Sự đổi thay thành phố Móng Cái, địa đầu Tổ quốc: Bài 1: Lợi thế từ vị trí chiến lược
Từ một huyện nghèo nơi cực Đông Bắc của Quảng Ninh, Móng Cái đã vươn mình, phát huy tiềm năng vốn có để thay đổi diện mạo từng ngày.
Vùng đất cửa ngõ Móng Cái - địa đầu Đông Bắc Tổ quốc
Móng Cái là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và đã trải qua nhiều thay đổi về địa danh, địa giới hành chính. Dưới triều Nguyễn (thế kỷ XIX), Móng Cái thuộc phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên. Khi thực dân Pháp cai trị, năm 1891 đã tách phủ Hải Ninh ra khỏi tỉnh Quảng Yên. Ngày 1/12/1955, thị xã Móng Cái thuộc tỉnh Hải Ninh được thành lập.
Ngày 30/10/1963, Quốc hội khóa II đã Quyết nghị "Hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh".
Ngày 01/7/1964, thị xã Móng Cái trở thành thị trấn Móng Cái thuộc huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ngày 18/01/1979, huyện Móng Cái đổi tên thành huyện Hải Ninh.
Ngày 20/7/1998, huyện Hải Ninh được nâng cấp, trở thành thị xã Móng Cái.
Ngày 24/9/2008, thành phố Móng Cái được thành lập theo Nghị định số 03/2008/NĐ-CP ngày 24/09/2008 của Chính phủ với diện tích tự nhiên 518,27 km2, có 78,4 km đường biên giới trên bộ và trên biển giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Dân số Thành phố có khoảng trên 105 nghìn người. Móng Cái có 17 đơn vị hành chính gồm 8 phường và 9 xã.
Thành phố Móng Cái có nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú, đa dạng với rừng vàng, biển bạc, có môi trường sống thanh bình, khí hậu trong lành, không gian khoáng đạt cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, quyến rũ với những địa danh du lịch nổi tiếng, là nơi duy nhất có đường biên giới trên đất liền liền với biên giới trên biển với đất nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Với lợi thế địa lý "giáp biển, giáp biên giới", thông ra biển thuận lợi, Móng Cái có vị trí địa kinh tế và địa chính trị chiến lược của tỉnh và cả nước, là một trong những cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN và Đông Bắc Á.
Theo Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam, nói về Móng Cái phải bắt đầu từ vị trí địa chiến lược. Móng Cái có vị trí địa chiến lược về kinh tế, văn hoá, chính trí, quốc phòng an ninh và đối ngoại, thành phố đang chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng cho một cuộc chuyển mình mang tính chiến lược.
Xác định được bước tiến lâu dài như vậy, Móng Cái giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế. Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh xác định thành phố Móng Cái là một trong những mũi đột phá để tạo cân bằng của sự phát triển giữa 2 quốc gia Trung Quốc và Việt Nam, hay nói cách khác là tạo ra một thế đối trọng.
Thực hiện chủ trương mở cửa biên giới, bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (tháng 2/1989) với đường lối mở cửa, thực hiện đa phương hoá, đa dạng hóa trong quan hệ hợp tác đối ngoại, Móng Cái đã đón nhận thời cơ, vận hội chuyển mình vững bước đi lên và đã có sự bứt phá ngoạn mục. Đó là kết quả bước đầu của quá trình mạnh dạn áp dụng thí điểm các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho phép Móng Cái được áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, công nghiệp tại khu vực biên giới. Quyết định này đã đưa Móng Cái thành một điểm sáng trên bức tranh kinh tế tỉnh Quảng Ninh.
Đến năm 2012, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái được thành lập.
Thành phố Móng Cái được quan tâm đầu tư mọi lĩnh vực
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040; trong đó xác định Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái là một cực tăng trưởng kinh tế năng động bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Đồng thời, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định xây dựng Móng Cái trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, với trọng tâm là phát triển du lịch biển, đảo, du lịch biên giới, du lịch văn hóa tâm linh kết hợp mua sắm, du lịch sinh thái núi - hồ, du lịch nghỉ dưỡng.
Bí thư Thành ủy Hoàng Bá Nam cũng cho biết, từ vị trí mang tính chiến lược như vậy, trong thời gian vừa qua, thành phố Móng Cái đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của tỉnh Quảng Ninh để biến những điều kiện thuận lợi trở thành động lực, dư địa cho sự phát triển mới của Móng Cái.
Năm 2018, thành phố Móng Cái trở thành đô thị loại II và hiện đang trong lộ trình lên đô thị loại I, cùng với tỉnh Quảng Ninh trở thành đô thị trực thuộc trung ương. Tốc độ đô thị hoá của Móng Cái hiện đang rất nhanh, xấp xỉ 69% (cả tỉnh Quảng Ninh là 67%).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google