Tâm nguyện của Nguyễn Thị Huyền - cô gái có "đôi chân vàng"
Tình cờ lướt thấy tiêu đề trên một trang báo về "Người mẹ vĩ đại của thể thao Việt Nam" – tôi vội nhấn chuột vào xem ngay và nhận ra gương mặt quen gần chục năm trước: cô gái có "đôi chân vàng" ngày ấy vẫn tỏa sáng rực rỡ…
Hóa ra là em, Nguyễn Thị Huyền.
Tôi mừng cho chiến thắng của em, vui với những vinh quang em mang về cho đất nước. Nhưng, tôi không quá ngạc nhiên vì vinh quang hôm nay của em, bởi với nội lực của em - cô gái tôi đã gặp gần chục năm trước - thì hôm nay, những gì đạt được đều đúng như tâm nguyện.
Cô gái có "đôi chân vàng"
Năm 2015, tôi cùng các phóng viên chuyên trách tháp tùng Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến công tác tại tỉnh Nam Định. Lịch trình của người đứng đầu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm ấy dày đặc, nên khi kết thúc công việc ở Hà Nội, cuối giờ chiều ông và đoàn công tác mới lên đường tới Nam Định thăm gia đình Nguyễn Thị Huyền.
Tới nơi khi trời đã nhá nhem, đoàn công tác vòng vèo trong ngõ mới vào được căn nhà nhỏ bé của Nguyễn Thị Huyền tại Ý Yên, Nam Định.
Căn nhà tuềnh toàng, không có đồ đạc gì đáng giá, thứ lấp lánh duy nhất trong ngôi nhà chính là chiếc dây phơi huy chương, được treo dăng thành hàng dài trên tường ở vị trí trang trọng nhất. Số lượng huy chương nhiều hơn gấp mấy lần số tuổi của Huyền lúc đó.
Cô gái sinh năm 1993 ấy phải làm trụ cột gia đình quá sớm vì vắng cha từ nhỏ. Ngoài giờ học, em tranh thủ làm ruộng đỡ đần người mẹ ốm đau và người chị mắc chứng bệnh thần kinh không tự lo được cho bản thân.
Khi nhận món quà ý nghĩa từ Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao, cả Huyền và người mẹ đều sững sờ, rân rấn nước mắt cảm động. Đó là cuốn sổ tiết kiệm nhỏ - thay lời động viên của người dân cả nước mà lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tới cô gái vàng của thể thao Việt Nam. Nhận món quà ý nghĩa đó, Huyền hồn nhiên bày tỏ: "Đây là món quà rất ý nghĩa với gia đình em lúc này, gia đình em rất khó khăn, chính hoàn cảnh của gia đình đã thôi thúc em phải luôn nỗ lực để giúp mẹ và chị gái bớt khốn khó trong cuộc sống".
Theo chia sẻ của Huyền và gia đình, cơ duyên đưa em đến với thể thao từ những năm cuối cấp 2, khi các thầy cô ở trường phát hiện em có thể lực, sức khỏe cũng như học các môn thể dục vượt trội so với các bạn cùng trang lứa, kể cả so với các bạn nam. Vì thế, Huyền thường được cử tham gia hội khỏe Phù Đổng từ cấp trường đến cấp huyện và cấp tỉnh.
Năm 2008, khi học lớp 9, Huyền tham gia thi chạy và đoạt giải nhất cấp huyện. Em giành huy chương vàng cấp tỉnh nội dung chạy 800m và huy chương đồng về nhảy cao… Những thành tích ấy đã dẫn dắt Huyền đến với thể thao chuyên nghiệp và gắn bó với môn điền kinh. Em tham gia tập luyện chuyên nghiệp ở tỉnh Nam Định và tham gia thi đấu giải trẻ Đông Nam Á, giành huy chương vàng.
Sau đó, Huyền tiếp tục tham gia một số giải như: Giải học sinh, sinh viên Đông Nam Á; Giải trẻ trong nước... Ở giải nào em cũng đều giành huy chương. Năm 2011, Huyền tốt nghiệp lớp 12 cũng là lúc em chính thức được gọi vào đội tuyển quốc gia và tham gia thi đấu tại nhiều đấu trường quốc tế khác.
