nhanh gấp đôi so với mức trung bình của năm 2023.

Lý do dẫn tới điều này là khả năng quản lý an toàn vĩ mô tốt hơn của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong những năm qua. Nhìn chung, các quốc gia này đã kiểm soát được các khoản nợ, cẩn trọng đề phòng các kịch bản khủng hoảng.

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã thả nổi đồng tiền tệ của họ và xây dựng bộ dự trữ ngoại hối, tạo ra một hệ thống có khả năng hỗ trợ lẫn nhau bằng cách giảm bớt rào cản thương mại thông qua các hiệp định khu vực.

Yếu tố thứ hai là sự thay đổi lớn về hình dạng kinh tế toàn cầu. 10 năm trước đây, vai trò kinh tế của các thị trường mới nổi phần lớn chỉ giới hạn ở khâu cung cấp lao động và hàng hóa giá rẻ cho các nền kinh tế phát triển, song nhiều năm tăng trưởng liên tục đã biến các thị trường này trở thành một lực lượng tiêu dùng toàn cầu theo đúng nghĩa.

Mức tiêu thụ của các thị trường mới nổi đã tăng gần gấp ba lần trong 12 năm qua, hiện lên tới khoảng 34.000 tỷ USD – tương đương 47% mức tiêu thụ toàn cầu. Điều đó có nghĩa là những quốc gia này chịu ít áp lực từ các điều kiện bất ổn kinh tế hơn so với các nền kinh tế phát triển.

Biểu hiện rõ ràng nhất của khả năng phục hồi có thể thấy ở dòng vốn. Bất chấp sự gia tăng nhanh chóng của lãi suất ở phương Tây, dòng chảy vốn ra khỏi các quỹ trái phiếu và cổ phiếu của thị trường mới nổi chỉ ở mức 3,3 tỷ USD. 

Một số nền kinh tế mới nổi hoạt động tốt hơn những nền kinh tế khác. Khu vực Mỹ Latinh đã lường trước được sự bùng phát của lạm phát hiện nay và bắt đầu tăng lãi suất từ gần một năm trước, giúp đưa khu vực này vào vị thế vững chắc như hiện nay. Ngoài ra, các thành viên thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh của Trung Đông cũng ứng phó tốt, một phần nhờ vào giá năng lượng cao.

Trong khi đó, khu vực châu Á cũng cho thấy họ đã học được nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Các nền kinh tế của châu lục hiện có dự trữ ngoại hối lớn, nợ ngoại tệ ít hơn và khả năng tiếp cận thị trường vốn cởi mở hơn. Họ cũng rất cố gắng để dỡ bỏ các rào cản thương mại nội vùng và đang gặt hái thành quả dưới dạng lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn.

Trong bối cảnh kinh tế tụt dốc toàn cầu, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực Đông Nam Á lên 5%, giữa lúc nhiều nền kinh tế khác đang cảm nhận sức nóng từ bối cảnh vĩ mô toàn cầu rất biến động và không chắc chắn. Khu vực Trung và Đông Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột ở Ukraine và hiện cố gắng kiềm chế tỷ lệ lạm phát đang ở mức 15% đến 20%.

Một số nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn đang nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, hỗ trợ từ IMF thường đi kèm nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng để giải quyết sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, trong khi nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái hoàn toàn ở các nền kinh tế châu Âu và Mỹ lần lượt đạt 94% và 84%, mức này đối với các nền kinh tế châu Á và Mỹ Latinh chỉ lần lượt là 33% và 50%. Trên thực tế, cuộc khảo sát cho thấy các nhà đầu tư có tâm lý tích cực đối với tất cả các loại tài sản ở châu Á, cũng như đối với Mỹ Latinh và Trung Đông.

Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt. Việc thắt chặt định lượng sẽ khiến vốn trở nên đắt và khó tiếp cận hơn, gây áp lực lên các quốc gia có gánh nặng nợ lớn - đặc biệt là các khoản vay bằng đồng USD - hoặc những quốc gia đang ghi nhận thâm hụt lớn. 

Từ góc độ kinh tế, phần lớn rủi ro địa chính trị tại các thị trường mới nổi nằm ở khả năng gia tăng rào cản thương mại. Thành công của hầu hết các thị trường mới nổi sẽ phụ thuộc vào triển vọng thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, các yếu tố như nguy cơ suy thoái xảy ra ở các thị trường phát triển, cuộc xung đột ở Ukraine và tâm lý bảo hộ thương mại, đang tiếp tục đè nặng lên triển vọng này. 

Có thể nói, các thị trường mới nổi giờ đây đã trở thành người làm chủ vận mệnh của chính họ. Sau nhiều năm tăng trưởng và lập kế hoạch vĩ mô một cách cẩn trọng, vững chắc, một số thị trường đang được xem như một nơi trú ẩn an toàn giữa lúc kinh tế toàn cầu biến động mạnh.

Nguồn: BNews