Tăng giá điện- hợp lý về thời điểm, nhưng phải rất thận trọng

Tô Nam
07:08 - 08/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Công Thương cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã trình đề nghị tăng giá điện và đề xuất phương án giá. Thời điểm này được cho là hợp lý để xem xét tăng giá điện, nhưng vấn đề là tăng như thế nào để bảo đám tính bạch hóa và thúc đầy kinh tế phát triển, lại phải rất thận trọng.

Tăng giá điện lúc này là hợp lý, nhưng phải tính toán rất thận trọng. Ảnh: IT

Tăng giá điện lúc này là hợp lý, nhưng phải tính toán rất thận trọng. Ảnh: IT


Đề xuất tăng giá điện của EVN chủ yếu do các chi phí đầu vào sản xuất điện tăng vọt, khiến tập đoàn này lỗ hơn 31 ngàn tỷ đồng năm 2022.  Cụ thể, giá than nhập khẩu cho nhiệt điện tăng 150% làm cho chi phí của EVN tăng hơn 47,7 ngàn tỷ đồng;  phần khí sản xuất điện theo giá dầu cũng tăng thêm 5,5 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, gần 4 năm nay (kể từ tháng 3/2019 đến nay) giá điện bình quân của Việt Nam vẫn là 1.864 đồng/kWh.   

Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 24) "Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân" (ký ngày 30/6/2017, có hiệu lực từ 15/8/2017), hằng quý EVN phải cập nhật chi phí phát điện của quý trước liền kề, dự kiến thông số đầu vào khâu phát điện của các quý còn lại trong năm... để tính toán giá bán lẻ điện bình quân. Nếu thông số đầu vào của khâu phát điện làm giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% trở lên thì giá điện được điều chỉnh tăng và ngược lại giá sẽ giảm. Việc điều chỉnh giá điện phải được thực hiện công khai, minh bạch. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu 6 tháng từ lần điều chỉnh gần nhất.

EVN được chủ động quyết định điều chỉnh tăng/giảm giá điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định (từ 3 đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành), Bộ Công thương và Bộ Tài chính là cơ quan kiểm tra, giám sát. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5 đến dưới 10%, EVN được phép tăng  sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận bằng văn bản.  Trường hợp cần điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát (hồ sơ phương án giá điện do EVN trình) và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Về bản chất,  điều chỉnh giá xăng dầu và điều chỉnh giá điện đều dựa vào chi phí đầu vào. Nhưng giá điện không thể điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày một lần như giá xăng dầu hiện hành, vì quá trình hạch toán giá điện là quá trình toàn ngành, ít nhất sáu tháng mới có thể hạch toán toàn ngành một lần. Thoạt nhìn về mặt hình thức, dường như đề xuất tăng giá điện của EVN chỉ nhắc lại nội dung Quyết định 24, nhưng chú ý một chút sẽ thấy đề xuất lần này lại rơi vào trường hợp "tăng giá điện bình quân từ 10% trở lên" vì thế phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng!

 Điện là nguyên liệu đầu vào của mọi ngành, mọi lĩnh vực kinh tế cũng như đời sống của người dân nên giá điện là yếu tố rất quan trọng của tăng trưởng và phát triển xã hội. Về cơ bản, sản xuất và cung cấp điện ở Việt Nam hiện vẫn còn là một thị trường độc quyền (EVN vẫn nắm lợi thế độc quyền rất lớn đối với điện tiêu dùng cả ở đầu vào và đầu ra), vì thế Chính phủ vẫn giữ vai trò điều tiết giá điện. Gần 4 năm qua, Chính phủ chưa quyết định tăng giá điện nhằm kìm mặt bằng giá cả, hỗ trợ an sinh, phục hồi kinh tế, dù EVN  phải gồng mình gánh lỗ. Chính phủ phải chờ đến khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp thì mới điều chỉnh tăng giá điện (hiện có thể kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%/năm).

