Đề tham khảo Ngữ văn về sự nguy hại của lối sống chạy theo những giá trị ảo của giới trẻ

Ly Hương
14:02 - 20/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng giáo dục lớp 12 trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên năm học 2022-2023. Đề thi môn Ngữ văn đề cập đến việc nguy hại của lối sống chạy theo những giá trị ảo.

Gợi ý đọc hiểu trích đoạn thơ "Bớt đi" nói về giá trị ảo

Câu 1. Theo nhà thơ, trong cuộc sống, mỗi người khi biết "bớt đi" thì sẽ có được: Lòng thư thái; ân nghĩa; tình chồng vợ suốt đời yên vui; cuộc đời nhẹ tênh; sóng gió, thác ghềnh phải lui; thêm hoa, thêm nụ, bớt cành lắm gai. 

Có thể diễn đạt theo cách khác: Theo nhà thơ, trong cuộc sống, mỗi người khi biết "bớt đi" thì sẽ có được: Sự thanh thản, cuộc sống ấm êm, hạnh phúc, vượt qua được mọi khó khăn, lạc quan yêu đời…

Câu 2. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Ẩn dụ "mưa dông", là những đau khổ, bất hạnh. "Nắng mai" là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Câu 3. Lời khuyên trong hai câu thơ "Bớt đi một chút của riêng/Cho giàu ân nghĩa thiêng liêng ở đời - được hiểu là: "Của riêng" (phần cá nhân) chỉ sự ích kỉ, lối sống vì quyền lợi cá nhân. Hai câu thơ đã khẳng định: Mỗi người đừng nên quá tham lam, ích kỉ, chỉ biết đến quyền lợi của cá nhân. Hãy biết trao yêu thương, trân trọng tình nghĩa. Từ đó góp phần xây dựng lối sống và những mối quan hệ tốt đẹp.

Câu 4. Một số gợi ý: Bớt đi tham vọng nhẹ người vì tham vọng là những ước muốn mà con người đề ra và hướng tới thực hiện trong cuộc sống. Nhưng khi tham vọng càng lớn thì áp lực cuộc sống đối với con người càng nặng. Đôi khi con người sẽ bất chấp mọi giá để thực hiện cho bằng được (sẵn sàng chà đạp lên danh dự, nhân phẩm….) sẽ đánh mất chính mình. 

Khi biết bớt đi tham vọng, con người sẽ sống là chính mình, thoải mái, nhẹ nhõm hơn, biết trân trọng những gì mình đang có và thấu hiểu giá trị cuộc sống.

Sự nguy hại của lối sống chạy theo những giá trị ảo của giới trẻ - Ảnh 3.

Sự nguy hại của lối sống chạy theo những giá trị ảo

Giải thích: Giá trị ảo là những giá trị không có thật, không bền vững; thiên về biểu hiện bề ngoài, hình thức, không phản ánh đúng bản chất. Giải thích khái niệm ảo trong thế giới ảo/ảo trong cuộc sống thực.

Bàn luận: Khi chạy theo những giá trị ảo, mối nguy hại là rất lớn. Đó là giới trẻ sẽ không hiểu được những giá trị thực của đời sống, mất khả năng phân biệt giữa giá trị thực và giá trị ảo. Con người sẽ đánh mất thời gian, đời sống tâm hồn sẽ ngày bị tàn lụi dẫn đến tha hóa về nhân cách, sẵn sàng giẫm đạp lên những chuẩn mực đạo đức xã hội, sống hưởng thụ, ích kỉ.

Khi những giá trị ảo biến mất thì con người sẽ thấy mệt mỏi, hoang mang, trống rỗng dẫn đến suy sụp. Kéo lùi sự phát triển của xã hội khi quá coi trọng những giá trị phù phiếm. Đặc biệt với giới trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước mải chạy theo giá trị ảo sẽ tạo nên những trào lưu tiêu cực.

Cái giá Trương Ba phải trả cho sự tồn tại của mình

Hoàn cảnh của câu nói: do sự tắc trách của quan thiên đình, Trương Ba chưa đến số chết mà phải chết, Đế Thích hoá phép cho Trương Ba sống lại trong thân xác anh hàng thịt. Tuy nhiên, sau một thời gian sống nương nhờ trong thân xác hàng thịt, Trương Ba đau đớn nhận ra cái giá rất đắt phải trả cho sự tồn tại này. Cái giá phải trả: là những điều Trương Ba phải chấp nhận đánh đổi để có được sự sống.

Phân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Xác hàng thịt để thấy được cái giá mà Trương Ba phải trả cho sự tồn tại của mình.

Mở đầu cuộc đối thoại: Trương Ba khẳng định mình vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn. Giọng điệu: Cao giọng chê bai thân xác hàng thịt âm u, đui mù, không có tiếng nói, không có cảm xúc. Cho thấy, Trương Ba ảo tưởng về chính mình, chưa nhận ra sự tha hoá của bản thân.

Trong quá trình đối thoại: Xác hàng thịt đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng cho sự tha hoá của linh hồn Trương Ba; giọng điệu: khiêu khích, chế giễu.

Trương Ba dần nhận ra những cái giá phải trả của bản thân: Không còn được sống với thân xác của mình (nhẹ nhàng, khéo léo…) mà phải mang thân xác hàng thịt (thô lỗ, kềnh càng). Đánh mất mình trong tâm hồn, lối sống (thể hiện ở thói quen ăn uống, cách cư xử tàn bạo và lối sống giả dối – "trò chơi tâm hồn").

Kết quả của cuộc đối thoại: Hồn Trương Ba càng ngày càng đuối lí, giọng điệu ấp úng, hành động lúng túng, khổ sở, từ chỗ xưng hô "mày – ta" chuyển thành "anh - tôi". Xác hàng thịt thì ngày càng tỏ ra có lí, lời thoại dài hơn, sắc sảo, giọng điệu biến hoá, khi giễu cợt, mỉa mai, lúc lại buồn rầu, an ủi. Từ đó Trương Ba lâm vào bi kịch đánh mất mình.

Nghệ thuật: Tạo dựng tình huống đặc sắc, buộc nhân vật phải lựa chọn và hành động. Xây dựng nhân vật có tính biểu tượng cao. Ngôn ngữ kịch giàu tính triết lí. Hành động kịch sinh động, hấp dẫn.

Đánh giá: Cái giá đắt phải trả của Trương Ba: Để có thể tồn tại, Trương Ba đã phải đánh đổi bằng sự tha hoá, sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo.

Đó là bi kịch sống không được là chính mình.

Thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Cuộc sống của con người là phải là sự hài hoà giữa đời sống vật chất và tinh thần; nếu con người sống chung với những dung tục, sẽ bị nó lấn át, chế ngự, tàn phá những gì tốt đẹp của con người. Khi sống không được là chính mình rõ ràng là một bi kịch của đời người.