Siết chặt quy định về bán hàng đa cấp 2023

Quang Minh
11:35 - 10/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chính phủ ban hành Nghị định 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Ngày 8/5/2023 Nghị định 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đã được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/6/2023.

Hiện nay, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đang có chiều hướng sôi động trở lại, Nghị định đã bổ sung, sửa đổi một số điều để đảm bảo các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có kế hoạch bảo đảm doanh thu, nâng cao các khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bảo đảm doanh thu, đầu mối uy tín của doanh nghiệp, giảm nguy cơ lừa đảo

Nghị định quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp.

Quy định này nhằm thúc đẩy hoạt động bán hàng đa cấp phát triển đúng bản chất của hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng thay vì chỉ tiêu dùng trong nội bộ hệ thống người tham gia.

Nghị định bổ sung quy định nhằm nâng cao điều kiện đối với đầu mối liên hệ của doanh nghiệp tại địa phương.

Theo đó, trường hợp doanh nghiệp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh tại địa phương thì phải cử đầu mối liên hệ tại địa phương, và đầu mối này phải được đào tạo, trải qua kỳ kiểm tra kiến thức và được Bộ Công Thương cấp xác nhận kiến thức mới có thể làm đầu mối cho doanh nghiệp.

Quy định này nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp cử đầu mối mang tính chất đối phó, không có hiểu biết pháp luật hay hiểu biết về hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý trên địa bàn.

Nghị định 18/2023/NĐ-CP đã bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông.

Siết chặt quy định về bán hàng đa cấp 2023 - Ảnh 1.

Chủ sở hữu là nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ phải tuân thủ quy định về giấy phép. Ảnh minh họa: IT.

Theo đó, trong trường hợp này, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 3 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Điều kiện này nhằm giúp sàng lọc các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp trước khi vào thị trường Việt Nam, giúp giảm nguy cơ lừa đảo trên quy mô lớn.

Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng đa cấp cũng thuộc phạm vi hoạt động phân phối bán lẻ nên các doanh nghiệp có cổ đông hay chủ sở hữu là nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ phải tuân thủ quy định về giấy phép kinh doanh tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Chấn chỉnh các hoạt động hội nghị, hội thảo bán hàng đa cấp

Về việc thay đổi quy định về thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo trong hoạt động bán hàng đa cấp. Nghị định quy định, hội nghị, hội thảo, đào tạo tổ chức dưới hình thức trực tuyến cũng phải thông báo đến Sở Công Thương trước khi thực hiện.

Quy định này nhằm khắc phục tình trạng tổ chức các hoạt động trực tuyến để né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Nghị định cũng sửa đổi quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện một số thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, giảm các thủ tục không cần thiết, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, nghị định cũng sửa đổi một số quy định khác nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của cơ chế quản lý hoạt động bán hàng đa cấp như điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam, quy định về các loại hội nghị, hội thảo, đào tạo thuộc phạm vi thông báo trước khi thực hiện, nội dung về phạm vi áp dụng kế hoạch trả thưởng tại Việt Nam, quy định rõ nội dung và cơ chế sử dụng khoản tiền ký quỹ...

Thanh tra 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Cũng trong dịp này, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đang triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, cụ thể:

Kiểm tra đối với các doanh nghiệp:

- Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Vinalink), địa chỉ trụ sở chính: Lô C16/D21 KĐTM Cầu Giấy, phố Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội;

- Công ty TNHH Oriflame Việt Nam, địa chỉ trụ sở chính: Số 100-102 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thanh tra đối với các doanh nghiệp:

- Công ty TNHH Seacret, địa chỉ trụ sở chính: Tầng 4, tòa nhà số 227B, Cách Mạng Tháng Tám, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh;

- Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam, địa chỉ trụ sở chính: Số 89, đường Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh;

- Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam, địa chỉ trụ sở chính: số 38/1 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 15, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh;

- Công ty TNHH Gcoop Việt Nam, địa chỉ trụ sở chính: B17-17 Vinhomes Gardenia, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Trường hợp có thông tin phản ánh hoặc có vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp, người dân có thể cung cấp thông tin cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để xem xét, làm rõ theo quy định.


Nguồn: Bộ Công thương