Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mục tiêu 6-6,5%

Trang Linh
14:24 - 03/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay được dự báo có thể đạt mức 6-6,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

tăng trưởng kinh tế năm 2024

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6-6,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội quý I khởi sắc hơn cùng kỳ 2023 ở nhiều lĩnh vực. GDP quý I tăng 5,66%, mức cao nhất từ năm 2020. Cùng đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở 3,77% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên cơ sở này, Bộ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%. 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó, tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Kịch bản 2: tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%. 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Dựa trên những dự báo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ...để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mục tiêu 6-6,5%- Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 đạt mức 6,5%. Ảnh: VGP

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 muốn đạt mục tiêu phải vượt qua nhiều thách thức 

Tuy đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn cho rằng kinh tế trong nước còn chịu nhiều sức ép về lạm phát, tỉ giá, sức mua giảm.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý đầu năm 2024, gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng xấp xỉ 23% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể cũng tăng 24,5% và 18,4%.

Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019. Một số lĩnh vực như hàng không gặp khó khi máy bay thương mại giảm mạnh khiến đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, kéo theo giá vé tăng cao, ảnh hưởng đến du lịch và nhu cầu đi lại.

Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều vướng mắc, nhất là thủ tục phát triển nhà ở xã hội, gói vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng giải ngân chậm.

Do đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, kiến nghị nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Trong đó, tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các luật này trong tháng 7/2024. Các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất.

Cùng với đó, bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, nghị quyết của Quốc hội.