Tác giả tiểu thuyết "Chạy án" nói về chạy án

Huy Minh – Thanh Thùy (thực hiện)
18:00 - 24/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhân vụ cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca bị cáo buộc lừa "chạy án" 35 tỷ đồng, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có cuộc phỏng vấn Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong, tác giả bộ tiểu thuyết "Chạy án" nổi tiếng. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Tác giả tiểu thuyết "Chạy án" nói về chạy án - Ảnh 1.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong. Ảnh: Hiền Anh.

Tôi không ngạc nhiên

- Là tác giả của bộ tiểu thuyết "Chạy án" xuất bản năm 2006 - 2007 thì anh có góc nhìn hay những luận giải nào về vụ cáo buộc lừa "chạy án" 35 tỷ của Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca mới đây?

Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong: "Chạy án" trong tiểu thuyết của tôi là dùng các thủ đoạn để lách luật, trốn tù. Tôi có thể nói thế này, "chạy án" là chuyện có từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới có. Từ sau khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường, pháp luật cũng có nhiều thay đổi và "chạy án" cùng bắt đầu từ đó mà ra. "Chạy án" tức là đối tượng nằm trong diện bị điều tra hoặc thi hành án đã lợi dụng được các mối quan hệ thân quen và bằng tác động này hay tác động khác để làm sao giảm tội cho mình hoặc biến tội cho mình từ Có thành Không hoặc từ tội A sang tội B. Và đã nói đến "chạy án" thì không bao giờ thoát được chữ tiền đứng đằng sau, dứt khoát phải có tiền biếu xén hoặc có tiền nọ tiền kia. Còn nếu bảo rằng "chạy án" là do vô tư thì nói thật rằng với mấy chục năm làm báo Công an Nhân dân thì tôi không tin.

         Tiểu thuyết và phim "Chạy án" của tôi thì là hư cấu, "chạy án" ở đó cũng có bằng tiền bạc, cũng có các thủ đoạn nhưng chủ yếu là lợi dụng những kẽ hở, những quy định chưa hoàn chỉnh của pháp luật để ra tù rồi tiếp tục đi làm bậy. Nhân vật chính là Cao Thanh Lâm đã giả điên, từ giả điên đó lại bịa ra hối lộ bác sĩ các thứ, dựng hồ sơ giả là bị viêm gan B, khi được cho về chữa bệnh lại làm các chuyện tày đình khác. "Chạy án" hồi đó là như vậy.

         Còn như trường hợp Đỗ Hữu Ca bị cáo buộc "chạy án" thì thực sự tôi rất buồn, nhưng không lạ, không ngạc nhiên. Một số cán bộ, quan chức bây giờ tính hai mặt rất ghê. Ngày hôm trước có thể là một người được tôn vinh như anh hùng nhưng ngày hôm sau có thể đã thành tội đồ. Ngày hôm trước có thể là một người mũ cao áo dài, cực kỳ trong sáng, không hề có một vết tích gì về tiền bạc, về nọ kia, nhưng chưa biết chừng hôm sau lại lộ ra những chuyện này chuyện khác rất ghê gớm, thực tế hiện nay đang là như thế. Trường hợp như Đỗ Hữu Ca không phải là cá biệt. 

          Ai nói không cần tiền tức là đang dối lòng, hoặc là họ không có khả năng kiếm tiền, hoặc là họ quá nhiều và không cần tiền, còn không thì ai cũng phải cần tiền. Nhưng cần tiền mà làm tiền bằng những con đường phi pháp, bằng những con đường bẩn thỉu thì rất đáng lên án.

