Tạm giam nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và pháp luật Lê Tuấn Dũng

N.Cường
08:17 - 30/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 29/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Giàng, Hải Dương đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Tuấn Dũng, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và pháp luật, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nhận tiền để hứa hẹn "chạy án"

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Công an huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương điều tra mở rộng vụ án "Gây rối trật tự công cộng" liên quan đến việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng và vụ án "Mua bán trái phép hóa đơn" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Tiến Minh (trụ sở tại phường Hải Tân, Thành phố Hải Dương).

Quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện Lê Tuấn Dũng, sinh năm 1958, trú tại khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội, nguyên là Phó Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhận tiền của các bị can trong vụ án trên để hứa hẹn "chạy án".

Tạm giam nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và pháp luật Lê Tuấn Dũng - Ảnh 1.

Đối tượng Lê Tuấn Dũng (áo đen, bên phải). Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Ngày 29/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Giàng phối hợp phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương thi hành lệnh bắt bị can đối với Lê Tuấn Dũng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 3, Điều 174 Bộ Luật hình sự để tạm giam, đồng thời thực hiện Lệnh khám xét nơi ở của bị can tại khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can Lê Tuấn Dũng để tạm giam và Lệnh khám xét nơi ở của bị can Lê Tuấn Dũng đã được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Giàng phê chuẩn.

Vụ án đang được tiếp tục điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Điều 174 - bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bình luận của bạn

Bình luận