Sinh viên thức trắng đêm học bài tại quán cà phê - báo động xu hướng xấu ảnh hưởng tới sức khoẻ học đường
Sinh viên miệt mài làm bài bất kể ngày đêm đã dần trở thành hình ảnh quen thuộc tại các quán cà phê 24/7. Liệu việc thức trắng đêm trong quán cà phê có thực sự là "chiến lược" học tập thông minh hay chỉ là sự liều lĩnh đánh đổi sức khỏe cho điểm số?
Xu hướng thức trắng đêm ở quán cà phê
1 giờ sáng, tại quán cafe 24/7 trong ngõ Văn Chương (Hà Nội) các "cú đêm" vẫn xếp hàng dài chờ gọi nước. Nhân viên thay nhau lên tầng kiểm tra chỗ trống để nhận thêm khách. Việc sinh viên thức trắng đêm ở các quán cà phê kiểu này không còn lạ.
Hầu hết khách đến quán là các sinh viên đang trong thời điểm ôn thi cuối kỳ. Chị Hoàng Thị Kim Hoa - đại diện quán cà phê - cho biết: "Từ 20 giờ hằng ngày, quán đón rất nhiều các bạn sinh viên học đến sáng sớm. Vào các đợt cao điểm gần thi, lượng khách của quán lên đến 150 đến 200 người, phần lớn là các bạn trẻ đi theo nhóm để học tập và làm việc".
Với nhiều bạn trẻ, việc học tập và làm việc vào ban đêm đem lại hiệu suất cao hơn rất nhiều so với ban ngày. Điều này xuất phát từ việc học không thể rèn luyện kĩ năng tập trung. Ban đêm hỗ trợ sự tập trung tốt hơn.
Sự thật này dẫn đến việc thay vì họ rèn luyện sự tập trung tốt hơn phục vụ cho việc học và sinh hoạt, thì họ lại có xu hướng đổi nếp sống từ đêm sang ngày và ngược lại, thậm chí lệch hẳn múi giờ và tâm sinh lý với xung quanh.
Từ khi các quán cà phê 24/7 ra đời, nơi đây đã và đang trở thành lựa chọn tối ưu, giải quyết vấn đề không gian học đêm cho nhiều người. Một phần các quán cafe dạng này cũng "bắt trend" nắm được nhu cầu của người trẻ.
Chị Vũ Thúy Ngân (sinh viên năm ba Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: "Mình rất hay đến quán cafe làm việc và học bài xuyên đêm. mình cảm thấy thoải mái hơn vì ở đây có không gian mở, ít ồn ào, đầy đủ tiện nghi như wifi, ổ cắm điện… Ở phòng trọ hay ký túc xá nếu thức đêm sẽ rất phiền đến các bạn khác đang ngủ".
Ngồi cạnh chị Ngân, chị Nguyễn Thu Hằng (sinh viên năm ba Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng đồng quan điểm: "Ra quán thấy xung quanh đều là những người học bài, mình cũng có động lực hơn. Ở nhà học một lúc lại ngủ, dễ lười biếng và chán nản, không tập trung".
Có rất nhiều lý do cho xu hướng này của giới trẻ, bao gồm cả các lý do "bất đắc dĩ".
Theo chị Nguyễn Mai Vân (Học viện Hành chính Quốc gia), do lịch học dày đặc, sinh viên phải dành nhiều thời gian cho việc học trên lớp, tham gia hoạt động ngoại khóa, làm bài tập nhóm,... dẫn đến việc thiếu hụt thời gian học tập cá nhân.
"Thật ra mình cũng không muốn thức đêm nhưng do sắp thi cuối kỳ, bài tập rất nhiều. Ban ngày mình bận học trên trường cả sáng và chiều, vài tiếng buổi mình không đủ để làm bài nên mình buộc phải ra quán thức đêm để không ảnh hưởng đến bạn cùng phòng", chị Vân nói.
Mối đe dọa cho sức khỏe khi thức trắng đêm
Sau vài lần thâu đêm tại quán cà phê, chị Nguyễn Ngọc Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cảm thấy sức khỏe bị ảnh hưởng đáng kể và đã dần từ bỏ thói quen này.
"Mình đến quán cà phê với mục đích có thể tập trung học bài. Nhưng khi thiếu ngủ, mình không còn đủ tỉnh táo để tiếp thu kiến thức. Sau những buổi thức trắng như thế, sáng hôm sau mình luôn trong trạng thái bơ phờ, mệt mỏi. Như vậy, việc học ngoài quán cà phê đã không còn hiệu quả với mình", chị Minh tâm sự.
Nhận thấy hiện trạng trên, các quán cà phê 24/7 tại Hà Nội đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các bạn học đêm như phục vụ nước ấm miễn phí, trang bị ghế độn bông để các bạn nghỉ ngơi khi buồn ngủ...
Tuy vậy, người trẻ thức đêm ở quán cafe một thời gian dài thường sức khoẻ đi xuống rất nhanh. Họ mệt mỏi và uể oải thấy rõ mỗi buổi sáng trên giảng đường. Có nhiều người ngủ gục triền miên. Và như vậy, bài cũ chưa ngấm xong, bài mới lại chưa tiếp thu được. Cứ thế, vòng luẩn quẩn của học khuya, tụt hậu, sức khoẻ kém lại tiếp diễn.
Chưa kể, không phải sinh viên nào cũng có thể có hiểu biết về dinh dưỡng đủ đầy cho tuổi thanh niên. Thiếu hụt dinh dưỡng cộng với việc thiếu ngủ sẽ tước đi tuổi trẻ, sinh lực và trí tuệ rất nhanh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Riêng với người trẻ tuổi, tỷ lệ này đang tăng ở mức 2% mỗi năm.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tạ Mạnh Cường (Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: "Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe. Thức khuya nhiều có thể dẫn đến tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và các biến chứng nghiêm trọng hơn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não,.."
Vị bác sĩ này đưa ra lời khuyên sau khi biết được xu hướng học khuya ở quán cafe của người trẻ: Các bạn trẻ cần sắp xếp thời gian biểu hợp lý, dành nhiều thời gian thư giãn và tập thể dục, ngủ tự nhiên để cơ thể phát triển bình thường, tránh phát sinh các nguy cơ sức khoẻ không đáng có.
Tác giả: Vĩnh Khánh
Hà Nội
(Bài dự thi "Sức khoẻ học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")
Bài dự thi xin gửi về Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học:
Email: toasoan@congdankhuyenhoc.vn
Địa chỉ: Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google