Năm 2015, Huyền tỏa sáng tại SEA Games 28 với một "hat-trick" huy chương vàng ở các nội dung: 400m, 400m vượt rào, và tiếp sức 4×400m; lập hai kỉ lục Đại hội; phá kỷ lục SEA Games; đạt 2 chuẩn B Olympic - là một trong những vận động viên Việt Nam được vinh danh là vận động viên tiêu biểu nhất tại SEA Games 28.
Với thành tích ấy, em chạy không đơn thuần như tâm nguyện ban đầu là để kiếm tiền giúp mẹ, giúp chị - mà em chạy để làm rạng danh nước nhà với thể thao thế giới!
"Người mẹ vàng"
Thời gian bẵng đi…
Tôi không theo mảng thể thao, nên cũng ít quan tâm đến thông tin trong lĩnh vực này. Vì thế, tôi cũng không dõi theo hành trình của cô gái vàng Nguyễn Thị Huyền sau lần gặp ấy.
Hôm nay, đọc tin về em, thấy em được gọi cái tên trìu mến "người mẹ vĩ đại", tôi vội tìm hiểu thông tin về cô gái đã từng để lại ấn tượng rất đẹp với mình ngày ấy…
2 năm sau ngày tôi gặp Huyền tại quê nhà, em lập gia đình với người chồng là giảng viên Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vào năm 2017. Huyền sinh con vào năm 2018. Và chuỗi ngày tiếp sau đó là thời gian ghi nhận ý chí và tài năng của Huyền.
Sau thành tích SEA Games 29, Huyền được đưa vào danh sách đầu tư trọng điểm để gánh trọng trách tranh chấp huy chương cho điền kinh Việt Nam tại Asiad 2018 ở cả ba nội dung: 400m, 400m rào và tiếp sức 4×400m. Nhưng thời điểm ấy Huyền mang thai, không thể tham dự Asiad 2018. Khi vợ chồng Huyền đón con gái đầu lòng, người mẹ trẻ đã nung nấu ý định quay trở lại với đường đua và tiếp tục "gặt vàng" cho thể thao Việt Nam.
Thời cơ đến ngay sau 3 tháng sinh con, Huyền tiếp tục vượt lên chính mình. Lúc này em đang là "mẹ bỉm sữa", em đã dấn chân, trở lại con đường luyện tập với sự ủng hộ của chồng, cộng với khát khao chinh phục đường chạy.
Tháng 7/2019 (10 tháng sau khi sinh con), ở giải điền kinh quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, Huyền đoạt 2 huy chương vàng. Đến giải vô địch quốc gia vào tháng 9/2019, Huyền lại bước lên ngôi cao nhất và được bổ sung vào tuyển quốc gia tham dự SEA Games 30.
Chia sẻ về sự trở lại quá sớm này, Huyền từng bộc bạch rằng, với tất cả người mẹ, ai cũng muốn được ở bên cạnh chăm sóc, nuôi dưỡng khi con còn nhỏ, nhưng Huyền đã cân đo đong đếm và chấp nhận phải xa con vì đam mê và mong muốn cống hiến cho thể thao Việt Nam.
Không sao kể hết những khó khăn mà người mẹ trẻ phải trải qua khi trở lại tập luyện sau 3 tháng khi sinh. Huyền vốn sinh con bằng phương pháp mổ nên có thể ảnh hưởng đến việc chạy. Khi trở lại tập luyện, em lại phải cai sữa cho con để có đủ sức chạy trên đường đua nên không tránh được những lúc nôn khan vì cơ thể không thích ứng với cường độ luyện tập, luôn cảm thấy như có 2 chai nước to treo trì phía trước ngực; rồi rất nhiều mồ hôi và cả nước mắt… Trở lại luyện tập ngay sau khi sinh con vì đam mê, nhưng Huyền cũng không dám nghĩ mình có thể đủ sức và đủ tự tin để chinh phục đỉnh cao. Tuy nhiên, nghĩ đến con gái 15 tháng tuổi của mình đã phải nhận phần thiệt thòi khi còn quá bé, nên người mẹ trẻ khi tập luyện đã nhân đôi mọi nỗ lực - cho mình và cho con.