Chuyện xem xét điều chỉnh tăng giá điện ở thời điểm này được coi là hợp lý. Nếu để giá điện bị dồn nén quá lâu như  lò xo thì khi nó bật tung hết cỡ sẽ tác động rất lớn, khó lường cho ổn định vĩ mô và công cuộc chống lạm phát. Có điều, người tiêu dùng đòi hỏi là sự minh bạch để tạo tiền lệ tốt cho mọi động thái điều chỉnh giá điện từ nay trở đi. Giá điện ở Việt Nam hiện được cấu thành bởi 4 yếu tố: Giá phát điện, phí truyền tải, phí phân phối và phí dịch vụ phụ trợ (bao gồm cả chênh lệch tỷ giá). Trong đó, giá phát điện (nguồn điện) chiếm tỷ trọng xấp xỉ 65%. Giá phát điện đồng ý là  ngày càng tăng,  nhưng việc tiết kiệm và cắt giảm chi phí trong quản trị toàn ngành, các giải pháp về tối ưu hóa dòng tiền, vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn thủy điện có chi phí thấp, tối ưu hóa chi phí chung… để giảm giá thành điện của EVN phải có chỉ tiêu, thông số cụ thể và cần được hạch toán minh bạch. Đáng tiếc, điều quan  trọng này vẫn chưa được EVN đáp ứng.

Ở góc độ khác, điện được sản xuất ra dựa trên các nguồn tài nguyên quốc gia, nếu định giá quá rẻ, vô hình trung, chúng ta bán tài nguyên quốc gia giá rẻ, gây lãng phí và thiệt hại cho quốc gia. Cần biết rằng, mới đây, Malaysia vừa thực hiện tăng giá điện công nghiệp lên gấp hơn 5 lần, từ mức 3,7 cent/kWh lên 20 cent/kWh kể từ ngày 1/1/2023, nhưng điện  bán cho các hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không tăng giá. Lâu nay, Malaysia là nước xuất khẩu dầu mỏ và dùng lợi nhuận từ dầu mỏ để hỗ trợ giữ ổn định giá điện, giá xăng ở mức thấp so với thế giới. Thủ tướng Malaysia Seri Anwar Ibrahim nói rằng, mức giá điện hiện tại là quá thấp đối với các công ty đa quốc gia, các nhà xuất khẩu lớn và Chính phủ Malaysia không nên duy trì trợ cấp qua giá điện - mà nhờ đó các công ty lớn này được hưởng lợi nhuận cao.

Về tâm lý, khách hàng tiêu dùng luôn không muốn giá cả tăng. Về bản chất, kinh tế thị trường không phụ thuộc vào sự điều tiết của bất cứ ai, càng không phụ thuộc vào tâm lý khách hàng. Nhưng ngành điện là ngành sản xuất chủ lực của Nhà nước, vậy nên Chính phủ phải điều tiết để giữ ổn định nền kinh tế. 

Vấn đề quan trọng là tăng giá điện như thế nào để bảo đảm sự minh bạch và thúc đẩy kinh tế phát triển. Đó không phải là chỉ chuyện riêng của ngành điện và cũng không phải là chuyện riêng của khách hàng tiêu dùng nào. Đó là việc quốc gia. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp các cơ quan nghiên cứu phương án đề xuất của EVN, xây dựng lộ trình tăng giá điện, đồng thời đánh giá kỹ tác động nhằm đảm bảo việc tăng giá chỉ ảnh hưởng ở mức tối thiểu đến nền kinh tế. Việc cân nhắc, tính toán điều chỉnh tăng giá điện ở thời điểm này là hợp lý, nhưng cần hết sức kỹ lưỡng, trách nhiệm, minh bạch; đồng thời phải cải cách bảng giá bán điện (theo bậc thang) còn nhiều bất cập hiện hành, có tính đến tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo (có giá thành và giá bán cao) ngày càng tăng lên trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam trong trung và dài hạn.


Bình luận của bạn

Bình luận