Tạm giữ gần 15 nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Makita ở Vĩnh Phúc

N.Cường
22:09 - 16/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Gần 15 nghìn sản phẩm ở Cửa hàng Quân Hường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Makita đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Gần 15 nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Makita

Theo thông tin từ Cục quản lý thị trường Vĩnh Phúc, thực hiện Kế hoạch số 453/KH-CQLTT ngày 3/11/2022 của Cục quản lý thị trường Vĩnh Phúc về Cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2022 và dịp trước trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Ngày 13/1/ 2023, Đội Quản lý thị trường số 5 đã phối hợp với Phòng An Ninh kinh tế - Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra Cửa hàng Quân Hường tại địa chỉ Phố Tân Thịnh, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc do ông Vũ Văn Quân sinh năm 1979 làm chủ hộ kinh doanh.

Tạm giữ gần 15 nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Makita ở Vĩnh Phúc  - Ảnh 1.

Đội Quản lý thị trường số 5, Cục quản lý thị trường Vĩnh Phúc tạm giữ gần 15 nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Makita. Ảnh: Cục quản lý thị trường Vĩnh Phúc

Tại thời điểm kiểm tra, Cửa hàng đang kinh doanh, trưng bày bán một số hàng hoá gồm 12.000 chiếc chổi than nhãn hiệu Makita, 84 chiếc lưỡi cưa nhãn hiệu Makita A.81539, 56 chiếc lưỡi cưa nhãn hiệu Makita A.05343, 12 chiếc lưỡi cưa nhãn hiệu Makita A.08765, 90 chiếc lưỡi cưa nhãn hiệu Makita P-67004, 100 chiếc Lưỡi cưa nhãn hiệu Makita P-67932, 800 chiếc đầu tô vít nhãn hiệu Makita, 714 chiếc lưỡi bào nhãn hiệu Makita, 850 chiếc đầu bắn vít nhãn hiệu Makita (14.706 sản phẩm).

Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đồng thời, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Đội Quản lý thị trường số 5 đã tạm giữ số hàng hóa trên, đồng thời tiến hành thẩm tra xác minh tại đơn vị đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu, để xử lý theo quy định.

Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 5 tiếp tục thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc.

Bên cạnh đó, Đội Quản lý thị trường số 5 sẽ tăng cường công tác khai thác và nắm bắt thông tin các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm từ đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Makita là một thương hiệu lâu đời trong lĩnh vực kinh doanh và sửa chữa động cơ điện, được thành lập năm 1915. Đây là nhà sản xuất dụng cụ điện cầm tay hàng đầu Nhật Bản, với các sản phẩm như: máy mài, máy khoan, máy cắt, máy cưa, máy chà nhám,...

Tại Việt Nam, công ty Makita là công ty con thứ 46 của hãng này, được thành lập vào năm 2009. Các sản phẩm của Makita cung cấp được người Việt tin dùng bởi độ bền, giá thành phải chăng và thiết kế chắc chắn.

Bình luận của bạn

Bình luận