Thời gian tham gia thi đấu tại SEA Games 30 ở Philippin, ngày nào tập xong, Huyền cũng gọi điện về nhà để nói chuyện và nhìn mặt con. Hình ảnh của con lưu trong điện thoại luôn được Huyền mang ra ngắm trước giờ thi đấu để có thêm động lực và quyết tâm giành chiến thắng. Thời điểm phải xa con để tập luyện, con gái Huyền có lúc gặp còn không chịu theo mẹ. Cô vận động viên đầy nghị lực ấy đã tự trấn an mình, con không được ở gần mẹ thì "tránh" mẹ là lẽ thường tình. Khi giành Huy chương vàng ở SEA Games 30, trở về bên gia đình, có thêm thời gian gần gụi, chơi với con, người mẹ trẻ mới kết nối lại tình mẫu tử đầy yêu thương, gắn bó máu thịt với cô con gái nhỏ. Đó là một kỳ niệm đáng nhớ trong đời Huyền.
SEA Games 30 năm ấy tại Philippines, Huyền xuất sắc giành 2 Huy chương vàng. Thành tích này được các huấn luyện viên đánh giá là hy hữu trong làng điền kinh, không những của Đông Nam Á mà của cả thế giới. Huyền đã chia sẻ với mọi người khi ở bục vinh quang, rằng huy chương vàng không chỉ là niềm tự hào cho thể thao nước nhà, mà đó còn là món quà ý nghĩa dành tặng cho con gái nhỏ, cho gia đình và người thầy của mình đã luôn sát cánh, đồng lòng ủng hộ em an tâm tập luyện, nỗ lực thi đấu và quyết tâm giành chiến thắng.
Huyền là tấm gương sáng và đẹp về tinh thần phấn đấu và khát vọng cống hiến cho thể thao Việt Nam. Huyền cũng là một biểu tượng cho đức hy sinh và nghị lực của "người mẹ bỉm sữa" với sự trở lại ngoạn mục và tỏa sáng ở sân chơi SEA Games, với động lực là sự quyết tâm để con mình được tự hào về những gì mà hai mẹ con đã thầm lặng cống hiến trên đường chạy cho thể thao nước nhà.
Đó là lý do, cô gái có đôi chân vàng ngày ấy được người hâm mộ gọi với cái tên mới đầy trìu mến: "người mẹ vĩ đại".
Tôi thích gọi em là "người mẹ vàng" hơn – sự ví von này hợp với những gì quý giá mà em mang lại cho bản thân, cho con, và cho nền thể thao nước nhà.
Nguyễn Thị Huyền và cơ hội thiết lập kỷ lục mới của SEA Games
Bây giờ thì Huyền đã có gia đình nhỏ hạnh phúc với người chồng nhất mực ủng hộ và hỗ trợ em trên hành trình vừa làm mẹ, làm vợ, làm vận động viên đỉnh cao. Và tâm nguyện năm nào của cô gái trẻ khi chia sẻ với tôi, về sự nỗ lực gánh vác cuộc sống cho mẹ và chị gái bớt khó khăn cũng đã làm được.
Trước khi đến Campuchia tham gia SEA Games 32, Nguyễn Thị Huyền có tổng cộng 10 Huy chương vàng SEA Games, trong đó, Huyền liên tục giành huy chương vàng trong 5 kỳ SEA Games liên tiếp. Và tại SEA Games lần này, em cán mốc 11 huy chương vàng SEA Games, chính thức đi vào lịch sử SEA Games với tư cách người giành huy chương vàng nhiều nhất trong môn thể thao "nữ hoàng", khi cùng đội chạy tiếp sức hỗn hợp nam nữ 4x400m của điền kinh Việt Nam giành huy chương vàng với thành tích 3 phút 20 giây 19.
Sau chiến thắng mới nhất chiều 8/5, Huyền tiếp tục mang đến ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ, trong lúc thở hổn hển vì mệt cô gái vàng ấy vẫn vui vẻ chia sẻ với giới truyền thông, rằng em và đồng đội quyết tâm giành lại huy chương vàng mà năm ngoái bị "tuột" mất, rằng phải "đòi" lại huy chương vàng từ đội Thái Lan. Và cả đội đã làm được.
Các chuyên gia và người hâm mộ kỳ vọng, Nguyễn Thị Huyền còn có thể nâng cao thành tích của mình thêm nữa, một mình độc chiếm kỷ lục giành nhiều huy chương vàng điền kinh nhất qua các kỳ SEA Games. Bởi hiện tại, ở SEA Games 32 năm nay, Huyền vẫn còn 2 cơ hội thi đấu ở 2 nội dung sở trường của em, gồm 400m nữ và 400m rào nữ (đây là các nội dung mà Nguyễn Thị Huyền 4 lần liên tiếp giành huy chương vàng từ năm 2015 - 2021, tại các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á). Cô gái vàng của thể thao Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thiết lập kỷ lục mới của SEA Games trong thời gian tới.