         Có thể nói tôi hoàn toàn ủng hộ sự cứng rắn của Bộ Công an và các cơ quan công quyền trong việc điều tra, xử lý Đỗ Hữu Ca. Và tôi tin chắc chắn rằng sẽ còn có nhiều vụ "chạy án" khác và sẽ được phanh phui. Bởi vì hiện nay có tình trạng biết mà không thấy. Chúng ta biết rất rõ là người này ăn hối lộ, vì ăn hối lộ, vì tham gia chạy án, vì có công ty "sân sau", vì đầu tư chui, vì làm ăn bất chính nên mới xây nhà to, có biệt phủ, có tiền cho con cái đi học nước ngoài… nhưng biết mà không thấy được. Đây là một vấn đề rất nhức nhối trong xã hội hiện nay, tuy đều biết nhưng không thấy và không có chứng cứ. Tham nhũng biến hóa từ dạng này qua dạng khác và ngày một tinh vi hơn.

"Chạy án" vô vàn chuyện quái quỷ

- Anh có thể giải thích cụ thể hơn về cảm giác buồn của mình khi nghe tin ông Đỗ Hữu Ca bị cáo buộc lừa "chạy án" như thế không?

Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong: Cảm giác là thế này. Công an Nhân dân là một lực lượng trọng yếu của Đảng trong việc bảo vệ chính quyền, giữ gìn trật tự an toàn, bình yên cuộc sống cho nhân dân. Vì thế đòi hỏi người cán bộ chiến sĩ công an không những phải tinh thông nghiệp vụ, giỏi pháp luật mà còn phải là người có đạo đức. Mà sao lại xảy ra như thế này, đâu phải mình ông Ca mà trước đó còn rất nhiều cán bộ công an cũng vướng vào vòng lao lý, cán bộ lớn hơn ông Ca cũng đã bị rồi. Những cái đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự của người công an.

-       Nó có phải là do bản chất lòng tham của con người không?

Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong: Đúng rồi. Tất cả cơ sự xảy ra như hiện nay là do hai nguồn. Một là do lòng tham con người, nhưng "lòng tham" này thì đã có từ ngàn đời và có vĩnh viễn. Không ai là không "tham" bởi vì lòng tham ít nhất có 2 biểu hiện: lòng tham theo nghĩa tiêu cực, nhưng cũng có thể là khát vọng, ham muốn theo nghĩa tích cực. Thế nhưng vấn đề hiện nay đó là cơ chế để cho "lòng tham" phát triển. 

Trong cuộc sống hiện nay có những chuyện không có loại sách vở nào nói lên được, không một điều luật nào bao quát hết được. Ví dụ những quan điểm như anh kiếm được cơm ăn thì cũng cho chú miếng cháo, ký được một hợp đồng rất lớn thì sẵn sàng biếu một quan chức nào đó tiền tùy theo giá trị hợp đồng mặc dù không nhờ vả gì và người ta cũng chả giúp gì. Đây chính là một khái niệm, như trong thuật ngữ công an là tội phạm bóng, tội phạm ảo, tội phạm lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, tội phạm lợi dụng ảnh hưởng người khác…

-       Nếu bây giờ anh viết lại tiểu thuyết "Chạy án" thì anh sẽ thay đổi điều gì so với cốt truyện ngày xưa?

Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong: Không, tôi đang viết một cuốn "Chạy án" mới, tất nhiên là nó khác ngày xưa. Bởi vì tiểu thuyết "Chạy án" viết đã cách đây lâu rồi, và cách "chạy án" thời đó cũng còn ấu trĩ, sơ khai, đơn giản, còn "chạy án" bây giờ tinh vi hơn rất nhiều.

Nói về nghệ thuật "chạy án" thì vô vàn chuyện quái quỷ. Nhưng muốn "chạy" được án thì phải như thế này. Đầu tiên phải "chạy" được là Cơ quan Công an điều tra, thứ nhì là Viện Kiểm sát, thứ ba là Tòa án chứ sẽ không có chuyện "chạy" chỉ một người là được. Để "chạy" được án thì phải là đường dây mối rợ. "Chạy" một người chỉ dành cho những vụ lặt vặt. Còn nếu đã là những vụ có giá trị kinh tế lớn, liên quan đến tội phạm có tổ chức thì "chạy" được án sẽ cực kỳ phức tạp.

- Xin trân trọng cảm ơn anh!