Sinh viên sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thế nào cho đúng?
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở nên phổ biến và hỗ trợ đắc lực cho quá trình học tập của sinh viên. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức hoặc sử dụng AI thiếu chọn lọc có thể dẫn đến những hệ quả khó lường.

Sinh viên RMIT ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI như một công cụ hỗ trợ học tập. Ảnh: RMIT
AI là "cánh tay phải” của sinh viên thời công nghệ
Là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền – nơi đòi hỏi tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ, Trương Thị Ngọc xem trí tuệ nhân tạo (AI) như một trợ thủ đắc lực trong học tập.
“Mỗi khi viết xong một bài viết, tôi sử dụng AI để kiểm tra lỗi ngữ pháp và sửa lại cách diễn đạt chính xác. Chat GPT, Gemini, Claude AI là những phần mềm AI mà tôi hay dùng, mỗi phần mềm lại cho tôi một cách diễn đạt khác nhau. Tôi thường tổng hợp lại và đưa ra cách viết hay nhất”, Ngọc nói.
Bên cạnh học tập, Ngọc cho biết AI cũng hỗ trợ cô rất nhiều trong công việc sáng tạo nội dung của mình. Chỉ với một vài câu lệnh, chưa mất tới 5 giây, AI đã gợi ý cho Ngọc hàng trăm ý tưởng đăng tải trên mạng xã hội với nhiều góc độ khai thác khác nhau. Với AI, Ngọc dễ dàng nắm bắt xu hướng thịnh hành hiện nay, từ đó giúp cô sáng tạo ra những ý tưởng mới mẻ.

Nguyễn Thị Phương Anh, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ. Ảnh: nvcc
Tương tự như Trương Thị Ngọc, Nguyễn Thị Phương Anh - sinh viên năm cuối chuyên ngành Sư phạm tiếng Hàn Quốc tại trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng thường dùng AI phục vụ việc học.
“Mỗi khi bí ý tưởng, tôi hay nhờ AI gợi ý cách dịch hay và tìm những tài liệu nước ngoài để tôi tham khảo. Không những thế, tôi còn nhờ AI soạn giáo án, gợi ý cách mở đầu bài dạy, thiết kế một số bài tập và trò chơi luyện tập cho học sinh”, Phương Anh chia sẻ.
Nữ sinh cũng cho biết, AI cung cấp nhiều ý tưởng hay ho mà chính nữ sinh cũng không ngờ tới, AI có tác dụng gợi ý và định hướng rất tốt. Không chỉ sử dụng trong học tập, Phương Anh còn dùng AI để soạn thư xin việc và gửi tin nhắn, chỉ với một câu lệnh, nữ sinh có thể hoàn thành những công việc nhỏ mà không mất nhiều công sức.
Sử dụng AI có chọn lọc, tránh lạm dụng
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, AI vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, đòi hỏi người dùng phải tỉnh táo và sử dụng có chọn lọc. Theo Phương Anh, AI chỉ phù hợp để hỗ trợ những kiến thức cơ bản. Ở cấp độ chuyên sâu, công cụ này thường dễ mắc lỗi hoặc đưa ra thông tin thiếu chính xác.
“Theo tôi, việc sử dụng AI cho các kiến thức chuyên sâu là không phù hợp. Đặc biệt trong lĩnh vực tiếng Hàn mà tôi theo học, AI thường mắc nhiều lỗi dịch thuật, cho ra những bản dịch thiếu tự nhiên và cứng nhắc.
Công cụ này còn hạn chế trong việc cập nhật các thuật ngữ chuyên ngành, tiếng lóng hay từ vựng mới, dẫn đến kết quả tra cứu không chính xác và nguồn thông tin thiếu tin cậy.
AI đôi khi đưa ra câu trả lời ngẫu nhiên ngay cả khi không nắm rõ vấn đề. Nhiều sinh viên ngoại ngữ đã gặp rắc rối nghiêm trọng vì quá tin vào khả năng dịch thuật của AI”, Phương Anh nói.
Còn với Nguyễn Minh Thảo, sinh viên Đại học Bách Khoa chuyên ngành Công nghệ thông tin, chia sẻ: “Đối với chuyên ngành của tôi, AI là công cụ khá mạnh hỗ trợ lập trình. Với những đoạn mã rất dài, AI có thể dễ dàng tìm ra các lỗi nhỏ với tốc độ nhanh. Nếu để tôi tự mày mò chắc sẽ mất cả ngày”.
Dù đánh giá cao những lợi ích mà AI đem lại, việc sử dụng AI thường xuyên cũng khiến Thảo lo ngại bản thân đang lạm dụng AI. Cụ thể, với những bài tập trắc nghiệm nhỏ, Thảo thường đưa nguyên cả đề bài vào AI để nhận đáp án mà không đọc hay kiểm tra lại. Hệ quả là sau một thời gian, kiến thức chẳng đọng lại gì trong đầu cô.

Thạc sĩ Bùi Đức Anh Linh, giảng viên Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: nvcc
Theo Thạc sĩ Bùi Đức Anh Linh, giảng viên Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, công nghệ AI giúp sinh viên có thể nhanh chóng tìm được phương án giải quyết vấn đề, tiết kiệm thời gian lẫn công sức. Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, Thạc sĩ Bùi Đức Anh Linh cho rằng việc sử dụng AI hỗ trợ học tập là cần thiết và luôn khuyến khích sinh viên tận dụng tối đa thế mạnh của công cụ này.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Bùi Đức Anh Linh cũng chỉ rõ mặt hạn chế khi lạm dụng AI trong học tập là làm giảm khả năng tư duy độc lập, tính sáng tạo và kỹ năng ngôn ngữ. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong ngành báo chí - truyền thông, khi kỹ năng ngôn ngữ và khả năng sáng tạo là một trong những yêu cầu quan trọng của nghề nghiệp.
“Thực tế cho thấy AI hiện chỉ dừng lại ở mức độ định hướng vấn đề cơ bản, chưa thể đi sâu vào chi tiết hay đưa ra những giải pháp sáng tạo đặc thù. Đáng chú ý, nhiều sinh viên sử dụng AI để làm bài tập đã bị phát hiện dễ dàng do nội dung sao chép nguyên văn từ 85-99%”, thầy Linh nói.
Để sinh viên sử dụng AI đúng cách và có trách nhiệm hơn, Thạc sĩ Bùi Đức Anh Linh cho rằng sinh viên chỉ nên coi AI như một công cụ hỗ trợ ban đầu để xây dựng đề cương, sau đó tự mình nghiên cứu sâu và phát triển ý tưởng. “Nếu sử dụng AI, sinh viên cần phải biên tập lại ngôn ngữ, câu từ cho phù hợp, tránh sao chép nguyên văn. Đặc biệt là cần phải logic hóa lại những dàn ý mà AI đưa ra sao cho phù hợp với vấn đề mà mình cần giải quyết, rồi tự tìm tòi, phát triển thêm miễn sao đảm bảo tính sáng tạo trong từng sản phẩm học thuật của mình”, Thạc sĩ Bùi Đức Anh Linh chia sẻ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google