Bây giờ thì cô vận động viên với xuất phát điểm không có gì ngoài sự cố gắng, kiên trì, và quyết tâm ấy đã là một cô gái vàng thực sự "giàu có", khi bên em luôn đồng hành một người thầy bao năm qua hết lòng rèn giũa, dìu dắt người học trò ngoan giỏi, người đã dành cho cô học trò câu nói nằm lòng: "Cố gắng cố gắng và cố gắng – không phải tự dưng mà có thành tích. Cố lên, cháu sẽ làm được…". Huyền cũng có một người chồng luôn yêu thương luôn sẵn sàng làm hậu phương vững chắc với lời động viên chân thành: "Tôi cũng theo thể thao nên hiểu muốn đạt thành tích tốt phải tập trung 100% vào tập luyện. Tôi khuyên vợ cố gắng tập luyện còn mọi thứ để tôi lo… Khi Huyền về nhà, cô ấy chăm lo gia đình rất tốt. Nói chung, vợ tôi luôn giỏi việc nước đảm việc nhà".
Những động viên, cổ vũ quý giá đó từ người thân càng khiến Huyền quyết tâm hơn trong đường đua "săn vàng". Mỗi bước chân của Huyền, cô gái chỉ tâm niệm một điều: "Chạy, chạy, chạy, chạy…".
Cô gái vàng cũng chia sẻ tâm tư của mình trong mọi giải thi đấu: "Em luôn nghĩ mình phải chiến thắng bản thân mình đầu tiên nên em cố gắng hết sức mình". Đặc biệt, khi bước chân ra đấu trường quốc tế, ngoài nỗ lực bản thân, cô gái cũng đề cao trách nhiệm: "Em nghĩ rằng khi bước ra đấu trường quốc tế luôn mang trong mình trách nhiệm, đó không phải quá là gánh nặng, nhưng bản thân phải luôn vững tin, luôn phải cố gắng phấn đấu giành thành tích tốt nhất, đứng trên bục vinh quang để lá cờ tổ quốc được tung bay trên đấu trường quốc tế. Lúc đấy em luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng thật nhiều hơn nữa để mỗi lần bước ra đấu trường quốc tế là một lần được thể hiện bản sắc của dân tộc".
"Cô gái có đôi chân vàng", "Nữ hoàng tốc độ", "Siêu nhân của điền kinh Việt Nam", "Chuyên gia săn vàng", "Niềm tự hào của điền kinh Việt Nam", "Lọ Lem điền kinh Nguyễn Thị Huyền", "Chân chạy số 1 của Việt Nam và Đông Nam Á" trong ở nội dung sở trường… Rồi, "người mẹ vĩ đại", và với tôi, em là "người mẹ vàng"… Những mỹ từ ấy đều xứng đáng dành cho cô gái thành Nam đầy nội lực và nghị lực ấy.
Nguyễn Thị Huyền (sinh ngày 19/5/1993) quê Ý Yên, Nam Định, là nữ vận động viên điền kinh Việt Nam tài năng với sở trường là 400m và 400m chạy vượt rào.
11 huy chương vàng SEA Games mà Nguyễn Thị Huyền hiện có gồm 3 huy chương vàng tại SEA Games năm 2015 ở Singapore, 3 huy chương vàng tại SEA Games năm 2017 tại Kuala Lumpur, 2 huy chương vàng tại SEA Games năm 2019 ở Philipines, 2 huy chương vàng tại SEA Games năm 2021 ở Việt Nam (ban đầu là 3 huy chương vàng, nhưng sau bị tước 1 huy chương vàng nội dung tiếp sức, do có đồng đội dính doping), cùng tấm huy chương vàng mới nhất trên đất Campuchia trong SEA Games 32.
Từ những tấm huy chương vàng đầu tiên ở SEA Games 2015 ở tuổi 22, đến nay Huyền đã trở thành vận động viên kỳ cựu của điền kinh Việt Nam. Ở tuổi 30, Nguyễn Thị Huyền vẫn được kỳ vọng "bùng nổ" trên đường chạy tại các kỳ SEA Games tiếp theo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google