Tái hiện Lễ hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân của triều Nguyễn

PV
14:50 - 16/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngày mồng 7 tháng Giêng tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Lễ hạ nêu tại Hoàng cung triều Nguyễn xưa được tái hiện lại để đánh dấu kỳ nghỉ tết đã kết thúc, chuẩn bị bước vào một năm làm việc mới.

Tái hiện Lễ hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân của triều Nguyễn- Ảnh 1.

Mô phỏng theo nghi thức thời xưa, lễ hạ nêu bao gồm các phần như cúng nêu, nhạc lễ (đại nhạc, tiểu nhạc, đánh chuông trống) và tiến hành hạ cây nêu

Lễ hạ nêu tại Hoàng cung triều Nguyễn xưa được tái hiện lại để đánh dấu kỳ nghỉ tết đã kết thúc, chuẩn bị bước vào một năm làm việc mới.

Theo đúng nghi thức xưa, lễ hạ nêu được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện trang trọng, bao gồm các phần như: Cúng nêu, nhạc lễ và tiến hành hạ cây nêu dựng vào ngày 23 tháng Chạp tại Triệu Miếu và Thế Miếu, nơi thờ các chúa Nguyễn. 

Theo baothuathienhue.vn, thời Nguyễn, vào cuối năm âm lịch, thường từ ngày 23 hoặc 25 tháng Chạp, triều đình sẽ làm lễ đóng gói ấn tín (phong ấn) rồi dựng nêu (Thướng tiêu), bắt đầu kỳ nghỉ tết kéo dài trong khoảng hai tuần. Đến ngày mồng 7 tháng Giêng thì làm lễ hạ nêu, mở gói ấn tín.

Mô phỏng theo nghi thức thời xưa, lễ hạ nêu bao gồm các phần như cúng nêu, nhạc lễ (đại nhạc, tiểu nhạc, đánh chuông trống) và tiến hành hạ cây nêu. Cây nêu ở sân trước Thế Miếu được hạ trước rồi sau đó đến cây nêu ở Triệu Miếu.

Sau lễ hạ nêu là phần khai ấn cung chúc tân xuân - nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy hành chính trung ương xưa với hy vọng cả năm mọi việc suôn sẻ, nhiều thành công, đất nước được thái bình thịnh trị.

Kim ấn (mô phỏng phục chế) được lấy xuống từ ngọn cây nêu với bốn chữ "Phú - Thọ - Khang - Ninh" mang ý nghĩa: Giàu sang, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên.

Người xưa quan niệm những chữ này cầu chúc những điều yên ổn, tốt lành, trường tồn cho đất nước, may mắn, ấm no cho nhân dân. Kim ấn được đóng vào các tờ giấy trên đó có ghi các chữ thư pháp mang ý nghĩa may mắn ở dạng thư pháp, như Phúc, Lộc, Thọ, Tâm, Tài, Đạt, Cát tường, Bình an…

Cùng với lễ khai ấn là hoạt động tặng chữ cho du khách, người dân thông qua những bức thư pháp mang thông điệp tốt lành, cầu hạnh phúc, bình an, mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với mọi người trong năm mới.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hoạt động hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân mang tính chất vui tươi, tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm Di sản Hoàng cung Huế dịp đầu năm mới.

Một số hình ảnh tại Lễ hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân và tặng chữ đầu xuân cho du khách khi đến thăm khu Di sản Hoàng cung Huế:

Tái hiện Lễ hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân của triều Nguyễn- Ảnh 3.

Cây nêu ở sân trước Thế Miếu được hạ trước

Tái hiện Lễ hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân của triều Nguyễn- Ảnh 4.

Đoàn rước trước khi vào Triệu Miếu

Tái hiện Lễ hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân của triều Nguyễn- Ảnh 5.

Tiến hành hạ cây nêu ở Triệu Miếu

Tái hiện Lễ hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân của triều Nguyễn- Ảnh 6.

Lễ hạ nêu đánh dấu kỳ nghỉ tết đã kết thúc, chuẩn bị bước vào một năm làm việc mới

Tái hiện Lễ hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân của triều Nguyễn- Ảnh 7.

Sau lễ hạ nêu là phần khai ấn cung chúc tân xuân

Tái hiện Lễ hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân của triều Nguyễn- Ảnh 8.

Nhiều du khách rất vui vì được tặng chữ đầu năm khi tham quan Hoàng cung Huế dịp này

Trong 3 ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, khoảng 105.000 du khách đến tham quan quần thể di sản Huế, trong đó có hơn 12.000 du khách quốc tế. Dịp Tết Nguyên đán, Đại nội Huế mở cửa miễn phí đối với du khách trong nước và tổ chức nhiều hoạt động tái hiện Tết hoàng cung xưa như, trình diễn thư pháp, tiểu nhạc, trò chơi cung đình…


Nguồn: Tổng hợp